Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn VN: Trợ lực cho chuyển đổi số quốc gia

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Theo Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ phát triển tập trung vào chip bán dẫn, chip chuyên dụng, công nghiệp điện tử và nhân tài, đưa Việt Nam trở thành điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về bán dẫn. Điều này sẽ là một trợ lực quan trọng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, lộ trình ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ phát triển qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2024 – 2030) sẽ tập trung vào việc thu hút FDI có chọn lọc, nâng quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 25 tỷ USD/năm, nâng quy mô nhân lực ngành lên 50.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao.

Giai đoạn thứ 2 (2030 – 2040) sẽ tập trung phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 2 nhà máy chế tạo chip bán dân,x 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử; đưa quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn Việt đạt trên 50 tỷ USD/năm, quy mô doanh thu công nghiệp điện tử đạt trên 485 tỷ USD/năm, quy mô nhân lực ngành đạt trên 100.000 kỹ sư.

Giai đoạn thứ 3 (2040 – 2050) sẽ hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử bán dẫn; nâng quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn trong nước đạt trên 100 tỷ USD/năm, quy mô doanh thu công nghiệp điện tử Việt đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, đồng thời hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam tự chủ, có nă lực dẫn đầu thế giới ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất…

Trên cơ sở đó, Chiến lược đã vạch ra 5 nhiệm vụ cốt lõi cho ngành bao gồm: Phát triển chip chuyên dụng, tập trung vào các lĩnh vực chip AI, chip IoT, phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn trong nước kết nối với các đối tác chiến lược; Phát triển công nghiệp điện tử, tập trung bố trí nguồn lực cho nghiên cứu, phát triển với trọng tâm là các thiết bị tích hợp chip chuyên dụng, chip AI; Phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài bán dẫn, ưu tiên đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyển tiếp từ nguồn nhân lực có sẵn…; Thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, xây dựng cơ chế ưu đãi cao nhất để thu hút có chọn lọc dự án đầu tư nước ngòa có hàm lượng công nghệ cao trong công nghiệp bán dẫn và điện tử từ nguồn nhâ sách trung ương và địa phương; Một số nhiệm vụ và giải pháp khác như thành lập ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thành lập tổ chuyên gia tư vấn chuyên môn về công nghiệp bán dẫn, xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam trong lĩnh vực…

Việc ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được xem là bước tiến quan trọng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Trước đó, tại Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao vai trò của ngành công nghiệp bán dẫn đối với chuyển đổi số. Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển của mọi quốc gia và Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số, là nền tảng của 3 chuyển đổi mang tính cách mạng là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh tại Việt Nam.

Từ khóa: công nghiệp bán dẫn, công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi số quốc gia, chip bán dẫn, chip chuyên dụng, công nghiệp điện tử, chuỗi cung ứng toàn cầu về bán dẫn

Thể loại: Khoa học - Công nghệ

Tác giả: ctv nguyễn hiền/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập