Tổng thống Nga Putin cứng rắn với Mỹ và phương Tây là do khách quan
Cập nhật: 22/10/2019
Nga tấn công dữ dội Ukraine trên thực địa, sẵn sàng cho mọi kịch bản
Giải mật cuộc đột kích 3 giờ của biệt kích Israel vào nhà máy tên lửa Syria
VOV.VN - Nhà ngoại giao Evans cho rằng Putin thực ra vẫn thân thiện với Mỹ và những động thái cứng rắn của ông là do bối cảnh và do cách đối xử của Mỹ với Nga.
>> Xem Kỳ 2: Putin “đổi dòng” vào thập niên 1990
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Nga Putin đã thực hiện một số cử chỉ thân thiện với Mỹ: Ông cho đóng cửa cơ sở thu thập tình báo thời Xô viết ở Lourdes, Cuba. Ông cũng đóng cửa cơ sở hải quân của Nga ở Vịnh Cam Ranh. Ông còn cho phép Mỹ vận hành một tuyến cung cấp phương Bắc thông qua lãnh thổ Nga để tiếp tế cho lực lượng Mỹ ở Afghanistan. Và mặc dù Putin thành thực phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, ông vẫn đảm bảo với Tổng thống Mỹ Bush rằng Nga sẽ không tìm cách phá hoại các nỗ lực của Mỹ tại đó. Trong khi đó Tổng thống Pháp Chirac và Thủ tướng Đức Schroeder cũng phản đối hành động của Mỹ ở Iraq nhưng lại bị phía Mỹ đánh giá là thiếu thành thực khiến ông Bush tức giận còn bà Condoleezza Rice (cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ) phải thốt lên rằng “trừng phạt Pháp, phớt lờ Đức, và tha thứ cho Nga”.
Tổng thống Nga Putin không nhượng bộ trước sự bành trướng liên tục của khối quân sự NATO. Ảnh: Maxim Zmeyev. |
Sự bất mãn của Nga với các hành động của Mỹ gia tăng sau khi thảm họa tại Iraq trở nên sâu sắc và một đoàn xe ngoại giao của Nga rời thủ đô Baghdad bị lực lượng đồng minh bắn vào một cách không thể lý giải nổi.
Phương Tây khiêu khích “Gấu Nga” nhiều lần
Người ta thường quy các khó khăn gia tăng trong mối quan hệ giữa Mỹ với Nga là do cá nhân Tổng thống Putin nhưng các nguồn bất mãn với nước Nga đã có từ trước nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin.
Trước đó, vụ ném bom Belgrade vào đúng ngày Chính thống giáo phương Đông năm 1999 đã khiến Ngoại trưởng Nga Primakov khi đó quay ngoặt 180 độ khi đang trên bầu trời Đại Tây Dương bay tới Washington. Vụ ném bom này được phía Nga xem là một hành động thù địch. Đây cũng là một hành động lấn sân của khối quân sự NATO không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chấp thuận. Tình hình ở Nam Tư khi đó diễn biến cực kỳ nguy hiểm có thể dẫn tới chiến tranh lớn. Rốt cuộc Serbia bị mất tỉnh Kosovo, điều mà Nga không chấp nhận được. Moscow chưa bao giờ chấp nhận tính pháp lý của việc Kosovo tách ra độc lập.
NATO mở rộng không ngừng bất chấp các lời hứa
Nguyên nhân lớn nhất cho việc Nga thất vọng, thậm chí tức giận, là việc NATO không ngừng bành trướng đến sát biên giới của nước Nga. Người Nga tin rằng Tổng thống Mỹ Bush, Ngoại trưởng Mỹ Baker và các nhà lãnh đạo phương Tây khác, đặc biệt là Thủ tướng Đức Kohl, từng hứa hẹn không để NATO mở rộng hoạt động của mình dù chỉ “một tấc sang phía Đông” nếu Moscow đồng ý cho phép một nước Đức thống nhất được ở lại trong khối NATO. Lúc đó các vị này đang nỗ lực thuyết phục Tổng thống Liên Xô Gorbachev không cản bước quá trình thống nhất nước Đức.
Bây giờ trong nội bộ NATO đang có tranh cãi về lời hứa trên. Một số vị cho rằng chẳng có lời hứa nào như thế cả và nếu có chăng nữa thì lời hứa đó chưa bao giờ được viết thành giấy trắng mực đen và cũng chưa bao giờ được sự đồng thuận chính thức của tất cả các thành viên NATO.
Cựu Tổng thống Liên Xô Gorbachev xác nhận rằng lời hứa đó không bao giờ được viết vào văn bản. Nhưng các ghi chép lịch sử thì rõ ràng: Phương Tây hứa hẹn không mở rộng NATO nhưng rồi cứ tiếp tục làm vậy tới 2 lần (năm 1999 và năm 2004).
Việc trao tư cách thành viên NATO cho các quốc gia Baltic về lý thuyết đã đưa các lực lượng NATO tiến cách Saint Petersburg (Nga) chỉ có 80 dặm. Thành phố này vẫn lưu sâu đậm ký ức về cuộc bao vây Leningrad thời Thế chiến 2. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest năm 2008, phía Mỹ lại đề xuất kết nạp thêm cả Gruzia và Ukraine (2 nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô) vào khối NATO.
Và đó là một vài trong số nhiều nguyên nhân khiến Nga phát động cuộc chiến 4 ngày ở Gruzia rồi nỗ lực sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình.
Putin “đổi dòng” vào thập niên 1990 và biến cố đánh bom chung cư Nga
Các mặt trận khác khiến Nga cảm thấy bị bao vây và phải ra tay
Như vậy có nhiều nhân tố đẩy Nga vào thế phòng thủ hiện nay trước phương Tây và đặc biệt là Mỹ. Các cuộc chiến do Mỹ phát động ở Trung Đông và Trung Á đã gây bất ổn nghiêm trọng cho các khu vực này. Nhưng Mỹ không dừng lại ở đó, họ còn dính vào các cuộc “cách mạng màu” (như Hoa hồng ở Gruzia, Cam ở Ukraine, Tulip ở Kyrgyzstan) – tất cả những điều này đều khiến Nga phẫn nộ cao độ.
Và sau đó thế giới có thể hiểu được phần nào mức độ quyết đoán của Nga trong việc sáp nhập Crimea từ tay Ukraine. Nga cũng công nhận Abkhazia và Nam Ossetia – 2 vùng lãnh thổ ly khai khỏi Gruzia. Đây có thể được xem là các hành động đáp trả của Nga đối với việc chia tách Serbia.
Trong mắt nhà ngoại giao Mỹ Evans, Putin không phải là ác nhân và thế giới phương Tây đã hiểu sai về Putin. Evans còn dẫn lại nhận định của Tom Graham, một học giả hàng đầu về Nga, phát biểu như sau: “Chúng ta không có vấn đề Putin, chúng ta chỉ có vấn đề Nga”./.
Từ khóa: Tổng thống Nga, Putin, cứng rắn với Mỹ, cứng rắn với phương Tây, Mỹ-Nga
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN