Từ vụ Công Trí bị bắt: Đừng lấy nghệ thuật để biện minh cho lối sống buông thả

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí bị bắt vì liên quan đến ma túy khiến công chúng bàng hoàng. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cú ngã này là hồi chuông cảnh tỉnh, nhấn mạnh: “Danh tiếng không thể là kim bài miễn tội, nghệ sĩ cần sống có trách nhiệm với tài năng và công chúng”.

Tài năng không thể là "kim bài miễn tội"

Ngày 23/7, thông tin nhà thiết kế (NTK) hàng đầu Nguyễn Công Trí bị bắt vì liên quan đến ma túy đã gây rúng động mạng xã hội và giới nghệ thuật. Theo Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây mua bán, tổ chức sử dụng ma túy do Nguyễn Công Trí và các đồng phạm thực hiện. Hiện công an đang hoàn tất hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.

Không chỉ là tên tuổi lớn trong ngành thời trang, Nguyễn Công Trí còn được ví như “anh cả làng mốt Việt” – người góp phần định hình bản sắc thời trang Việt Nam trên trường quốc tế. Anh từng hợp tác với nhiều ngôi sao nổi tiếng như Beyoncé, Rihanna, Katy Perry…Vì vậy, việc anh vướng vào ma túy không chỉ khiến giới chuyên môn bất ngờ mà còn làm công chúng sụp đổ niềm tin.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội – cho rằng: “Trường hợp của nhà thiết kế Công Trí gây chấn động không chỉ bởi anh là tên tuổi lớn trong làng thời trang Việt Nam, mà còn vì anh từng là niềm tự hào, người đưa hình ảnh thời trang Việt vươn ra quốc tế... Một cá nhân có tầm vóc như vậy mà vẫn không vượt qua được cám dỗ ma túy, cho thấy vấn đề không còn dừng lại ở đạo đức cá nhân, mà đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về một mặt tối, âm thầm len lỏi trong đời sống nghệ thuật”.

Theo ông, đằng sau sự hào nhoáng của giới nghệ sĩ là những áp lực khắc nghiệt, sự cô đơn và thiếu điểm tựa tinh thần – những yếu tố dễ đẩy nghệ sĩ đến quyết định sai lầm, đánh đổi cả sự nghiệp và danh tiếng.

Sau vụ việc, dư luận chia rẽ giữa thất vọng và tiếc nuối. Có người trách móc, có người vẫn cố bênh vực vì từng ngưỡng mộ tài năng của Nguyễn Công Trí. Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn: “Công Trí là một trong những người mở đường, đặt nền móng cho thời trang Việt Nam có vị thế trên bản đồ thế giới... Nhưng trong mọi sự thất vọng, có lẽ điều cần thiết không phải là những lời lăng mạ, mà là những câu hỏi nghiêm túc: Vì sao một tài năng lớn lại không giữ được mình? Trong lĩnh vực nghệ thuật, đạo đức và nhân cách của nghệ sĩ càng phải được giữ gìn như một phần của tác phẩm mà họ tạo ra”.

Tài năng không thể là "kim bài miễn tội". Dù có đóng góp lớn đến đâu, nghệ sĩ cũng không thể đứng ngoài chuẩn mực pháp luật và đạo đức. Bởi niềm tin của công chúng chính là nền tảng cho sự tồn tại của người làm nghệ thuật.

Thực tế cho thấy, nhiều nghệ sĩ từng là “biểu tượng văn hóa” nhưng chỉ một lần vướng vòng lao lý cũng đủ để sự nghiệp không thể phục hồi. Có người mất hoàn toàn cơ hội quay lại sân khấu. Có người được tha thứ nhưng vết sẹo trong lòng công chúng không bao giờ lành.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: “Danh tiếng không thể và không nên là tấm ‘kim bài miễn tội’... Sự nổi tiếng không phải là đặc quyền để miễn trừ đạo lý, mà phải là động lực để sống tử tế và có trách nhiệm hơn. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng không nên biến họ thành những con người bị xã hội ruồng rẫy đến tận cùng. Họ đã sai thì phải chịu trách nhiệm, nhưng trách nhiệm đó phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật và tinh thần thượng tôn công lý, chứ không phải bằng sự miệt thị hay phán xét cảm tính”.

"Nghệ thuật là để thăng hoa, không phải là cái cớ để biện minh cho lối sống buông thả"

Không thể phủ nhận rằng nghệ thuật là môi trường đặc thù – nơi cảm xúc luôn căng thẳng, sáng tạo liên tục bị thử thách và nghệ sĩ thường xuyên đối mặt với áp lực phải “mới”, phải “bùng nổ”, phải “khác biệt”. Nhưng khi thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ năng sống, quản lý cảm xúc và định hướng giá trị, rất nhiều người trẻ trong giới nghệ thuật dễ rơi vào lối sống hưởng thụ, lệch chuẩn.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, sự sa ngã của nghệ sĩ vào vòng xoáy của ma túy, chất cấm không chỉ đơn thuần đến từ áp lực sáng tạo hay áp lực kỳ vọng của công chúng, mà còn đến từ những khoảng trống tâm lý mà họ không thể tự lấp đầy. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cảnh báo: “Trong ánh hào quang rực rỡ, nhiều người lại cô đơn hơn bao giờ hết. Họ sống giữa sự tung hô và kỳ vọng, nhưng không phải lúc nào cũng có ai đó thực sự đồng hành để lắng nghe, để giúp họ cân bằng lại cảm xúc, để ngăn họ khỏi những phút giây yếu lòng”.

Nghệ thuật là hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ, đòi hỏi sự mới mẻ, độc đáo, thậm chí là vượt ra khỏi những khuôn khổ. Và cũng chính vì thế, nghệ sĩ dễ rơi vào trạng thái bế tắc, mất phương hướng, cảm thấy áp lực phải giữ mãi đỉnh cao. Nếu thiếu một nền tảng đạo đức vững chắc, thiếu sự giáo dục về bản lĩnh nghề nghiệp, thiếu môi trường văn hóa lành mạnh – họ rất dễ tìm đến những lối thoát giả tạo: từ rượu, thuốc lá cho đến ma túy.

"Thêm vào đó, sự cám dỗ trong giới giải trí là có thật. Các mối quan hệ phức tạp, những cuộc tiệc tùng không điểm dừng, những lời mời gọi ngọt ngào nhưng đầy độc hại... đều có thể biến một nghệ sĩ tài năng trở thành nạn nhân. Khi đam mê bị chi phối bởi thói quen hưởng thụ, khi bản lĩnh không thắng nổi cảm xúc, thì sa ngã là điều khó tránh khỏi", PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.

Theo các chuyên gia văn hóa, điều cấp thiết hiện nay là xây dựng một môi trường nghệ thuật lành mạnh hơn. Trách nhiệm này không chỉ thuộc về từng cá nhân nghệ sĩ, mà còn thuộc về các đơn vị quản lý nghệ thuật, công ty đào tạo và các cơ quan chức năng. Cần có chương trình giáo dục đạo đức nghề nghiệp ngay từ khi đào tạo, có trung tâm tư vấn tâm lý cho nghệ sĩ, và có chính sách xử lý – phục hồi công bằng, minh bạch.

Trong bối cảnh danh tiếng có thể được tạo ra chỉ sau một video viral nhưng cũng có thể mất đi chỉ sau một vụ bê bối, lời nhắn nhủ của PGS.TS Bùi Hoài Sơn trở nên đắt giá hơn bao giờ hết: “Nghệ thuật là ánh sáng, nhưng ánh sáng ấy không miễn dịch với bóng tối. Chỉ có bản lĩnh, đạo đức và sự tỉnh táo mới giúp mỗi người giữ vững mình giữa những cạm bẫy ngọt ngào mà nguy hiểm...Ma túy không chỉ là chất cấm – nó là ‘kẻ cướp tương lai’ khôn lường, là con dao hai lưỡi giết chết sự nghiệp, hủy hoại niềm tin và để lại những vết sẹo không thể xóa nhòa”.

Và trên hết: “Vì nghệ thuật là để thăng hoa, chứ không phải là cái cớ để biện minh cho lối sống buông thả. Giữ gìn bản thân cũng chính là giữ gìn niềm tin, giữ gìn ánh sáng cho con đường nghệ thuật mà mỗi người đã chọn”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Từ khóa: Công Trí, Nguyễn Công Trí, nghệ sĩ sa ngã, ma túy showbiz, danh tiếng và pháp luật, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trách nhiệm nghệ sĩ, Công Trí

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: hà phương/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập