Thách thức lớn với chính phủ mới của Pháp

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Sau nhiều tuần bất ổn, cuối cùng thành phần chính phủ của tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã được chính thức công bố. Tuy nhiên, Chính phủ mới đã đối mặt ngay với hàng loạt sức ép, trong khi các mối đe dọa “bất tín nhiệm” tại Quốc hội ngày một gia tăng.

Chỉ trích đến từ phe cực hữu

Sau 2 tuần được bổ nhiệm, trải qua nhiều cuộc tham vấn chính trị với các đảng phái và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tân Thủ tướng Michel Barnier mới hoàn tất được nội các của mình. Đây cũng là thời gian lập chính phủ dài kỷ lục đối với một Thủ tướng Pháp trong nền Cộng hoà V thành lập từ năm 1958. Có thể nói, Thủ tướng Michel Barnier đã xây dựng một chính phủ thiên hữu nhất dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron, người theo đuổi khuynh hướng chính trị tự do và trung dung.

Tuy vậy, nội các thiên hữu mới đã vấp phải sự chỉ trích từ các đảng phái chính trị đối lập, bao gồm ngay cả đảng theo đuổi đường lối cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN), lực lượng lớn thứ 3 tại Quốc hội và được cho là sẽ quyết định sự tồn tại của chính phủ mới. Lý do mà đảng cực hữu RN đưa ra là Thủ tướng Michel Barnier đã giữ lại nhiều bộ trưởng từng tham gia các chính phủ tiền nhiệm dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron trong 7 năm qua và thể hiện sự chi phối của Người đứng đầu nước Pháp.

Có thể thấy, trong 39 thành viên chính phủ mới thì có đến một nửa, tức là 19 bộ trưởng, bộ trưởng uỷ nhiệm hay quốc vụ khanh đến từ liên minh chính trị ủng hộ Tổng thống, trong đó 12 người thuộc chính đảng “Phục hưng” của ông Macron, nắm giữ nhiều lĩnh vực quan trọng như bộ trưởng Quân đội Sébastien Lecornu, bộ trưởng Kinh tế Antoine Armand, bộ trưởng phụ trách Ngân sách Laurent Saint-Martin hay bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Agnès Pannier-Runacher…

Hai lãnh đạo cao nhất của đảng cực hữu RN là bà Marine Le Pen và ông Jordan Bardella đều nhận định chính phủ mới chỉ là “bình mới rượu cũ”, không có sự thay đổi triệt để và cho thấy “sự trở lại của hệ tư tưởng Emmanuel Macron”. Cả hai công khai cảnh báo chính phủ mới sẽ “không có tương lai” và đây là lời đe doạ đầy sức nặng trong bối cảnh đảng RN đang là một cực trong thế chia 3 tại Quốc hội Pháp hiện nay. Cũng có thể hiểu đằng sau lời cảnh báo trên là các ẩn ý chính trị, đảng RN đang muốn nhiều yêu sách hơn, nhiều nhượng bộ hơn từ Thủ tướng Michel Barnier theo hướng có lợi cho phe cực hữu, lực lượng đang nhận được sự ủng hộ của 11 triệu cử tri Pháp.

Trong khi đó, các đảng cánh tả cũng như cử tri cánh tả tiếp tục kêu gọi các cuộc tuần hành phản đối Tổng thống Emmanuel Macron đã “đánh cắp” cuộc bầu cử Quốc hội tháng 7/2024, đi ngược lại nền dân chủ khi tước bỏ quyền được thành lập chính phủ của cánh tả dù là lực lượng về đầu. Có thể nói, chính phủ thiên hữu của tân Thủ tướng Michel Barnier đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn và khả năng tồn tại lâu dài vẫn là dấu hỏi lớn?

Những vấn đề chính sách cấp bách 

Đối mặt với những khó khăn như trên, mục tiêu  hiện tạicủa Thủ tướng Michel Barnier là phải gấp rút xây dựng một chính sách chung tổng thể và dung hoà lợi ích giữa các phe phái, đặc biệt là phải xoa dịu lực lượng cực hữu. Thời gian cho việc này cũng không còn nhiều, bởi chỉ còn khoảng 10 ngày nữa Quốc hội Pháp sẽ họp trở lại. Trước đó, ông Barnier đã tiêu tốn quá nhiều thời gian, mất đến 2 tuần để lên danh sách nội các và được Tổng thống Macron phê duyệt.

Trong bài trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình France 2 sau khi công bố nội các mới, Thủ tướng Michel Barnier đã nêu ra một số ưu tiên hàng đầu. Trước mắt, cần nhanh chóng trình dự luật ngân sách năm 2025 ước tính trị giá 492 tỷ euro lên Quốc hội để xem xét vào đầu tháng 10 tới. Đây là bài toán khó của ông Barnier bởi các chính phủ tiền nhiệm đã phải liên tục siết chặt chi tiêu tối đa, trong khi đó các đảng cánh tả cũng như phe cực hữu liên tục yêu cầu chi nhiều hơn cho người dân đang phải vật lộn với lạm phát cao, sức mua suy giảm do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Trong khi đó, thâm hụt ngân sách công của Pháp dự kiến tăng lên 5,6% trong năm 2024 (thậm chí là 6% vào năm 2025), vượt xa mốc 3% mà EU đặt ra và nhiều lần cảnh báo trừng phạt. Nợ công của Pháp hiện cũng đã hơn 110% GDP, tương đương khoảng 3.000 tỷ euro. Thủ tướng Michel Barnier trước mắt đã để ngỏ khả năng tăng thuế đối với người giàu để gia tăng nguồn thu trước khi bổ sung các biện pháp khác để xử lý vấn đề nợ công.

Ưu tiên tiếp theo của chính phủ mới là giải quyết bài toán nhập cư theo hướng hạn chế số lượng nhập cư, siết chặt các quy định về nhập quốc tịch hay bổ sung các điều kiện hỗ trợ trục xuất nhanh hơn các trường hợp bất hợp pháp, vi phạm pháp luật... Bộ trưởng Nội vụ mới ông Bruno Retailleau được đánh giá là chính trị gia có quan điểm cực đoan nhất của đảng bảo thủ “Những người Cộng hoà” cánh hữu.

Hồ sơ nóng và “hóc búa” khác là hoàn thiện Luật cải cách hưu trí, vốn được Tổng thống Emmanuel Macron coi là thành tựu nhiệm kỳ và là “lằn ranh đỏ”. Thủ tướng Michel Barnier ủng hộ độ tuổi về hưu là 64, nhưng muốn tăng chế độ đãi ngộ với người dễ bị tổn thương, trong khi các lực lượng đối lập đòi hỏi giảm tuổi hưu trí, trở lại mốc 62 tuổi. Một số ưu tiên khác mà chính phủ mới sẽ phải giải quyết là đưa vấn đề nạo phá thai hợp pháp, hôn nhân đồng giới vào Hiến pháp, tăng cường hệ thống y tế, cải cách giáo dục và bổ sung 3.000 giáo viên phổ thông, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (PME) hay đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng…

Có thể nói, chính phủ của tân Thủ tướng Michel Barnier đang đứng trước núi thách thức nhưng lại không nắm trong tay quyền tự quyết do không có được thế đa số tại Quốc hội.

Các kịch bản đe dọa tương lai của chính phủ mới

Trong cục diện chính trị Pháp chia ba hiện nay, cánh tả gần như ở thế đối lập hoàn toàn sau khi bị “tước đoạt” quyền thành lập chính phủ và sẽ phản đối mọi chính sách mà Tổng thống Macron và chính phủ mới đưa ra. Đảng cực hữu RN và đồng minh được cho là có quan điểm “ít tiêu cực” hơn và sẽ giữ quyền phán quyết. Điều này sẽ buộc phe của Tổng thống và Thủ tướng sẽ phải thương lượng, có nhượng bộ cần thiết trong mọi vấn đề với đảng RN để lực lượng này không cùng cánh tả góp sức khiến chính phủ mới sớm sụp đổ.

Về các kịch bản thời gian tới thì đầu tiên và ngay trước mắt, Thủ tướng Michel Barnier và chính phủ mới chắc chắn sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu “tín nhiệm” tại Quốc hội từ Liên minh cánh tả “Mặt trận bình dân mới” (NFP) khi ra mắt vào đầu tháng 10 tới và gần như là cả mọi phiên họp Quốc hội sau này. Trong khi đó, các lãnh đạo đảng cực hữu RN đến nay đều nhấn mạnh chính mới “không có tương lai”. Phó chủ tịch đảng RN ông Sébastien Chenu tuyên bố “vấn đề tín nhiệm chính phủ mới sẽ phụ thuộc vào nội dung của dự luật ngân sách năm 2025” và rộng hơn là chính sách chung tổng thể mà Thủ tướng Barnier sẽ trình bày tại Quốc hội.

Ngay cả khi vượt qua cuộc bỏ phiếu sắp tới, kịch bản liên minh cầm quyền thiểu số phải “bắt tay” với đảng cực hữu RN trong mỗi quyết sách để duy trì sự tồn tại cũng là điều không tránh khỏi. Điều này kéo theo những nhượng bộ bất lợi và có thể cản trở quá trình triển khai những hồ sơ ưu tiên mà Thủ tướng Michel Barnier đặt ra.

Trong mọi trường hợp, do thế chia ba phân mảnh tại Quốc hội, người dân Pháp gần như sẽ không thể tránh được một cuộc bầu cử lập pháp mới sau gần 1 năm nữa do Hiến pháp Pháp quy định 2 cuộc bầu cử Quốc hội phải cách nhau tối thiểu 1 năm. Đây cũng là khẳng định của lãnh đạo đảng cực hữu RN, bà Marine Le Pen về việc đảng này sẽ hướng đến một cuộc bầu cử mới vào tháng 7/2025 với hy vọng đưa nước Pháp ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng chính trị được cho là bắt nguồn từ quyết định đầy tranh cãi của chính Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi bất ngờ giải tán Quốc hội hồi đầu tháng 6 vừa qua.

Từ khóa: Pháp, cải tổ,cải tổ chính phủ pháp, chính trường pháp, chính phủ mới của pháp

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: mạnh hà/vov-paris

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập