Nguy cơ bùng phát xung đột mới giữa Israel và Iran

Cập nhật: 6 giờ trước

VOV.VN - Dù nhanh chóng tuyên bố chiến thắng, các nhà lãnh đạo Israel cũng nhấn mạnh sẵn sàng tấn công thêm nếu cần thiết. Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng ông “không có ý định nới chân ga”.

Giới lãnh đạo Israel coi cuộc chiến 12 ngày với Iran trong tháng 6 vừa qua là một chiến thắng, khi nhiều tướng lĩnh quân sự cấp cao của Tehran thiệt mạng, năng lực phòng thủ của Iran bị suy yếu và Mỹ đã bị thuyết phục tham gia một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạt nhân Fordow của Iran.

Tuy nhiên, dù nhanh chóng tuyên bố chiến thắng, các nhà lãnh đạo Israel cũng nhấn mạnh sẵn sàng tấn công thêm nếu cần thiết. Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng ông “không có ý định nới chân ga”.

Theo các nhà phân tích, Israel hiện đang tìm kiếm cơ hội tiếp theo để phát động một cuộc xung đột mới nhằm làm suy yếu, thậm chí lật đổ chế độ Cộng hòa Hồi giáo Iran. Tuy nhiên, để làm điều đó, Israel cần có sự “cho phép” từ Mỹ – điều chưa chắc Washington sẵn sàng “gật đầu”.

Cuộc tấn công bất ngờ của Israel ngày 13/6 đã châm ngòi cho cuộc chiến kéo dài gần 2 tuần khiến hơn 1.000 người Iran và 29 người Israel thiệt mạng. Israel tuyên bố chiến dịch của nước này là hành động “tự vệ” nhằm loại bỏ chương trình hạt nhân của Iran - chương trình mà Tehran từ lâu khẳng định chỉ phục vụ mục đích dân sự.

Phát biểu với Al Jazeera đầu tuần này, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian bày tỏ hoài nghi về khả năng duy trì lệnh ngừng bắn hiện tại. “Chúng tôi đã sẵn sàng cho bất kỳ hành động quân sự mới nào từ phía Israel. Lực lượng vũ trang của chúng tôi hoàn toàn có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Israel một lần nữa”, ông khẳng định.

Israel đang tìm cớ?

Dù Israel tuyên bố mục tiêu là các cơ sở hạt nhân của Iran, thực tế nước này chủ yếu tiến hành ám sát các quan chức chính phủ và tướng lĩnh quân đội cấp cao của Iran – cho thấy nỗ lực rõ ràng nhằm làm suy yếu và có thể thay đổi chế độ ở Tehran.

Ông Trita Parsi – chuyên gia về Iran và là đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch Viện Quincy, một tổ chức tư vấn chính sách thiên tả của Mỹ – cho rằng Thủ tướng Netanyahu đang tìm cơ hội để tiếp tục nhiệm vụ đó.

“Lý do Israel muốn tấn công tiếp... là vì họ muốn biến Iran thành một Syria hay Lebanon tiếp theo – những quốc gia mà Israel có thể tấn công bất kỳ lúc nào mà không bị trừng phạt”, ông Parsi nói với Al Jazeera.

Một cái cớ mới có thể xuất hiện nếu các nước châu Âu tái áp đặt trừng phạt nghiêm ngặt đối với Iran. Trong một cuộc điện đàm hồi đầu tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cùng các ngoại trưởng Đức, Pháp và Anh đã thống nhất rằng nếu Iran không chấp thuận một thỏa thuận hạt nhân mới – hoặc không thể hiện thiện chí đàm phán – thì các lệnh trừng phạt theo cơ chế “snapback” sẽ được tái kích hoạt vào cuối tháng 8.

Tehran đã lập tức phản ứng bằng cách cảnh báo sẽ rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) – một bước leo thang nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng hạt nhân toàn cầu. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Kazem Gharibabadi, thành viên đoàn đàm phán hạt nhân, tuyên bố hôm 24/7 rằng Iran “sẽ không tiếp tục kiềm chế nếu bị tái trừng phạt”. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Esmaeil Baghaei cho biết Quốc hội Iran đang soạn thảo một dự luật về việc rút khỏi NPT.

Nếu Iran thực sự rút khỏi NPT – như Triều Tiên từng làm năm 2003 – điều này không chỉ làm thay đổi cách tiếp cận quốc tế với chương trình hạt nhân của Iran, mà còn có thể khiến các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) không còn được tiếp cận các cơ sở hạt nhân của nước này. Đặc biệt, Quốc hội Iran đã thông qua một đạo luật yêu cầu mọi hoạt động thanh tra phải được Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao phê duyệt và cấm sử dụng camera giám sát định kỳ.

Động thái trên, nếu xảy ra, có thể giúp Israel xây dựng một “cửa sổ chính trị” để biện minh cho việc phát động một chiến dịch quân sự mới, ông Parsi nhận định.

Dù vậy, ông Meir Javedanfar, giảng viên nghiên cứu về Iran tại Đại học Reichman (Israel) cho rằng nếu muốn tiếp tục tấn công, Israel sẽ phải đưa ra bằng chứng tình báo thuyết phục rằng Iran đang khôi phục hoặc tăng tốc chương trình hạt nhân. Ông cảnh báo: “Để mở một cuộc tấn công như vậy, Israel cần có sự đồng thuận từ Mỹ và Tổng thống Trump”. Dù vậy, ông Javedanfar đánh giá điều này là khó xảy ra trong bối cảnh Washington đang thận trọng với các hành động quân sự của Israel tại Syria.

Các chiến dịch bí mật

Dù chưa có dấu hiệu cho thấy Israel sắp tấn công quy mô lớn, nhưng một bài báo của New York Times ngày 23/7 cho biết Israel đang tiến hành các chiến dịch bí mật gây ra hàng loạt vụ nổ và cháy bất thường trên khắp lãnh thổ Iran.

Tờ báo Mỹ dẫn lời 3 quan chức và một nhà ngoại giao châu Âu, cho rằng các vụ hỏa hoạn và nổ xảy ra tại các khu chung cư, nhà máy lọc dầu, gần sân bay và một xưởng sản xuất giày, nhiều khả năng là hành vi phá hoại do Israel thực hiện.

“Ông Netanyahu dường như đã tìm ra công thức để có thể tấn công Iran mà không phải chịu hậu quả, bất chấp sự phản đối từ Tổng thống Trump”, bà Negar Mortazavi, chuyên gia về Iran thuộc Trung tâm Chính sách Quốc tế (CIP), trụ sở tại Washington DC, nhận định.

Bà Mortazavi cho rằng các chiến dịch bí mật hiện nay là kết quả của việc Israel đã thâm nhập sâu vào hệ thống an ninh và hạ tầng của Iran – điều từng bộc lộ rõ trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột hồi tháng 6, khi các nhân vật bị nhắm mục tiêu thông qua các đội tình báo địa phương và UAV được cho là phóng đi từ bên trong lãnh thổ Iran.

Theo chuyên gia Ori Goldberg, nhà nghiên cứu về Iran và nhà phân tích an ninh tại Tel Aviv, không có dấu hiệu cho thấy mạng lưới tình báo của Israel bên trong Iran đã bị triệt phá sau cuộc chiến.

“Israel đã xây dựng một mạng lưới an ninh vững chắc bên trong Iran, như mọi mạng lưới tương tự, nó cần phải phát huy tác dụng. Đôi khi không vì chiến lược dài hạn mà chỉ đơn thuần là tính toán chiến thuật: khi đã có cơ sở hạ tầng hoặc nhân sự bên trong một quốc gia khác, bạn chỉ có thời gian giới hạn để sử dụng chúng. Dù là gây cháy nổ hay phá hoại, đó cũng là cách duy trì hoạt động và gửi thông điệp cho Iran rằng ‘chúng tôi vẫn đang ở đây’”, ông Goldberg nói.

Nguy cơ bùng phát xung đột mới

Ít ai có thể lường trước mức độ mạnh tay hiện nay của Thủ tướng Netanyahu – một chính khách từng được cho là tương đối thận trọng – trong việc liên tục tấn công các quốc gia láng giềng như Syria, Lebanon, cũng như các lực lượng trong khu vực như Yemen và Iran, đồng thời vẫn duy trì chiến dịch quân sự khốc liệt tại Gaza.

Tuy nhiên, một cuộc tấn công mới nhằm vào “đối thủ truyền thống” Iran có thể giúp ông củng cố vị thế trong bối cảnh nội bộ Israel đang chia rẽ sâu sắc vì cuộc chiến ở Gaza. Dù vậy, phản ứng từ đồng minh quan trọng là Mỹ vẫn còn là dấu hỏi lớn.

“Ông Trump vẫn là một yếu tố mà Israel cần dè chừng và muốn không vượt qua ‘lằn ranh’ mà ông ấy vạch ra,” ông Goldberg nhận định. “Nhưng Iran là một chủ đề đồng thuận trong nội bộ Israel. Họ có thể tranh cãi về Gaza, nhưng chưa bao giờ tranh cãi về Iran. Nếu cảm thấy bị đe dọa, ông Netanyahu chắc chắn sẽ ‘ra đòn’ với Iran để tập hợp sự ủng hộ”.

Về phía Iran, các nhà phân tích cho rằng Tehran sẽ không muốn để bị bất ngờ lần nữa.

Bà Mortazavi nói rằng Tehran dự đoán Israel sẽ tiếp tục các hành động gây hấn, nhưng vẫn hy vọng có thể đạt được thỏa thuận thông qua con đường ngoại giao về chương trình hạt nhân. “Tôi nghĩ phía Iran hiểu rằng một thỏa thuận sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ bị Israel tấn công”, bà nói.

Từ khóa: Israel, cuộc chiến 12 ngày, chiến tranh Israel Iran, Israel tấn công Iran, Iran dọa rút khỏi NPT, chương trình hạt nhân Iran, thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ và Iran, Iran,xung đột Israel Iran,nguy cơ ,bùng phát xung đột,xung đột

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: hoàng phạm/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập