Nước cờ chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ đằng sau cuộc đàm phán Nga-Ukraine
Cập nhật: 2 giờ trước
VOV.VN - Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ muốn làm trung gian cho hòa bình giữa Nga và Ukraine, mà còn đang toan tính vị thế chiến lược dài hạn – một vai trò kiến tạo trật tự mới với sự ủng hộ âm thầm từ Washington.
Vòng đàm phán thứ ba giữa Nga và Ukraine diễn ra tại Istanbul chỉ kéo dài chưa đầy một giờ và được cho là quá ngắn để có thể kỳ vọng vào bất kỳ bước tiến nào. Dù hai phái đoàn đều mang theo những luận điểm riêng, lập trường của họ vẫn không thể dung hòa.
Phía Ukraine một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, trao trả tù binh và đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống Vladimir Putin – điều mà theo Moscow là thiếu một khuôn khổ cụ thể. Trong khi đó, phái đoàn Nga đề xuất một tiến trình đối thoại theo ba hướng – quân sự, chính trị và nhân đạo – và để ngỏ khả năng thiết lập các lệnh ngừng bắn cục bộ để phục vụ hoạt động sơ tán. Tuy nhiên, do thiếu sự đồng thuận về những vấn đề cốt lõi, ngay cả việc phối hợp nhân đạo cũng không thể thực hiện.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận sau cuộc họp rằng hai bên vẫn còn “rất xa nhau” ngay cả trong việc thống nhất các biên bản ghi nhớ cơ bản để có thể xúc tiến đàm phán trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo: “Với khối lượng công việc còn lại để thu hẹp khác biệt lập trường…thật khó hình dung chúng ta có thể bất ngờ vượt qua khoảng cách đó.”
Dù cuộc đàm phán ở Istanbul không mang lại đột phá, Ankara vẫn mô tả đây là một bước đi có ý nghĩa. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan gọi cuộc gặp giữa phái đoàn Nga và Ukraine là “một viên gạch nữa” trong quá trình xây nền móng cho hòa bình, đồng thời tái khẳng định cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò trung gian. Tuy nhiên, đằng sau ngôn từ ngoại giao đó là một tham vọng lớn hơn.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan không chỉ coi Thổ Nhĩ Kỳ là chủ nhà trung lập, mà còn là một cường quốc khu vực có vị thế đặc biệt để đối thoại với cả Moscow lẫn Kiev. Khác với các nước châu Âu bị ràng buộc bởi lập trường của NATO, Ankara vẫn duy trì các kênh liên lạc mở với cả hai bên và có ý định tận dụng tối đa lợi thế này.
Tham vọng đó được thúc đẩy thêm sau một đề nghị trực tiếp từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo báo Hürriyet của Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc điện đàm hồi tháng 5, ông Trump đã yêu cầu ông Erdogan khôi phục vai trò trung gian chủ chốt của Ankara trong cuộc xung đột Ukraine. Ông Erdogan được cho là đã hưởng ứng tích cực – một phản ứng dễ hiểu nếu xét đến mong muốn lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc định hình khuôn khổ ngoại giao thời hậu chiến.
Cuộc điện đàm thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo vào tháng 6 tiếp tục củng cố sự đồng thuận này. Ngoài việc thảo luận căng thẳng leo thang giữa Iran và Israel, ông Trump và ông Erdogan cũng được cho là đã tái khẳng định vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ trong hồ sơ Ukraine. Với Ankara, đây là cơ hội để khẳng định vị thế quốc tế.
Tổng thống Erdogan hiện là một trong số ít nhà lãnh đạo duy trì được quan hệ làm việc độc lập và hiệu quả với cả Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky. Không giống đa số lãnh đạo phương Tây, ông trực tiếp tiếp xúc với cả hai bên một cách thực dụng – không phụ thuộc vào các khối liên minh hay cơ chế cứng nhắc. Chính sự tiếp cận đặc biệt này mang lại cho Ankara vị trí riêng biệt trên bàn cờ trung gian quốc tế và củng cố ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong bất kỳ tiến trình hòa bình nào trong tương lai.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc làm trung gian cho xung đột Ukraine không chỉ là hoạt động ngoại giao – mà là một nước cờ chiến lược nhằm mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Biển Đen và vùng hạ lưu sông Danube. Lợi ích của Ankara tại miền Nam Ukraine, đặc biệt là các vùng ven biển như Bessarabia và khu vực cửa sông Danube, có nguồn gốc lịch sử sâu xa. Đây là những huyết mạch quan trọng về thương mại, vận tải và tiếp cận địa chính trị.
Việc kiểm soát các tuyến đường hàng hải, nhất là qua eo biển Bosphorus và Dardanelles, từ lâu đã là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine, các tuyến này càng trở nên chiến lược hơn khi chúng kết nối xuất khẩu ngũ cốc, dòng chảy năng lượng và hậu cần quân sự tại nhiều mặt trận. Do đó, sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình đàm phán không chỉ là cử chỉ ngoại giao, mà còn là vấn đề lợi ích quốc gia. Nếu đứng ngoài, Ankara sẽ để các cường quốc khác định hình lại bản đồ khu vực mà không có mình trên bàn thương lượng.
Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì một sự mập mờ nhất định. Về mặt chính thức, Ankara ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ Ukraine và không phản đối nguyện vọng gia nhập NATO của nước này. Song Tổng thống Erdogan vẫn giữ các kênh liên lạc mở với Moscow. Chiến lược hai chiều này cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự đồng hành với phương Tây, trong khi nhắc nhở cả Nga và Mỹ rằng Ankara không thể bị loại khỏi bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai.
Chiến lược đó có giá trị riêng của nó. Việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt Nga đã vấp phải chỉ trích từ nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Đức, Pháp và EU. Tuy nhiên, ông Erdogan dường như đang dịch chuyển trọng tâm từ liên kết đa phương sang hợp tác song phương thực dụng. Khi chính quyền Tổng thống Trump xem Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác then chốt trong ổn định lục địa Á - Âu, Ankara gần như không có lý do gì để đi theo lộ trình của EU hay đặt lợi ích chiến lược của mình dưới sự điều phối của châu Âu.
Đối với Ankara, kết quả của vòng đàm phán thứ 3 giữa Nga và Ukraine không nằm ở thành quả tức thì, mà ở việc duy trì sự hiện diện và vai trò trung tâm. Việc Thổ Nhĩ Kỳ công khai đánh giá cuộc gặp là một “bước tích cực” cho thấy họ muốn không chỉ là nước chủ nhà mà còn là kiến trúc sư của trật tự hậu xung đột.
Ngoại trưởng Hakan Fidan và Tổng thống Erdogan đều nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tiếp tục tổ chức đàm phán trực tiếp giữa các bên. Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng 2 năm nay tại Ankara, ông Fidan một lần nữa khẳng định cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò trung gian và nhấn mạnh Ankara vẫn sẵn sàng làm nơi tổ chức đối thoại tiếp theo. Các tiếp cuộc xúc ngoại giao liên tục này phản ánh việc Moscow thừa nhận lập trường thực dụng của Thổ Nhĩ Kỳ dù nước này là thành viên NATO.
Việc phương Tây không thực thi được thỏa thuận ngũ cốc ban đầu, và việc Nga sau đó rút khỏi thỏa thuận này, từng khiến vị thế trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu. Tuy nhiên, việc ông Trump trở lại Nhà Trắng đã thay đổi cục diện. Với sự hậu thuẫn từ Washington, Ankara hiện có đủ “vốn liếng chính trị” để tái khởi động vai trò trung gian trong một bối cảnh địa chính trị mới.
Trong bối cảnh đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá tích cực kết quả đàm phán mang ý nghĩa sâu xa hơn: vấn đề không nằm ở chỗ đạt được điều gì – mà là ai được ngồi lại trong phòng khi đến lúc đàm phán thực sự. Cho đến nay, chưa có nền tảng thay thế nào xuất hiện. Trong cuộc chơi dài của ảnh hưởng khu vực, sự hiện diện chính là quyền lực.
Từ khóa: đàm phán Nga-Ukraine, vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ, Tayyip Erdogan, chiến sự Ukraine, Donald Trump, địa chính trị Biển Đen, quan hệ Nga Thổ, quan hệ Ukraine Thổ, NATO, trung gian hòa bình,Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ukraine
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả: hoàng phạm/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN