Triển lãm trực tuyến "Báo chí ở Việt Nam trước năm 1945"
Cập nhật: 20/06/2023
Tờ Le Courrier de Saigon - Tây Cống nhựt báo. (Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp) |
Triển lãm được chia làm 2 phần:
Phần I: "Những cột mốc làng báo" giới thiệu một số dấu mốc thời gian quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam từ khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ đến trước năm 1945, gắn liền với việc ban hành và thực thi những văn bản pháp quy tiêu biểu cũng như các đầu báo nổi bật của từng thời kỳ.
Phần II: "Ấn loát và lưu hành" gồm những tài liệu, hình ảnh về một số vấn đề gắn liền với công tác phát hành và lưu hành báo chí, trong đó tiêu biểu gồm có giấy in, nhà in, lưu chiểu, bán báo và quảng cáo.
Tờ Gia Định báo chữ Quốc ngữ ra đời ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn – Gia Định do Trương Vĩnh Ký sáng lập kiêm Chủ nhiệm (Giám đốc), Huỳnh Tịnh Của làm Chủ bút, được các nhà sử học ghi nhận là đứa con đầu lòng của báo chí Việt Nam. (Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp) |
Báo Cứu Quốc – Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh (1941 – 1945) (Nguồn: Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng) |
Do hoàn cảnh lịch sử, Nam Kỳ trở thành cái nôi của báo chí hiện đại Việt Nam. Tờ báo đầu tiên được phát hành tại Nam Kỳ là tờ báo được cho là ra đời đầu tiên ở Nam kỳ là Bulletin officiel de l’Expédition de Cochinchine (Công báo Quân viễn chinh Nam Kỳ) được in bằng chữ Pháp năm 1861, tiếp đó là tờ công báo Bulletin des Communes (Xã thôn công báo) và Courrier de Saigon (Tây Cống nhựt báo) chữ Pháp… Đến thập niên 1880, những tờ báo đầu tiên mới xuất hiện ở Bắc Kỳ và từ đó đến năm 1945, hàng trăm tờ báo bằng tiếng Pháp, chữ Hán và chữ Quốc ngữ đã ra đời ở cả ba kỳ.
Ban đầu, báo chí chủ yếu đăng các văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa. Qua thời gian, nội dung và thể loại báo ngày càng trở nên đa dạng. Bên cạnh các nhật báo cung cấp thông tin mới nhất về tình hình thời sự trong và ngoài nước, còn xuất hiện các tờ tuần san, bán tuần san, nguyệt san, bán nguyệt san, tạp chí nghiên cứu, tạp chí chuyên ngành, báo dành riêng cho nhi đồng, phụ nữ… Đặc biệt, báo chí du nhập vào Việt Nam kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề gắn liền với lĩnh vực này như: sản xuất giấy in, in ấn, lưu hành, phân phối báo chí và quảng cáo.
Tài liệu lưu trữ về Máy chữ đầu thế kỷ XX. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) |
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, triển lãm, báo chí, cách mạng
Thể loại: Tổng hợp Video
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5