Ồ ạt cho con đi du học: Cha mẹ vô tình “đẩy” con vào chỗ nguy hiểm?

Cập nhật: 31/10/2019

VOV.VN -Con học kém, con ý thức kém… không lo, vẫn còn cửa “đi du học” là quan niệm của nhiều gia đình có điều kiện. Với suy nghĩ này, họ đang vô tình đẩy con mình vào chỗ nguy hiểm…

Lớp con tôi có khoảng 40 học sinh, nhưng có đến 1/3 lớp sẽ đi du học sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, phần lớn là du học tự túc, chỉ 1-2 cháu là tìm được học bổng 50-75%.

Trong số những cháu chuẩn bị du học, chỉ có một hai cháu là gia đình có định hướng ngay từ khi bắt đầu vào cấp 3, nên ngay từ đầu, các cháu này hầu như chỉ quan tâm đầu tư cho môn tiếng Anh để lấy các chứng chỉ với kết quả càng cao càng có lợi thế xin học bổng du học. Số cháu còn lại là đến giữa thời gian học cấp 3 hoặc sang đến đầu lớp 12 gia đình mới có ý định cho cho con đi du học. Đa số các cháu này đều là con em gia đình khá giả, và thực tế, học lực trung bình hoặc yếu so với các bạn trong lớp.

Nhiều lần họp phụ huynh, thầy giáo đã phải nhắc nhở về ý thức và khả năng học tập của các cháu. Thậm chí, thầy còn khuyên gia đình nên tìm một trường vừa với sức của con (vì các cháu đang học trường Chuyên) để các cháu khỏi tự ti với bạn bè. Còn nếu cứ đà học như thế này, chắc chắn các cháu sẽ khó đỗ Đại học.

o at cho con di du hoc: "day" con vao cho nguy hiem vi si dien hao cua cha me? hinh 1
(ảnh minh họa-CafeBiz)

Nhưng sau khi nghe gia đình trình bày là sẽ cho con đi du học, thì các cuộc họp sau thầy ít nhắc nhở chuyện học hơn và thay vào đó là “với các cháu có ý định đi du học thì việc học có thể nhẹ nhàng, nhưng cần quan tâm đến ý thức để không làm ảnh hưởng tới thành tích chung của lớp”.

Cũng có thể vì xác định không học trong nước, nên ý thức và kết quả học tập của các cháu thực sự đáng ngại. Nhiều cháu trốn tiết, đi sớm về muộn, ngủ quên, mải chơi điện tử, mất trật tự trong lớp, không quan tâm đến cô giáo giảng gì hoặc chỉ mang tiếng Anh ra học trong giờ khác… là chuyện bình thường. Nhiều cháu đã thành thói quen, đến nỗi bạn bè quen gọi bằng những biệt danh Đ “đần”, Q “điện tử”, H “ngủ nướng”… Và gần như lần nào họp phụ huynh, thầy giáo chủ nhiệm cũng cảnh báo về ý thức của các học sinh này.

Thầy cũng kể câu chuyện của nhiều học sinh các khóa thầy chủ nhiệm, thậm chí trong đó cả con của cựu lãnh đạo thành phố được gia đình cho đi du học tự túc. Mỗi năm gia đình tốn vài tỷ cho “quý tử” ăn học. Bố mẹ ở nhà thì luôn tin tưởng con em ra nước ngoài tự lập thì sẽ cố gắng và ý thức hơn.

Nhưng một lần, người quen vô tình bắt gặp “cậu ấm” đó có mặt ở Hà Nội không phải trong dịp nghỉ hè. Vụ việc vỡ lở ra mới biết cậu “quý tử” ấy cả năm nay không du học gì hết, mà ôm tiền của bố mẹ sống cùng bạn gái, khi thì ở Hà Nội, lúc thì ở TP Hồ Chí Minh.

Còn với người viết bài này cũng đã có một thời gian khá dài đi tìm hiểu thực tế về du học sinh Việt Nam ở Úc. Sau khi tìm hiểu về, giấc mơ “cho con du học” nung nấu bấy lâu nay của bản thân cũng tan tành.

Trong số hàng chục sinh viên mà chúng tôi đã có dịp tiếp xúc ở Melbourne, đa số các em được gia đình cho đi du học tự túc vì kiếm học bổng tương đối khó. Cũng phải thừa nhận, có số ít các em có ý chí và nghị lực thực sự. Các em đang là những học sinh có học lực tốt, tham gia nhiều hoạt động của nhà trường và cộng đồng.

Và thực tế, cũng đã có những du học sinh sau khi học xong khá trưởng thành, tìm được những công việc phù hợp ở trong nước và ngay tại nước sở tại, giúp đỡ những lứa du học sinh mới. Nhưng tỷ lệ này quá nhỏ so với số lượng học sinh sang đây du học.

Số còn lại học hành chểnh mảng, nhiều em mới sang lao vào đi làm thêm, yêu đương, không còn thời gian để học hành. Khi đến khu trọ các em thuê, chúng tôi thực sự thấy sốc, có thể một phần do quan niệm “cổ hủ” của thế hệ chúng tôi. Căn phòng khoảng 10m2 có đến 2 cặp đôi ở chung, la liệt đồ ăn, sách vở lẫn bao cao su trên bàn và giường. Có lẽ đó là chuyện bình thường nên khi có khách, các em cũng không cần dọn dẹp hoặc cất những đồ "nhạy cảm" đó đi.

Hỏi chuyện thực tế việc học tập và sinh hoạt của các em ở đây, mới thấy để tồn tại được, các em thực sự vất vả và khó khăn. Tiền học, tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt mỗi tháng cũng ngót nghét cả chục ngàn đô la. Với một gia đình không thực sự giàu có, thì đây quả là một gánh nặng.

Trong số các em ở đây, chỉ số ít gia đình có điều kiện thực sự, có thể lo đường dài cho con em mình học xong 4 năm Đại học. Còn lại nhiều em tâm sự rằng, gia đình cũng không phải quá khá giả, nhưng vì nhiều lý do không thể học trong nước, nên các em được cha mẹ cho đi du học. Với hy vọng có tấm bằng Đại học ở nước ngoài, nếu về nước xin việc sẽ giá trị hơn nhiều tấm bằng Đại học trong nước.

Cũng có gia đình trong số này xác định, cho con em mình đi du học, thì có thể năm đầu gia đình sẽ vất vả, chật vật để lo hoàn toàn kinh phí, nhưng từ năm thứ 2 trở đi, các en có thể đi làm thêm để trang trải bớt tiền nhà, tiền ăn, thậm chí cả tiền học.

Nhưng sang đến nơi, sống thực tế ở đây thì mới biết việc “đi làm thêm” không dễ dàng như mọi người ở nhà vẫn nghĩ. Các em xin đi làm thêm chủ yếu là rửa chén, bưng bê, khá hơn là được tham gia làm bếp ở các nhà hàng quán ăn. Tiền công một giờ chỉ khoảng 7-10 đô la Úc, không bõ bèn gì so với mức chi tiêu bên đó. Và khi vi phạm hoặc làm hỏng đồ của nhà hàng, các em có thể bị phạt rất nặng, hết cả tiền công trong tuần, trong tháng.

Vì thế không phải ai cũng dễ dàng đi làm thêm và có thu nhập giống như phương án tính toán khi còn ở nhà. Cũng có số ít em đã phải “đứt gánh giữa đường” vì gia đình gặp sự cố, không đủ tiền trang trải dài hơi hoặc các em không thể tiếp tục vì không thể theo học được.

Mặt khác, sang nước bạn, dù tiếng Anh ở nhà có tốt đến mấy nhưng sang đó để giao tiếp được, để đi làm được và để theo học được trên lớp thì gần như phải học lại, vì dù cùng nói tiếng Anh như tiếng Anh Úc nghe khác hẳn tiếng Anh như ở nhà đã học.

Mỗi ngày đi làm vài tiếng, về đến nhà là đã mệt phờ, nhiều khi chỉ ăn qua loa cho xong bữa, thậm chí nhiều hôm không kịp ăn uống đã lăn ra ngủ. Bài vở cứ dồn ngày này sang ngày nọ, và khi không tiếp thu kịp thì việc học trở nên khá vất vả, mệt mỏi.

Nếu tìm hiểu thực tế việc học tập và đời sống của các du học sinh, thì mới thấy không hoàn toàn màu hồng như ở nhà mọi người vẫn nghĩ. Chỉ trừ số ít các em đi du học bằng năng lực thực sự, có học bổng hỗ trợ phần nào chi phí, các em có khả năng và quyết tâm thì việc học tập, sinh hoạt cũng đỡ hơn rất nhiều.

Nhưng với các em khi học trong nước đã "không biết gì”, hay ý thức học tập kém, khi đi du học quả thực rất đáng lo ngại. Kể cả gia đình có điều kiện, nhưng thói quen lười tư duy và ỷ lại, khiến các em thực sự vất vả, khó khăn khi sống ở nơi đất khách quê người.

Ở trong nước, học bằng tiếng mẹ đẻ, được gia đình chăm bẵm, các em còn không phấn đấu, thì khó có thể hy vọng đi sang một nơi xa lạ hoàn toàn, con em mình bỗng nhiên lại thay đổi trở thành một người có ý thức trong cuộc sống và học tập. Điều đó thực sự hy hữu.

Cho con đi du học là mong muốn và quan niệm của mỗi gia đình. Nhưng ngoài việc lo cho con nguồn kinh phí để có thể học tập lâu dài (ít nhất là trong thời gian học Đại học hoặc hết khoá học), thì việc cần quan tâm hơn, là làm sao để việc rèn luyện ý thức và khả năng học tập trở thành thói quen của bản thân.

Cùng với đó, các kỹ năng xã hội cũng rất quan trọng để các em có thể thích nghi được với một môi trường hoàn toàn xa lạ. Cũng đã có trường hợp, sau một thời gian du học, các em không thể nào thích nghi được đã phải "khăn gói quả mướp" trở về, thậm chí có em còn bị "sốc" văn hoá và phương pháp học, chưa nói nhiều em bị ảnh hưởng khá lớn đến sức khoẻ tâm thần.

Còn nếu để cho trẻ hình thành tư tưởng “trong nước sao cũng được, kiểu gì cũng đi du học” như thường thấy ở rất nhiều học sinh hiện nay, thì quả thật, khi chúng ta để con em mình rời xa vòng tay cha mẹ và gia đình, đồng nghĩa với việc đang vô tình "đẩy" con vào chỗ nguy hiểm.

Nguy hiểm cho cả tương lai và cả tính mạng của con em mình./.


Từ khóa: ồ ạt cho con đi du học, đi du học, đẩy con vào chỗ hiểm nguy, sính du học, sính ngoại

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập