Vấn đề trình Quốc hội giám sát tối cao năm 2025 đều "nóng và bức xúc"
Cập nhật: 30/05/2024
Thủ tướng: Làm công tác an ninh việc phòng ngừa phải từ sớm, từ xa
Đại sứ Anh: Bất kỳ ai tới Việt Nam cũng nên hòa nhập vào văn hóa ẩm thực nơi đây
VOV.VN - Sáng 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Nhiều ý kiến đánh giá, chuyên đề được trình ra đều đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng.
Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác của đất nước.
Đồng thời, năm 2025 cũng là năm cuối nhiệm kỳ, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.
Chính vì vậy, đối với giám sát chuyên đề, sau khi cân nhắc nhiều mặt và theo thông lệ của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, để tạo điều kiện cho các cơ quan tập trung triển khai các nhiệm vụ nêu trên và các nhiệm vụ lập pháp theo kế hoạch; đồng thời, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại Phiên họp tháng 8/2025.
Theo đó, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo và qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao.
Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).
Trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều ý kiến ủng hộ chọn Chuyên đề 1. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng Đoàn ĐBQH hoạt động chuyên trách tỉnh Hải Dương cho rằng, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.
Tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm nguồn nước, không khí nói riêng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới trong các phiên thảo luận tổ, hội trường cũng như thảo luận về tình hình phát triển KTXH.
“Nếu đưa chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao năm 2025, theo tôi là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng” – bà Việt Nga nêu quan điểm.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách thiên về giám sát tối cao chuyên đề 2, bởi theo ông, nguồn nhân lực, cán bộ là gốc rễ của vấn đề; vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao đang đặt ra một cách bức xúc.
“Giám sát chuyên đề này là giám sát quá trình phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, sử dụng. Từ đầu nhiệm kỳ, tôi đề nghị tổng rà soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, nếu làm được thì tạo chuyển biến rất căn bản” – ông Lê Thanh Vân nói.
Đồng tình với đánh giá rằng năm 2025 có nhiều việc lớn, nhất là đại hội đảng các cấp, nên Quốc hội chỉ tiến hành giám sát tối cao 1 chuyên đề, song đại biểu Trần Hoàng Ngân vẫn bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thêm 1 chuyên đề liên quan đến đầu tư công và quản lý, sử dụng tài sản công.
Đại biểu nêu thực tế thời gian qua Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM và nhiều tỉnh, thành và ngay tại Kỳ họp thứ 7 cũng sẽ xem xét cơ chế, chính sách đặc thù cho Nghệ An và Đà Nẵng. Ông cũng tin rằng tới đây nhiều địa phương khác cũng sẽ tiếp tục xin chơ chế, chính sách đặc thù.
“Điều đó cho thấy rất cần thay đổi đột phá trong luật pháp hiện nay, nhất là Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công” – ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh và đề nghị bổ sung 1 chuyên đề giám sát.
Điều hành phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, 2 chuyên đề giám sát được UBTVQH trình ra đều rất quan trọng, là vấn đề nóng, được nhân dân và cử tri quan tâm. Quốc hội chọn 1 chuyên đề giám sát tối cao thì chuyên đề còn lại UBTVQH cũng tiến hành giám sát chuyên đề.
Trước đề xuất của đại biểu Trần Hoàng Ngân, ông Trần Quang Phương cho biết, khi tiến hành giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trước đây, đoàn giám sát cũng tập trung vào đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu tối đa ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao cũng như thành lập đoàn giám sát.
Từ khóa: giám sát, giám sát tối cao, chuyên đề giám sát, quốc hội, đại biểu quốc hội, môi trường, nguồn nhân lực, tài sản công
Thể loại: Nội chính
Tác giả: ngọc thành/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN