Những thánh đường rêu phủ thời gian

Cập nhật: 30/03/2021

(VOV5) -Tôi tin vào lời nguyện cầu như một sức mạnh của sự linh thiêng sẽ neo giữ những thánh đường không bị rêu phủ thời gian làm lãng quên.


“Tiếng chuông đã tắt

Lời kinh đã tạnh.

Bức tường thương khung cửa

Khung cửa khóc hành lang...,

Phế tích ngổn ngang

Nguyện đường im vắng…”

(Nguyễn Hoàng Trung Hiếu)

Có một nỗi niềm man mác diệu vợi xao xác trong những lời thơ, như một dấu lặng trầm mặc, u hoài, tiếc nuối, mà sao vẫn cảm nhận được vẻ đẹp âm thầm trong lớp bụi rêu phủ thời gian lên những thánh đường xưa dù là phế tích, dù là hoang vu, vẫn như cảm thấy cây thập tự nơi cung thánh huyền hoặc tỏa rực rỡ những tia sáng ấm áp như dấu chỉ của Tình yêu Thiên Chúa, vẫn toát lên vẻ thánh thiêng, uy nghiêm của một nơi đã từng vọng ngân những lời kinh, tiếng hát tôn vinh ngợi ca Ngôi Chúa trên cao, luôn sưởi ấm những con tim và soi lối những bước chân lầm lạc quay về với thiện lành.

Nhà thơ trẻ ôm cây guitar khảy lên vài cung nhạc, cất giọng hát trầm khàn theo lời thơ của mình trong một chiều sương giăng tím mờ cả khung trời phố núi Đà Lạt, bên góc nhà nguyện cổ kính Đan viện gần trăm năm xưa, mắt hướng xa xăm ra bên ngoài, ánh mắt ẩn chứa một niềm xác tín thánh thiện, chợt dừng lại luyến tiếc vấn vít những dây cỏ quấn níu bám trên bậc thềm rêu, rồi đưa cái nhìn vượt ra xa neo lại những ngọn thông đang liêu xiêu trong chiều gió…

- Anh đã bao giờ đi đến những thánh đường rêu phủ thời gian, chỉ có những viên đá thầm thì cùng gió câu chuyện trăm năm trước?

Một cuộc xuyên Việt đầy ngẫu hứng, cho tôi đắm vào vẻ đẹp của những phế tích thánh đường xưa, như xuyên không và đồng hiện trong quá khứ lịch sử thăng trầm với nhiều huyền tích đầy thú vị ở những kiến trúc mang dáng vẻ Đông - Tây hòa kết hiệp thông, giờ như một chứng nhân trầm tư đong đầy hoài niệm quá khứ huy hoàng ở những không gian khoáng đạt tràn gió, nắng, tiếng sóng biển và rì rầm đại ngàn…

Những thánh đường rêu phủ thời gian - ảnh 1Núi Ba Vì. Ảnh: moitruongvadothi.vn
Núi Ba Vì trên độ cao gần ngàn mét, quanh năm ẩn hiện giữa những lớp sương mờ huyền bí, khi nắng chiếu thì lấp lánh ánh trắng bạc, khi chiều buông thì tím nhạt hoang vu. Tôi đã lặng người chiêm ngưỡng phế tích thánh đường hiện hữu qua cả thế kỷ mà vẫn mang vẻ đẹp u tịch thâm trầm và có phần hư ảo trong sương trong mây núi. Từ trên khung mái phế tích chằng chịt um tùm hoa cỏ rủ xuống bức tường đá rêu mượt xanh nhung, ánh nắng từ trên cao xiên chéo qua vòm rừng cổ thụ, rắc những sợi vàng mỏng manh, hắt bóng thập tự lên lá hoa, có cảm giác lạc thần đang đi vào một lâu đài cổ tích, và thinh không nghe tiếng bầy chim rừng hòa giọng hót như một khúc Thánh ca huyền diệu trùm lên cả thánh đường…

Đi về hướng biển, có chút liêu trai sương khói trong bàng bạc ánh trăng non, tháp chuông phế tích nhà thờ giáo họ Thánh Tâm, Nam Định uy nghi cao vút hướng lên cao, in dáng vào nền trời màu thủy tinh đen trong suốt, như một ngọn hải đăng kỳ bí cô đơn giữa mênh mang cát và sóng với những đường nét của vòm cửa mềm mại tạo ảo giác như một cung thánh thần thoại tuyệt đẹp. Lại gần hơn chút nữa, cho dù không thể nhìn rõ các họa tiết và màu gạch cổ xưa, nhưng vẫn thấy những mảng rêu bám trên những vách tường, dưới ánh trăng mờ, ngọn rêu như loáng nước lấp lánh sáng. Không biết có phải tiếng gió luồn qua các ô cửa hay tiếng sóng vỗ ngay dưới chân tháp, hay là một linh thiêng ảo diệu mà bên tôi nghe như giai điệu của dàn đại phong cầm âm vang cả một khoảng không gian biển.

Những thánh đường rêu phủ thời gian - ảnh 2Tháp chuông nahf thờ Tam Tòa. Ảnh: quangbinh.gov.vn

Xuôi về phương Nam, đứng bên bờ sông Nhật Lệ, Quảng Bình, có một chút nao nao đến xốn xang khi ngắm ngọn tháp chuông nhà thờ Tam Tòa, trải qua ba thế kỷ, còn loang lổ những vết tích của một thời chiến tranh từ nửa thế kỷ trước. Giống một lãng khách đắm si vẻ tuyệt mỹ của những thánh đường mà có khoảnh khắc tôi như xuyên không ngược về thế kỷ 19, tha thẩn ngắm nghía kiến trúc nhà thờ Tam Tòa, chạm vào từng viên gạch, nguyện ngắm trong tâm những bức tượng Thánh để rồi giật mình trở về hiện tại, ngậm ngùi nhìn hoang phế thánh đường, xót thương cho một thời lộng lẫy.

Những thánh đường rêu phủ thời gian - ảnh 3

Thánh địa La Vang. Ảnh: tinhuyquangtri.vn

Không biết có phải như một song song cảm xúc, mà tôi lại thêm một lần nữa như bị ai cào nhẹ trong tim tạo thành vết xước khi đứng bên tháp chuông Vương cung thánh đường La Vang - Quảng Trị đổ nát, nơi từng là một cung Thánh mang phong cách Đông - Tây hòa hợp đầu thế kỷ 20 thanh thoát nhẹ nhàng, là một Thánh tích gắn với câu chuyện thiêng của giáo dân vùng này từ thế kỷ 18. Cho dù nắng chan hòa đổ xuống tháp, phủ một màu vàng mật, cũng không giấu được những tàn phá của thời gian, mà lạ, khi tôi đưa tay chạm nhẹ vào những viên gạch phai màu, những viên gạch vỡ, những viên gạch muốn vụn mủn, cảm nhận từ đó vẫn toát ra vẻ đẹp của Thánh tích và như nghe một lời an ủi vọng từ xa xăm…

Tây Nguyên với tôi là một miền cao nguyên hùng vĩ ẩn giấu nhiều kỳ bí thần thoại không chỉ trong những bộ trường ca Đam San, Xinh Nhã, trong những đêm hát H’mon ở nhà Rông nhà Dài…, mà còn trong những khu rừng đại ngàn cổ thụ, trong những ngọn núi cao vút chạm bầu trời, trong những tầng mây xanh trong vắt thủy tinh, trong những con suối con thác như vàng như bạc, trong những ngọn gió cái nắng lúc nào cũng đầy ắp hào phóng và phóng túng… Và cũng đầy bất ngờ khi tôi khám phá phế tích nhà thờ cổ H'Bâu hơn trăm năm trước nằm dưới chân núi Chư Đang Ya hùng vĩ, thuộc làng Xõa huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Chỉ còn tháp chuông và mặt trụ trước, rêu xanh mướt phủ dày những bức tường sót lại, một thảng thốt ngược thời gian trăm năm thật kỳ lạ, trong hoang phế thánh đường giữa ngàn sâu, như một ánh sáng rực rỡ tỏa ra từ bức tượng Chúa Jesus trên cây thập giá treo vào khung cửa nhuốm rêu phong sẫm màu thời gian. Bất chợt, nghe âm vọng trong hòa điệu của chim rừng gió núi, rì rào lá cây, róc rách suối reo, ào ào thác đổ…, hình như có tiếng chuông ngân đầy linh diệu dội vào vách đá thâm sơn đại ngàn…

Những thánh đường rêu phủ thời gian - ảnh 4

Phế tích nhà thờ cổ H'Bâu hơn trăm năm trước nằm dưới chân núi Chư Đang Ya hùng vĩ, thuộc làng Xõa huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Ảnh: baogialai.com.vn

Nhà thơ trẻ giấu cái nhìn hoài niệm vương trìu mến trong ánh mắt đang dần sẫm theo màu hoàng hôn của phố núi Đà Lạt khi rời Đan viện cổ, bước chân chùng chình kéo dài thêm vài khoảnh khắc, cúi nhẹ người nhặt một chiếc lá vàng hờ hững bên nhánh hoa dại ven lối đi, ấp chiếc lá trên ngực, có một lời tạm biệt từ trái tim gửi lại như hẹn ước với nơi này. Không chỉ là hoang vắng của “phế tích ngổn ngang”, không chỉ là lặng im “tiếng chuông đã tắt”, mà sẽ là một ngày nắng ấm áp, để lối đi không là cỏ níu chân, nguyện đường không là bụi phủ phôi pha thời gian, những bức tường đá ẩm rêu không lạnh lẽo trong sương sớm mưa mùa cao nguyên…

Và tôi tin vào lời nguyện cầu như một sức mạnh của sự linh thiêng sẽ neo giữ những thánh đường không bị rêu phủ thời gian làm lãng quên./.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, thanh duong, reu phu, thoi gian

Thể loại: Tổng hợp Video

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập