Tháng 7 của tưởng nhớ và tri ân

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Chiến tranh đã lùi xa nhưng những mất mát chẳng thể nguôi ngoai để rồi mỗi năm vào những ngày tháng 7 lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều sống chậm lại, sâu lắng hơn, chiêm nghiệm về lòng biết ơn sự hy sinh cho cuộc sống độc lập hôm nay.

Những ngày tháng 7 lịch sử, giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội có một cuộc hội ngộ đặc biệt, chan chứa ân tình của 250 người có công và nhân chứng lịch sử năm 2025. Đó là các Mẹ Việt Nam anh hùng, các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, nhân chứng lịch sử đại diện cho các thế hệ người có công với cách mạng qua các thời kỳ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại cuộc hội ngộ này, người cao tuổi nhất là ông Phạm Đồng Châu, ở phường Kim Liên, Hà Nội, 102 tuổi. Ông tham gia cách mạng từ tháng 4/1945, sau đó tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông đã có nhiều năm công tác trong ngành đường sắt Hà Nội, Văn phòng Thủ tướng, từng giữ vị trí Vụ trưởng Vụ pháp chế. Từ năm 1983, dù được nghỉ hưu theo chế độ nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, làm Bí thư chi bộ khu dân cư.

Không chỉ có vậy, với sự tham dự của 10 Mẹ Việt Nam anh hùng càng khiến cho cuộc gặp gỡ này trang trọng và xúc động hơn. Có những mẹ đã 100 tuổi là như mẹ Nguyễn Thị Điểm (Hà Nội), mẹ Trần Thị Căn (Bắc Ninh), mỗi người đều có 2 người con đã ngã xuống vì Tổ quốc. Hay Mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Bé (93 tuổi), Nguyễn Thị Cứu (91 tuổi), mẹ Nguyễn Thị Minh (83 tuổi), mẹ Nguyễn Thị Thể (85 tuổi) đến từ thành phố Cần Thơ.

Chia sẻ cảm xúc với phóng viên VOV2, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Điểm ở xã Chương Dương, Thành phố Hà Nội không giấu nổi niềm vui, niềm hạnh phúc khi đây là lần thứ 3 mẹ được tham dự cuộc gặp gỡ chân tình và ấm áp đến vậy. Năm nay ở cái tuổi tròn 100, dẫu mẹ không còn nghe được rõ, chuyện ngày trước cũng có đoạn nhớ đoạn quên, nhưng ánh mắt mẹ lại sáng hơn khi nhắc những chuyện xưa.

Mẹ Điểm sinh được 9 người con, trong đó có 4 người đi bộ đội, 2 người đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Hai lần nhận giấy báo tử của con, nỗi đau chồng chất nhưng rồi mẹ vẫn kiên cường, tần tảo, cống hiến cho quê hương đất nước.

Còn với mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cứu ở xã Ngọc Hồi, hàng chục năm qua, kể từ ngày người con trai duy nhất lên đường ra trận và không trở về, mẹ chỉ biết lặng lẽ gọi tên con qua những nén nhang. Khẽ chấm những giọt nước mắt trên gương mặt già nua, mẹ Cứu kể giọng nghẹn ngào: “Trước lúc ra trận, nó dặn tôi, mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe, con đi rồi sẽ trở về… Vậy mà nó đi mãi”. Ngày nhận giấy báo tử của con, mẹ Cứu như chết lặng. Bao năm trôi qua, nỗi đau ấy dẫu chưa nguôi ngoai nhưng giờ đây mẹ luôn nói rằng: “muốn độc lập thì phải hy sinh, mẹ chọn mất mát về cho riêng mình”.

Cũng tại cuộc gặp gỡ này, câu chuyện của cựu chiến binh Lê Xuân Trinh, người lính từng trải qua 81 ngày đêm khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972, cũng đầy xúc động khi ông kể về những năm tháng gian khó tại chiến trường và cả sự hy sinh của biết bao đồng đội.

“Điều thôi thúc chúng tôi vượt qua mọi gian khổ chính là niềm tin mãnh liệt vào ngày mai chiến thắng. Dù sự hy sinh của đồng đội là vô cùng lớn, nhưng tất cả đều giữ vững ý chí chiến đấu để bảo vệ niềm tin ấy”, ông kể và lại lặng lẽ lấy tay lau vội những giọt nước mắt.

Giờ đây, hàng năm, cứ vào tháng 7, ông Trinh lại cùng đồng đội trở về Thành cổ Quảng Trị để thắp hương, cúng cơm cho những người đồng chí đã mãi mãi nằm lại nơi đây.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, mất mát chẳng thể nguôi ngoai để rồi mỗi năm vào những ngày tháng 7 lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều sống chậm lại, sâu lắng hơn, chiêm nghiệm về lòng biết ơn, đức hy sinh cho cuộc sống độc lập hôm nay…

Đúng như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc, là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo lý Việt Nam".

Tổng Bí thư nêu rõ, 78 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện.

Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 bắt nguồn từ sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm giá trị nhân văn của dân tộc. Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Đây là dịp để bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, thương bệnh binh và người có công với cách mạng".

Cũng trong dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ sự tri ân sâu sắc với gần 1,2 triệu liệt sỹ - những người con ưu tú đã từ biệt tuổi thanh xuân, gác lại ước mơ và hạnh phúc riêng tư để lên đường bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người mãi mãi không trở về, yên nghỉ tại các chiến trường ác liệt. Nhiều người trở về với thương tật, di chứng nặng nề.

"Biết bao ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những người thân chưa biết phần mộ của con, của cha mẹ, của vợ chồng mình…", Tổng Bí thư xúc động nói.

78 năm trôi qua, tháng 7 trở thành tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng. Có hàng triệu ngọn nến, hàng triệu nén tâm nhang được thắp lên, lung linh, huyền ảo trên các ngôi mộ liệt sĩ ở khắp các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước. Đó chính là sự tri ân, tưởng nhớ, là tình cảm, trách nhiệm và lẽ sống của mỗi chúng ta hôm nay và mai sau.

Từ khóa: tháng 7, tháng 7, thương binh, liệt sỹ, mẹ việt nam anh hùng, lòng biết sơn, chiến tranh,78 năm ngày thương binh liệt sỹ,tri ân

Thể loại: Xã hội

Tác giả: thanh hương/vov2

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập