Việt Nam - Nhật Bản, giá trị cốt lõi là sự đồng điệu

Cập nhật: 18/10/2020

(VOV5) -Với chiều dài của lịch sử quan hệ, Việt Nam và Nhật Bản đã xây dựng được mối quan hệ tin tưởng, thân thiết.

Việt Nam - Nhật Bản, giá trị cốt lõi là sự đồng điệu - ảnh 1

Với chiều dài của lịch sử quan hệ, Việt Nam và Nhật Bản đã xây dựng được mối quan hệ tin tưởng, thân thiết. Nó không chỉ dừng lại ở những số liệu kinh tế, những chuyến viếng thăm nhau, mà được thể hiện qua giao thoa tâm hồn, tạo nên sự đồng điệu có thể phá bỏ mọi rào cản. Hơn thế nữa, tinh thần của quan hệ hai nước được thể hiện rất rõ nét qua hoạt động giao lưu văn hóa, đặc biệt là giao lưu con người. Đó là nét đặc trưng nhất của quan hệ được coi là kiểu mẫu trên thế giới.

Việt Nam - Nhật Bản, giá trị cốt lõi là sự đồng điệu - ảnh 2

Trong các nước Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, có lẽ Nhật Bản là quốc gia điển hình thường xuyên nhất và tích cực nhất tổ chức cùng Việt Nam những Lễ hội giao lưu. Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, Lễ hội hoa anh đào, Lễ hội Nhật Bản-Hội An…đã trở thành cảm xúc thường trực trong mỗi trái tim người Việt Nam cũng như mỗi trái tim người Nhật Bản.

Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản là hoạt động thường xuyên và nổi bật nhất trong giao lưu văn hóa giữa hai nước trong thời gian qua. Lễ hội do ông Matsuda Iwao, cựu Quốc Vụ khanh, cựu Thượng nghị sỹ Nhật Bản là người sáng lập và là đồng Chủ tịch Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản trong suốt 12 năm qua kể từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 2008 tại Tokyo. Lễ hội chỉ một lần không được tổ chức vào năm 2011, do thảm họa kép tháng 3/2011. Năm 2020 dự kiến tổ chức vào tháng 5, nhưng bị hoãn do đại dịch Covid-19, tuy nhiên, sẽ được tổ chức vào đầu tháng 11 tới.

Ông Iwao Matsuda cho rằng:“Lễ hội này chính là do các bạn tạo dựng nên. Qua Lễ hội, những người Nhật Bản yêu Việt Nam chắc chắn sẽ yêu Việt Nam hơn, những người Việt Nam yêu Nhật Bản sẽ yêu Nhật Bản hơn. Lễ hội Việt Nam bắt đầu với giấc mơ lớn lao về một thế giới tuyệt vời hơn mà Việt Nam và Nhật Bản cùng chung tay xây dựng”.

Đến nay, Lễ hội không chỉ tổ chức ở Tokyo mà còn được tổ chức định kỳ tại nhiều địa phương khác của Nhật Bản như Kanagawa, Aichi, Osaka, Hokkaido… thu hút hàng trăm ngàn người tham gia.

Việt Nam - Nhật Bản, giá trị cốt lõi là sự đồng điệu - ảnh 3
Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản là hoạt động thường xuyên và nổi bật nhất trong giao lưu văn hóa giữa hai nước trong thời gian qua. Ảnh: Bùi Hùng.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam khẳng định: Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản không những là kênh quan trọng giúp nhân dân hai nước tăng cường hiểu biết lẫn nhau, mà còn là cầu nối gắn kết những người con Việt Nam xa nhà đoàn kết hơn, thương yêu nhau hơn. Chính vì vậy, Lễ hội sẽ không chỉ bó hẹp ở một số địa phương như Tokyo, Kanagawa… mà sẽ được nhân rộng ra trên toàn Nhật Bản như một động lực, món ăn tinh thần không thể thiếu trong hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Ngược lại Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam đã qua 6 lần tổ chức thành công tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2020, Lễ hội lần thứ 7 bị hoãn do đại dịch Covid-19, nhưng qua những lần được tổ chức người dân Việt Nam được đắm mình trong nét đẹp văn hóa vừa lạ vừa quen, dường như có gì đó là của mình vô cùng thân thiết.

Ông Takebe Tsutomu, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá đây là biểu tượng đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Ngoài ra, Lễ hội giao lưu Nhật Bản-Hội An được tổ chức vào tháng 8 hàng năm tại Hội An-nơi lưu giữ nhiều dấu ấn của quan hệ hai nước. Lần đầu tiên Lễ hội được tổ chức vào tháng 8/2002, với mục đích gợi nhớ lại chặng đường quan hệ lâu đời, gắn bó, thân thiết giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, “Đêm nhạc cổ điển Toyota’’ là một hoạt động âm nhạc thường niên do các tài năng âm nhạc của Việt Nam, Nhật Bản và thế giới biểu diễn vừa qua đã đánh dấu chặng đường 30 năm âm nhạc lay chuyển cuộc sống trên toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đêm nhạc là một hoạt động nghệ thuật mang tính xã hội, bởi toàn bộ số tiền trong đêm hoà nhạc này với mục đích đào tạo tài năng âm nhạc trẻ của Việt Nam.

Việt Nam - Nhật Bản, giá trị cốt lõi là sự đồng điệu - ảnh 4
Lễ hội Hoa Anh đào Nhật Bản tổ chức tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh: Hà Phương.
Việt Nam - Nhật Bản, giá trị cốt lõi là sự đồng điệu - ảnh 5
Việt Nam - Nhật Bản, giá trị cốt lõi là sự đồng điệu - ảnh 6
Những tác phẩm văn học Việt Nam dịch ra tiếng Nhật có thể kể đến như: Truyện Kiều, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, một số truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh...

Trong bối cảnh những tác phẩm văn học hình như đang dần bị lãng quên, thì những tác phẩm văn học Nhật Bản gần đây lại đến gần hơn với người đọc Việt Nam.

Theo thống kê ban đầu đến nay các tác phẩm của Nhật Bản mới chỉ được dịch sang tiếng Việt khoảng hơn 150 cuốn. Trong số đó, những cuốn có tầm ảnh hưởng tới văn hóa đọc của độc giả Việt Nam như “Rừng Na Uy” (Norway no Mori), “Kafka bên bờ biển” (Umible no Kafka)…

Trong khi đó, con số tác phẩm văn học Việt Nam được xuất bản tại Nhật Bản khiêm tốn hơn khi chỉ có 64 cuốn như “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (Đặng Thùy Trâm), “Thời xa vắng” (Lê Lựu), “Hòn đất” (Anh Đức), “Gánh hàng hoa” (Khải Hưng, Nhất Linh)…

Có thể nói, việc các tác phẩm văn học Nhật Bản tuy chưa được phổ biến nhiều ở Việt Nam, nhưng truyện tranh như “Doraemon”, “Kẹo cao su biến hình’’ trở thành những cuốn sách truyện gối đầu giường của các em nhỏ Việt Nam, khơi dậy sự gần gũi giữa những tâm hồn trong sáng của trẻ thơ.

Việt Nam - Nhật Bản, giá trị cốt lõi là sự đồng điệu - ảnh 7
Ảnh: Cường Po.

Truyện tranh Doraemon của tác giả F. Fujio được Nhà xuất bản Kim Đồngxuất bản lần đầu tiên từ cuối năm 1992, đến nay đã có hàng trăm triệu bản được phát hành tại Việt Nam. Bộ truyện không đã để lại dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ độc giả bởi tình yêu và khát vọng được thể hiện qua những nhân vật đáng yêu. Quỹ học bổng Doraemon cũng từ đó mà ra đời, trao học bổng cho hàng chục ngàn học sinh nghèo trên khắp Việt Nam.

Nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản, Thạc sỹ Khương Việt Hà thuộc Viện Văn học Việt Nam cho rằngvăn học Nhật Bản tại Việt Nam đã góp phần rộng mở cánh cửa nhận thức và khám phá dòng chảy miên trường của nền văn hóa, văn học và mỹ học đặc sắc Nhật Bản, trở thành những tham khảo hữu ích giúp hiểu sâu sắc thêm quốc đảo Đông Bắc Á này. Từ đó góp phần củng cố và tăng cường những hợp tác sâu rộng, hữu nghị và bình đẳng Việt-Nhật trên mọi lĩnh vực đời sống.

Trong khi đó, tại Nhật Bản nhiều tác phẩm văn học, bài nghiên cứu.. của Việt Nam đã được dịch ra tiếng Nhật. Nhiều nhà lãnh đạo, nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, nhà nghiên cứu…đã có những tác phẩm viết về quan hệ hai nước, về cuộc sống, con người Việt Nam, là công cụ tuyên truyền quảng bá Việt Nam hiệu quả. Nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Sakaba Mitsuo-người có nhiều tác phẩm viết về Việt Nam với tất cả sự yêu mến và cảm phục. Ông đã đặt chân đến tất cả 63 tỉnh thành Việt Nam để cảm nhận con người và thiên nhiên, chắt lọc những góc độ thuần khiết nhất trải đều lên những trang viết, khiến các bạn Nhật Bản thêm yêu Việt Nam.

Việt Nam - Nhật Bản, giá trị cốt lõi là sự đồng điệu - ảnh 8
Nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Sakaba Mitsuo.

Trong một lần trò chuyện với phóng viên VOV tại Nhật Bản, ông nói rằng thực ra không phải ông viết được sách mà chính mỗi con người Việt Nam ông gặp, dòng chảy văn hóa đặc sắc, mỗi món ăn của từng địa phương, sự mộc mạc nhưng ấm áp của làng quê Việt Nam…tự nhiên mà thành chữ, thành câu. Cái đẹp do tự nhiên mà có, hồn của sách là do tâm hồn đẹp của con người mà ra.

Như vậy, sự đồng điệu tâm hồn nó không phụ thuộc vào vật chất, giàu hay nghèo, nước lớn hay nước bé. Và sự đồng điệu tâm hồn chính là vũ khí mạnh nhất của con người trước mọi hoàn cảnh. Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản ngày càng trở nên tốt đẹp là vậy.

Việt Nam - Nhật Bản, giá trị cốt lõi là sự đồng điệu - ảnh 9

Lễ hội hay văn học đều là những tinh thần mà con người chúng ta sáng tạo ra. Nhưng tình yêu của một con người đối với một đất nước khác thì lại thiêng liêng vô cùng.

Nhiều người Việt Nam không thể không nhắc tới nhà khảo cổ học người Nhật Bản Nishimura Masanari đã dành trọn sự nghiệp, tình yêu của mình cho khảo cổ học Việt Nam. Ông là người đã phát hiện ra khuôn đúc đồng duy nhất từ trước cho đến nay và có nhiều công trình khảo cổ học giá trị. Ông ra đi trên đất Việt Nam và dường như đó là duyên phận, chỉ một lần sang Việt Nam đã khiến ông quyết định gắn bó lâu dài với đất nước chúng ta.

Bà Nobuko Nakamura, vợ của Giáo sư Lương Định Của lại giống như người phụ nữ Việt Nam tảo tần sớm hôm, chịu thương chịu khó giúp chồng thỏa nguyện chí cống hiến cho khoa học, nuôi con trưởng thành trên đất Việt Nam. Bà cũng đã từng làm việc tại phòng Tiếng Nhật (nay thuộc Ban Đối Ngoại), Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt 12 năm gồm cả giai đoạn chiến tranh, giúp hiệu đính chương trình. Và chính Bà cũng là người phát đi bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975 đến với nhân dân Nhật Bản, đến với nhân dân thế giới trên làn sóng điện. Bản tin bà đọc bằng tiếng Nhật Bản nhưng là cảm xúc chiến thắng của dân tộc Việt Nam, sự sung sướng của người dân Việt Nam có hòa bình, của một người con Dâu Việt.

Việt Nam - Nhật Bản, giá trị cốt lõi là sự đồng điệu - ảnh 10
Bà Nobuko Nakamura (trái) và nhà khảo cổ học Nishimura Masanari (phải).

Và còn rất nhiều người Nhật Bản nữa đã coi Việt Nam là máu thịt, đã và đang góp phần cho cuộc sống mỗi ngày của mỗi con người thêm đẹp hơn. Sau nhiều năm dạy tại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, Thầy Seki đã giành trọn tình yêu cho Việt Nam, sự nghiệp giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam. Một nửa tro cốt của Thầy cũng đã được rải xuống sông Hồng, một nửa mang về đất Mẹ để trọn vẹn một tình yêu với Việt Nam. Sau Thầy, còn có nhiều người cũng có tình yêu như thế.

Ngược lại, tại Nhật Bản cũng có nhiều thế hệ người Việt đang cống hiến cho chính đất nước Nhật Bản. Điển hình là ông Trần Ngọc Phúc vào 12/1982 đã chế tạo thành công máy hô hấp nhân tạo cao tần số HFO (High Frequency Oscillatory Ventilation) giúp tỷ lệ sống sót của trẻ sinh non tại Nhật Bản tăng cao. Chiếc máy đã giành giải nhất cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard và 90% các bệnh viện, trung tâm y tế lớn của Nhật Bản đang được trang bị máy HFO. Máy cũng đã có mặt tại nhiều nơi trên thế giới như Đức, Anh, Thụy Sĩ, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Costa Rica, Mexico.... Ông đã được Nhà vua Nhật Bản trao tặng huân chương mặt trời mọc. Ông cũng đã trao tặng 2000 máy thở cho Việt Nam hỗ trợ chống dịch Covid-19. Hiện ông đang là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản.

Việt Nam - Nhật Bản, giá trị cốt lõi là sự đồng điệu - ảnh 11
Nhà khoa học Trần Ngọc Phúc giới thiệu với Nhật hoàng Akihito những thiết bị y tế do công ty của ông sản xuất.

Trong nhiều năm qua, Nhà sư Thích Tâm Trí đã trở nên gần gũi với nhiều người Việt Nam tại Nhật Bản và người Nhật Bản bởi những hoạt động giúp đỡ cộng đồng trong thiên tai, dịch bệnh.

Hiện tại, Nhà sư Thích Tâm Trí là Hội trưởng Hội phật tử Việt Nam tại Nhật Bản. Với tư cách đó, nhà Sư và Hội đã tích cực củng cố sự hoà hợp trong cộng đồng, định hướng, làm chỗ dựa tinh thần cho các bạn tu nghiệp sinh, du học sinh đang học tập, làm việc tại Nhật Bản. Đồng thời thường xuyên quyên góp ủng hộ nạn nhân thiên tai của các tỉnh thành Việt Nam, nạn nhân động đất tại một số tình thành của Nhật Bản như Kumamoto, những người khó khăn trong dịch Covid-19… Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, nhà Sư đã trực tiếp cầu siêu, làm lễ hỏa táng, đưa thi hài, tro cốt về Việt Nam cho hàng trăm trường hợp không may bị chết tại Nhật Bản. Tại ngôi chùa Nisshinkutsu dành cho người Việt Nam có ở Tokyo, có hơn 200 bài vị của những người Việt xấu số được bày cúng. Hàng năm, Hội cũng tổ chức cầu siêu cho hương linh các anh hùng, liệt sỹ hy sinh để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Với những cống hiến đó, cộng đồng Nhật Bản đã đánh giá cao việc làm của nhà Sư và được nhiều hãng truyền thông lớn phỏng vấn, ghi hình…nêu gương điển hình về lòng nhân ái, bao dung.

Anh Seiichi Kuriki, công tác tại Đài NHK, Nhật Bản có rất nhiều cảm xúc khi nói về nhà Sư Thích Tâm Trí:“Tôi đánh giá những hoạt động của nhà Sư Thích Tâm Trí rất cao. Nhờ những hoạt động tích cực của nhà Sư, các bạn Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản có thể có được hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết. Không chỉ đối với những người đã và đang gặp khó khăn, mà còn đối với những người vẫn chưa gặp khó khăn gì, sự tồn tại của nhà Sư Thích Tâm Trí ở Nhật Bản là một điều may mắn đối với những người xa xứ. Với khuôn mặt lúc nào cũng dịu dàng, nhà Sư thực là chỗ dựa tinh thần không chỉ đối với tín đồ Phật giáo, mà còn có thể an ủi mọi người bớt lo lắng về cuộc sống ở Nhật.”

Việt Nam - Nhật Bản, giá trị cốt lõi là sự đồng điệu - ảnh 12
Nhà sư Thích Tâm Trí, Hội trưởng Hội phật tử Việt Nam tại Nhật Bản.

Trong mỗi giai đoạn, đều có những con người như thế, thầm lặng chắt chiu yêu thương để chia sẻ, coi niềm vui, hạnh phúc của người khác là của mình. Dòng máu có khác nhau, dân tộc và văn hóa có khác nhau, nhưng cống hiến không suy nghĩ cho những điều tốt đẹp giữa con người với con người chỉ có thể là Họ-những con người Việt Nam hơn cả Việt Nam, Nhật Bản hơn cả Nhật Bản.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Quang hệ Việt Nam Nhật Bản, Việt Nhật, Việt Nam, Nhật Bản, Thủ tưởng

Thể loại: Tổng hợp Video

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập