Nông thôn Hà Nội và nỗi lo về rác
Cập nhật: 25/09/2019
Trung tướng Khuất Duy Tiến từ trần
Thời tiết ngày 24/11: Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to
VOV.VN - Thống kê cho thấy, mỗi ngày, Hà Nội phát sinh khoảng 6.400 tấn chất sinh hoạt các loại, việc thu gom vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là khu vực nông thôn.
Từ lâu, hai điểm tập kết rác tại thôn An Khoái, xã Dân Hòa và thôn Quế Sơn, xã Tân Ước là nỗi ám ảnh của người dân huyện Thanh Oai, Hà Nội. Tình trạng rác thải chất đóng ngay cạnh đường giao thông liên xã, bốc mùi hôi thôi đã biến vùng quê nơi đây thành nơi ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bà Trần Thị Dân xã Dân Hòa cho biết, với lượng rác tồn đọng lớn, có lúc từ 3 - 5 ngày, những hôm trở gió, mùi hôi thối không chỉ bủa vây người đi đường, mà còn “tấn công” vào cả khu dân cư. Và mặc dù, người dân đã nhiều lần kiến nghị, nhất là qua các cuộc tiếp xúc cử tri về việc di chuyển, dẹp bỏ hai điểm tập kết rác này, nhưng không hiểu vì sao, kiến nghị của dân lại không được quan tâm giải quyết.
“Bây giờ dân cứ đổ tràn lan ra thế làm sao mà nói được, chỉ bên môi trường mới nói được. Một người đổ được thì người sau cứ theo, ngày này tháng này, năm này năm khác cứ thế nhiều lên. Trời mưa cũng như trời nắng ô nhiễm môi trường không thể nào chịu được” - bà Trần Thị Dân nói.
Việc thu gom rác thải vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là khu vực nông thôn. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường) |
Tại huyện Chương Mỹ, địa phương phát sinh trên 160 tấn/ngày, việc tiếp nhận, xử lý rác cũng gặp khó khăn. Theo đó, công tác phân luồng, tiếp nhận vào khu xử lý của thành phố đạt khoảng 145 tấn/ngày. Đại diện Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai, đơn vị thực hiện thu gom rác trên địa bàn huyện Chương Mỹ cho biết, hiện đơn vị duy trì thu gom trong ngày tại địa bàn 2 thị trấn; 6 xã thực hiện thu gom 3 lần/tuần và 24 xã thực hiện thu gom 2 lần/tuần.
Để giải quyết tình trạng rác thải trên địa bàn, huyện Chương Mỹ đang triển khai 2 dự án xây dựng nhà máy xử lý. Đó là tại khu vực núi Thoong, quy mô hơn 10 ha ở xã Tân Tiến và nhà máy xử lý chất thải rắn Đồng Ké với quy mô 21 ha, tại xã Trần Phú. Nhưng đến nay tiến độ xây dựng 2 nhà máy này cũng mới hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, tại huyện Ứng Hòa, một trong những địa bàn được đánh giá là xử lý tốt tình trạng rác thải thì cũng chỉ 91% lượng rác được thu gom. Bà Hoàng Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa cho biết, trước tình trạng bất cập trong công tác thu gom, xử lý, chôn lấp rác thải tại xã Đông Nỗ, UBND huyện đã vào cuộc chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND xã Đông Nỗ tăng cường tuyên truyền, mời nhân dân trực tiếp tham gia giám sát quá trình vận chuyển, xử lý rác thải giúp tháo gỡ những vướng mắc.
“Trực tiếp chúng tôi xuống thì đúng là việc chôn lấp rác tại xã Đông Nỗ cũng có mùi” - bà Vân Anh nói.
Với việc diện tích chôn lấp rác thải sinh hoạt của thành phố Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, các khu xử lý tập trung phải hợp nhất các ô chôn lấp làm tăng các nguy cơ về ô nhiễm môi trường, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các ngành liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn. Cùng với đó là yêu cầu các nhà đầu tư đảm bảo cam kết về công nghệ xử lý phải là công nghệ tiên tiến trên thế giới, tỷ lệ chôn lấp chất trơ từ 5% trở xuống, công nghệ có tỷ lệ phát điện cao nhất./.
Từ khóa: rác thải, rác thải nông thôn, thu gom rác thải nông thôn, Hà Nội,
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN