Di tích ở Đồng Nai được bảo tồn thế nào, phát huy giá trị ra sao?
Cập nhật: 09/11/2024
VOV.VN - Cần cơ chế phù hợp và sự quan tâm, đầu tư đúng mức để công tác này đem lại hiệu quả, nếu không thì việc giữ lại các di tích chỉ mang tính hình thức, bảo tồn và phát huy mờ nhạt.
Sau khi dư luận lên tiếng về ngôi biệt thự cổ "nhà lầu ông Phủ" chồng lấn mặt bằng dự án đường ven sông Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo bảo tồn, phát huy giá trị. Nhìn lại lâu nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều di tích, di sản dường như vẫn “ngủ quên” cũng cần được khai thác, phát huy giá trị.
Thành cổ Biên Hòa được xem là công trình kiến trúc quân sự lớn thứ nhì ở Nam Bộ, chỉ sau thành Gia Định và là thành cổ duy nhất ở Nam Bộ còn tồn tại đến ngày nay.
Khu vực này trước đây có diện tích 18 ha, nhưng thời gian chiến tranh đã bị thực dân Pháp thu hẹp chỉ còn 1/8 so với trước. Hiện nay, di tích này nằm chìm nghỉm, lẩn khuất giữa những ngôi nhà hiện đại và ít người lui tới.
Văn miếu Trấn Biên (TP Biên Hòa) là văn miếu được xây dựng đầu tiên ở Đàng Trong, dưới thời chúa Nguyễn. Đây là nơi gắn liền với lịch sử mở mang bờ cõi phương Nam của tiền nhân.
Năm 2015, tại Văn miếu Trấn Biên đã khánh thành và đưa vào sử dụng Vườn tượng danh nhân nhưng hiện nay, do thiếu quan tâm, tu bổ thường xuyên nên khu vực này đã xuống cấp.
Nhận xét về việc này, ông Quản Minh Cường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trường đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai yêu cầu đơn vị quản lý, khai thác là Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai Dofico phải có sự đầu tư nghiêm túc.
"Không làm được trả lại cho tỉnh ngay, làm được thì phải làm cho ra làm. Để cỏ mọc, tường nứt, đây là di tích văn hóa lịch sử mà không làm được lại cứ giữ bao nhiêu năm. Người Hàn Quốc, người Trung Quốc thổi hồn vào văn hóa mà trở thành kinh doanh mũi nhọn. Giáo dục truyền thống, đạo đức qua đây chứ không đâu khác", ông Cường nhấn mạnh.
Hai di tích nêu trên là những di tích nổi tiếng, nằm ở ngay TP Biên Hòa, việc tiếp cận khá dễ dàng. Trên địa bàn tỉnh có hơn 71 di tích văn hóa – lịch sử đã được xếp hạng, nhưng điểm chung là thiếu sức sống, chưa tạo được dấu ấn rõ nét nào trong bản đồ du lịch vùng Đông Nam Bộ.
Ông Trần Quang Toại – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai cho biết: Bất cập hiện nay trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản là về cơ chế. Theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc quản lý di tích được phân cấp.
Cụ thể, di tích được phân cấp chịu sự quản lý của cấp tỉnh hoặc cấp huyện. Theo ông Toại, việc phân cấp này có thuận lợi là có chủ thể quản lý. Tuy nhiên, điểm bất lợi là ở cấp cơ sở thì cán bộ phụ trách văn hóa lại không đủ chuyên môn, nghiệp vụ.
Dẫn ví dụ về di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TP Long Khánh), đây là di tích có tuổi đời 2.000 năm, được phát hiện vào năm 1927. Ông Toại nhận định, hiện TP Long Khánh được giao quản lý di tích này, mặc dù đã được đầu tư hàng trăm tỷ nhưng hiện trạng trở nên hoang tàn.
"Cả TP Long Khánh mà Phòng văn hóa chưa tới 10 người, mà phụ trách nhiều lĩnh vực phải quản lý, hoạt động nên chỉ thuê được mộ bảo vệ. Nếu không phân cấp quản lý thì ngành văn hóa cũng không đủ người, mà bộ máy thì gắn với biên chế của tổ chức nên cứ loay hoay, mâu thuẫn", ông Toại chia sẻ.
Để có nguồn kinh phí phục vụ hoạt động ngành văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai vừa có đề xuất thu phí tham quan đối với 5 danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa – lịch sử.
Mức thu phí áp dụng với trẻ em từ 5.000 – 10.000 đồng, người lớn từ 10.000 – 20.000 đồng. Tỷ lệ được giữ lại tùy theo từng nơi, từ 35 đến 50 và 100%. Đề xuất này sẽ được dự thảo thành nghị quyết trình lên HĐND tỉnh xem xét.
Ông Nguyễn Hồng Ân – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết: "Thu phí di tích cũng là một trong những điều kiện để tái đầu tư lại cho di tích, trang trải điện nước, bảo vệ, quét dọn vệ sinh và tạo cảnh quan môi trường. Vấn đề là sử dụng nguồn thu đó và công khai minh bạch thì đây là một trong những điều kiện để các di tích phát triển, góp phần bảo tồn, tôn tạo ngày một tốt hơn".
Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản là chủ trương đúng. Tuy nhiên, cần cơ chế phù hợp và sự quan tâm, đầu tư đúng mức để công tác này đem lại hiệu quả, nếu không thì việc giữ lại các di tích chỉ mang tính hình thức, bảo tồn và phát huy mờ nhạt.
5 danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa – lịch sự được tỉnh Đồng Nai đề xuất thu phí tham quan gồm: Danh thắng Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên (TP Biên Hòa), danh lam thắng cảnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc), Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu) và Tượng đài chiến thắng La Ngà (huyện Định Quán).
Từ khóa: di tích, Đồng Nai,bảo tồn, phát huy,cơ chế, đầu tư
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: duy phương/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN