Cuộc chiến 12 ngày Israel-Iran phơi bày lỗ hổng kho tên lửa đánh chặn của Mỹ
Cập nhật: 3 giờ trước
Cuộc chiến 12 ngày Israel-Iran phơi bày lỗ hổng kho tên lửa đánh chặn của Mỹ
Australia và Anh ký thỏa thuận AUKUS song phương về hợp tác phát triển tàu ngầm
VOV.VN - Trong cuộc chiến kéo dài 12 ngày vào tháng 6 vừa qua, 2 hệ thống THAAD được Mỹ triển khai tới Israel vẫn không đủ để đẩy lùi các đợt tấn công tên lửa của Iran. Điều này bày lỗ hổng trong kho tên lửa đánh chặn của Mỹ.
Mỹ hiện sở hữu 7 tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Trong cuộc chiến kéo dài 12 ngày với Iran hồi tháng 6, hai trong số đó đã được triển khai tới Israel – và vẫn không đủ.
Kết hợp tác chiến cùng hệ thống phòng thủ của Israel, các đơn vị vận hành THAAD của Mỹ đã sử dụng hơn 150 tên lửa đánh chặn để đối phó với những đợt tập kích tên lửa đạn đạo quy mô lớn từ Iran. Theo các quan chức Mỹ, con số này tương đương gần 1/4 tổng số tên lửa THAAD mà Lầu Năm Góc từng mua kể từ khi hệ thống được đưa vào biên chế.
Một quan chức cho hay, nhu cầu sử dụng tên lửa lớn đến mức Lầu Năm Góc từng cân nhắc phương án điều chuyển các tên lửa đánh chặn vốn dành cho Saudi Arabia sang phục vụ các tổ hợp triển khai tại Israel. Tuy nhiên, đây là quyết định nhạy cảm, do các thành phố và cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia cũng nằm trong vùng rủi ro trong cuộc chiến.
Không chỉ THAAD, các tàu chiến Mỹ cũng tiêu hao lượng lớn tên lửa đánh chặn, trong khi kho dự trữ của Israel cũng nhanh chóng cạn kiệt. Dù vậy, vẫn có hàng chục tên lửa Iran vượt qua lưới phòng thủ.
Giới chức Israel đánh giá các hệ thống phòng không Mỹ đã giúp cứu hàng nghìn sinh mạng, nhưng cuộc chiến cũng cho thấy một khoảng trống đáng lo ngại trong kho dự trữ của Mỹ. Quân đội Mỹ hiện đang xem xét lại hiệu quả hoạt động của các hệ thống phòng thủ, bao gồm cả cách thức vận hành và hiệu suất thực tế của một số dòng tên lửa đánh chặn.
Một số nhà hoạch định quốc phòng cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ, vốn được thiết kế để bảo vệ lực lượng trước các cuộc tấn công có chủ đích từ Nga, Trung Quốc hoặc Triều Tiên chứ không phải mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo giá rẻ với số lượng lớn đang trở thành vũ khí chủ lực trên không.
Phó Đô đốc Brad Cooper – người sắp tiếp quản Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), cơ quan phụ trách các chiến dịch quân sự tại Trung Đông – phát biểu trước Quốc hội vào tháng 6 rằng vấn đề đạn dược đang rất cấp bách. “Tôi lo lắng về nhiều thứ, nhưng một trong số đó là số lượng đạn và độ sẵn sàng của các bệ phóng”, ông Cooper cho biết.
Mỗi tổ hợp THAAD gồm 6 bệ phóng, có thể mang tổng cộng 48 tên lửa đánh chặn, và cần khoảng 100 binh sĩ Mỹ để vận hành, bảo trì, nạp đạn và phân tích dữ liệu suốt ngày đêm.
“Đây là lần đầu tiên tôi được biết Mỹ triển khai 2 tổ hợp THAAD tại cùng một quốc gia. Đó là cam kết công nghệ và nhân lực lớn chưa từng có của Mỹ đối với an ninh của Israel”, ông Dan Shapiro, cựu quan chức phụ trách chính sách Trung Đông tại Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Joe Biden và hiện là chuyên gia tại Atlantic Council, cho hay.
Trong thời gian chiến sự diễn ra, Lầu Năm Góc đã chuyển thêm tên lửa THAAD tới khu vực, nhưng nguồn cung rất hạn chế.
Mỗi quả tên lửa THAAD có giá khoảng 13 triệu USD. Từ năm 2010 đến nay, Mỹ đã đặt mua khoảng 650 quả và dự kiến sẽ mua thêm 37 quả trong năm tài khóa tới. Nhà sản xuất Lockheed Martin cho biết hãng có thể sản xuất khoảng 100 quả mỗi năm, và đang phối hợp với chính phủ để mở rộng sản xuất cho các đơn hàng mới.
Theo chuyên gia Wes Rumbaugh từ CSIS, chi phí để bổ sung lại số tên lửa THAAD đã dùng trong cuộc chiến 12 ngày có thể lên tới 1,5 - 2 tỷ USD và mất hơn một năm để hoàn tất.
Việc điều động tới Trung Đông cũng ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Mỹ, đồng thời cho thấy nhu cầu ngày càng tăng không chỉ với tên lửa đánh chặn mà cả với số lượng bệ phóng.
Theo quan niệm chiến lược của Lục quân Mỹ, lý tưởng nhất là cứ một tổ hợp THAAD triển khai thì phải có 2 tổ hợp khác ở Mỹ: một trở về để bảo trì, và một đang phục vụ huấn luyện.
Hiện Mỹ có 7 tổ hợp THAAD đang hoạt động: 2 đang được triển khai tại Israel, 2 triển khai lâu dài tại Guam và Hàn Quốc, 1 đặt tại Saudi Arabia và 2 còn lại ở nội địa Mỹ. Tổ hợp thứ 8 đã được sản xuất nhưng chưa hoạt động đầy đủ.
Theo một sĩ quan huấn luyện lực lượng phòng không, với 5/7 tổ hợp THAAD đang ở nước ngoài, Mỹ có thể sẽ gặp phải tình trạng “quá tải triển khai” – khi các đơn vị không được “nghỉ ngơi” đúng chu kỳ.
Dù Israel sở hữu hệ thống phòng không nhiều lớp gồm Arrow, David’s Sling và Vòm Sắt, kho tên lửa đánh chặn của nước này cũng đã cạn dần vào thời điểm xung đột kết thúc. Một quan chức Mỹ cho biết nếu Iran tiếp tục tập kích thêm vài đợt quy mô lớn, Israel có thể đã cạn kiệt toàn bộ tên lửa Arrow-3, dòng tên lửa đánh chặn tầm cao tiên tiến nhất.
Quân đội Israel từ chối tiết lộ số lượng tên lửa hay chi tiết hoạt động của các hệ thống phòng không, nhưng khẳng định rằng “trong suốt cuộc chiến, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) luôn đủ năng lực để bảo vệ chủ quyền và an toàn của người dân”.
Khi các đợt tập kích tiếp diễn, Mỹ điều gấp 7 tàu khu trục trang bị khả năng đánh chặn tên lửa đến Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Phần lớn các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ được trang bị tên lửa đánh chặn dòng Standard Missile (SM-2, SM-3 và SM-6). Các tàu này cũng tiêu hao lượng lớn đạn. Trong phiên điều trần tại Quốc hội tháng 6, Đô đốc James Kilby, quyền Tư lệnh tác chiến Hải quân xác nhận các tàu đã bắn khoảng 80 quả SM-3 để đánh chặn các mối đe dọa từ Iran.
SM-3, do tập đoàn quốc phòng RTX sản xuất, có giá từ 8 đến 25 triệu USD tùy biến thể. Tuy nhiên, một số quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hiệu quả thực chiến của SM-3 không đạt kỳ vọng. Hiện quân đội đang phân tích từng vụ phóng để làm rõ nguyên nhân. Một sĩ quan Hải quân tham gia quy trình này nhận định rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận về khả năng tác chiến của SM-3.
Phía RTX khẳng định: “Dữ liệu từ thử nghiệm và chiến đấu thực tế cho thấy SM-3 là tên lửa đánh chặn hiệu quả, có khả năng tiêu diệt các mối đe dọa phức tạp trong môi trường khắc nghiệt”.
Hai sĩ quan Hải quân từng phục vụ tại Trung Đông cho biết việc điều phối giữa các lực lượng có thể gặp khó khăn do Mỹ và Israel chủ yếu sử dụng liên lạc bằng giọng nói để phân chia mục tiêu, dẫn đến khả năng nhiều tàu cùng bắn vào một tên lửa.
Ngoài đầu đạn, binh sĩ còn phải phân biệt các mảnh vỡ, mồi nhử và động cơ tên lửa đang bay trong không trung. Dù được huấn luyện kỹ, nhưng với mật độ mục tiêu dày đặc, việc xác định đúng mục tiêu thực sự là thách thức.
“Khi số lượng tên lửa tăng vọt, việc tiêu diệt chính xác từng mục tiêu trở nên phức tạp hơn rất nhiều”, ông Tri Freed, kỹ sư trưởng tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins, nhận định.
Thêm vào đó, sau khi bắn hết tên lửa, các tàu chiến Mỹ buộc phải quay lại cảng ở Địa Trung Hải hoặc Biển Đỏ do hiện Hải quân Mỹ chưa có giải pháp nạp lại tên lửa trên biển một cách an toàn.
Việc đưa ống phóng tên lửa dài gần 10 mét vào hầm phóng thẳng đứng yêu cầu độ ổn định cao, điều gần như không thể khi tàu bị sóng đánh chao đảo, điều này sẽ là bất lợi lớn nếu Mỹ tham chiến ở Thái Bình Dương.
“Việc tái nạp tên lửa trên biển là thách thức lớn do kích thước và trọng lượng của các ống chứa,” ông Freed cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất vẫn là số lượng. Ông Karako, chuyên gia phòng thủ tên lửa, cảnh báo: cuộc chiến vừa qua và nguy cơ các xung đột tiếp theo cho thấy Mỹ cần bổ sung một lượng lớn tên lửa đánh chặn mới.
“Điều đáng lo là Iran có thể sẽ làm điều này một lần nữa và chúng ta thì không đủ khả năng để lặp lại cuộc chiến đó”, ông nói.
Từ khóa: Cuộc chiến 12 ngày, Israel, Iran, Mỹ, xung đột Israel Iran, tên lửa đánh chặn, THAAD, SM-3, phòng thủ tên lửa Mỹ, Trung Đông, kho tên lửa Mỹ, hệ thống phòng thủ Mỹ
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả: hoàng phạm/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN