Những ký ức đầy xúc động trong “Nhớ lời Di chúc-Theo chân Bác”
Cập nhật: 25/09/2019
Sắp xếp tổ chức tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. (28/11/2024)
Rà soát các chính sách phát triển điện lực, tránh dàn trải nguồn lực, khả thi (25/11/24)
VOV.VN - Trong suốt 3 tiếng, chương trình phát thanh đặc biệt “Nhớ lời Di chúc-Theo chân Bác” đã nhắc lại những ký ức đầy xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 74 năm Quốc khánh mồng 2/9 và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thời sự (VOV1),ĐàiTiếng nói Việt Namthực hiện chương trình phát thanh đặc biệt với chủ đề:“Nhớ lời Di chúc-Theo chân Bác”.
PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ- Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài TNVN (thứ 2 từ phải sang) và khách mời trong chương trình phát thanh đặc biệt“Nhớ lời Di chúc-Theo chân Bác”. |
Trong suốt 3 tiếng, PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ- Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài TNVN cùng các vị khách mới là ông Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng và Tiến sỹ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng các thính giả nghe Đài đã chia sẻ tình cảm kính yêu với Bác, phân tích những giá trị mang tầm thời đại của Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những bài học luôn mới đối với thời đại ngày nay.
Nhớ lại giây phút đau thương khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi thông cáo đặc biệt vào ngày 4/9/1969 báo tin Bác mất, ông Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn nguyên cảm xúc của 50 năm trước, khi ông còn là một cậu học trò về nhà lấy thêm lương thực đi sơ tán, được mẹ cài một tấm băng đen lên ngực trái.
“Chúng tôi sau khi nhập trường xong được về nhà để xin thêm gạo nước mang lên nơi sơ tán để ăn học thì khi tôi về đến nhà, mẹ tôi, năm đó cũng hơn 70 tuổi. Mẹ tôi vừa khóc, vừa đính lên ngực tôi một miếng băng tang màu đen bằng 2 ngón tay. Tôi vẫn nhớ mãi cái băng chỉ bằng 2 ngón tay thôi nhưng đeo vào ngực sao cảm giác như là nặng trĩu cả người. Sao vô cùng nặng khi đeo cái băng lên ngực mình”, ông Chu Đức Tính nói.
Cũng trong chương trình đặc biệt “Nhớ lời Di chúc-Theo chân Bác”, thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam đã gặp gỡ ông Trần Viết Hoàn, người hơn 50 năm trước đã canh gác, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng cuối đời của người tại nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch.
Nhớ lại những ngày tháng đó, ông Trần Viết Hoàn xúc động nói: “Được sống gần Bác, được hàng ngày nhìn thấy Bác. Hàng ngày Bác vẫn xuống xem xét việc ăn uống, việc tập tành của chúng tôi. Ngày Tết truyền thống dân tộc, Bác cho anh em ăn một bữa cơm tất niên bằng chính tiền của Bác. Mỗi khi Bác đi công tác đều có quà cho chúng tôi và tôi khi nhận quà của Bác thì lòng ứa lệ. Càng thấy vinh quang gấp bội lần.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải)và lãnh đạo Đảng, Nhà nước bật khóc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.Ảnh tư liệu |
50 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về với “thế giới người Hiền” bản Di chúc của Người luôn là những chỉ dẫn quan trọng cho toàn Đảng, toàn quân và toàn quân ta. Nhưng điều cô đọng nhất bao trùm lên toàn bộ nội dung bản Di chúc là 2 từ: Đảng và Dân. Đây cũng chính là mối quan tâm sâu sắc nhất trong suốt cuộc đời cống hiến cho Đảng, cho dân của Người.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, khách mời của chương trình nhấn mạnh: “Trong Di chúc, tại sao Bác nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng Đảng và đoàn kết trong Đảng vì khi giành được chính quyền rồi, thì những người rường cột trong chính quyền ấy phải làm sao vì mục đích, vì sự nghiệp của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân và phải gương mẫu và đặc biệt là cán bộ, đảng viên.Càng làm cao thì càng phải gương mẫu thì mới có thể giữ được sự cầm quyền của Đảng. Đảng muốn cầm quyền thì Đảng phải có đường lối đúng nhưng Đảng cũng phải gương mẫu.Bác có nói rằng, Đảng viên phải gương mẫu, Đảng viên không gương mẫu thì không xứng đáng là Đảng viên”.
Trong bối cảnh hiện nay, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, những giá trị của bản Di chúc của Bác Hồ vẫn luôn mang tầm giá trị, đặc biệt đối với các thế hệ thanh niên, những người chủ tương lai của đất nước.
Ông Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Thế hệ thanh niên ngày nay trong thế hệ cách mạng 4.0 rất năng động, nhiệt huyết. Ở môi trường nào, các bạn trẻ có ý chí, có nghị lực thì đều khẳng định được mình.Chúng ta phải có đối xử dân chủ nhưng đúng mức và công bằng.
Những giá trị nào họ đạt được cũng cần phải được ghi nhận để động viên khuyến khích và từ đó nhân lên các cá nhân điển hình tiên tiến theo lời dạy của Bác. Bác nói là bồi dưỡng quan trọng nhất là bồi dưỡng nhân cách. Có tài mà không có đức như Bác Hồ nói thì rất nguy hiểm”.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh Tư liệu |
Xuyên suốt 180 phút của chương trình phát thanh đặc biệt với chủ đề: “Nhớ lời Di chúc-Theo chân Bác”, chương trình đã nhận được rất nhiều ý kiến của thính giả gửi về chia sẻ những tâm tư, những tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả những lời động viên, chia sẻ đối với những phóng viên, biên tập viên thực hiện chương trình.
Thính giả Nguyễn Cảnh, ở Phúc Thọ, Hà Nội chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi nghe chương trình phát thanh đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi vừa nghe, nước mắt cứ rưng rưng vì chương trình hay quá, xúc động quá. Qua chương trình đặc biệt, tôi rút ra một điều là Bác vĩ đại quá, bản Di chúc của Bác vĩ đại chưa từng có”.
Chương trình cũng thực hiện các điểm cầu tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, làng Sen quê Bác, nơi Người sinh ra và sống những ngày tháng niên thiếu, thành phố Hồ Chí Minh và Cao Bằng, nơi Bác lần đầu tiên trở về nước năm 1941, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam./.
Từ khóa: Nhớ lời Di chúc-Theo chân Bác, chương trình phát thanh đặc biệt, Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN