Vũ khí Ukraine học hỏi từ Nga trở thành át chủ bài trên chiến trường

Cập nhật: 5 giờ trước

VOV.VN - Chưa đầy 18 tháng kể từ khi các nguyên mẫu đầu tiên xuất hiện, UAV điều khiển bằng cáp quang, thay vì sóng vô tuyến đã trở thành vũ khí chủ lực của Ukraine trên chiến trường.

Loại UAV này gần như miễn nhiễm với các hệ thống gây nhiễu điện tử, có thể hoạt động ở những khu vực mà UAV thông thường không thể tiếp cận và gần như không thể bị ngăn chặn.

Trao đổi với Forbes, ông Oleksiy Zhulinskiy - CEO công ty 3DTech của Ukraine đã tiết lộ về quá trình phát triển loại UAV này, những thách thức trong vận hành và hướng phát triển trong tương lai. Dù Nga chiếm ưu thế lớn hơn về số lượng nhưng 3DTech đang tăng cường sản xuất với những thiết kế vượt trội.

“Thách thức lớn nhất hiện nay của chúng tôi là mở rộng sản xuất quy mô lớn", ông Zhulinskiy nói.

Học hỏi từ chính đối thủ

Những chiếc máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) sử dụng cáp quang đầu tiên của Nga xuất hiện từ đầu năm 2024. Ban đầu, nhiều chuyên gia hoài nghi về độ bền của cáp quang trong điều kiện chiến trường khắc nghiệt. Chuyên gia UAV Ukraine Serhii Flash từng nhận định loại UAV này chỉ có thể hoạt động ở cự ly rất ngắn. Tuy nhiên, khi chúng chứng minh được hiệu quả, Ukraine nhanh chóng học hỏi từ đối phương.

“Những nguyên mẫu thu được từ mùa hè năm 2024 đã truyền cảm hứng cho thiết kế của chúng tôi", ông Zhulinskiy chia sẻ.

3DTech bắt đầu bằng việc thay thế khung kim loại nặng được Nga sử dụng bằng khung carbon siêu nhẹ. Trong điều kiện chiến trường, từng gram trọng lượng đều quan trọng, đặc biệt khi UAV phải mang theo cả cuộn cáp. Việc phân bổ trọng lượng hợp lý cũng là yếu tố then chốt.

“Thiết kế UAV cáp quang đòi hỏi phân bổ trọng lượng cực kỳ chính xác. Chúng tôi gắn một cuộn cáp dài và khi cáp được thả ra, trọng lượng thay đổi, chúng tôi buộc phải tính toán lại vị trí lắp đặt linh kiện".

Ban đầu, giống như phía Nga, 3DTech sử dụng các cuộn cáp thương mại nhập từ Trung Quốc. Nhưng sau đó, họ phát hiện có thể tự sản xuất với chất lượng cao hơn.

“Cuộn cáp của chúng tôi đã được cải tiến: vỏ khí động học để giảm lực cản, kênh dẫn cáp với đầu kim loại đánh bóng để giảm ma sát và tĩnh điện”, ông Zhulinskiy nói.

Để tránh những rủi ro từ thiết bị nhập khẩu, công ty 3DTech hiện đã tự sản xuất cuộn cáp quang với thiết kế tiêu chuẩn, có thể lắp được trên nhiều loại UAV khác nhau, kể cả UAV điều khiển bằng sóng vô tuyến. Họ cũng chuyển sang sử dụng sợi cáp mỏng hơn là loại 0,25 mm (G657A2) thay cho loại 0,5 mm trước đây.

“Độ dày của sợi cáp không ảnh hưởng đến độ bền. Cuộn cáp 0,25 mm của chúng tôi có hiệu suất tốt hơn loại 0,5 mm. Hiện có nhiều loại sợi mới linh hoạt hơn, ít bị đứt hơn. Chúng tôi đang thử nghiệm để chọn loại hiệu quả nhất", ông Zhulinskiy cho biết.

“Hiện đang xuất hiện nhiều loại sợi cáp mới với độ linh hoạt cao hơn và ít nguy cơ bị đứt hơn. Chúng tôi đang thử nghiệm nhiều loại khác nhau để lựa chọn loại hiệu quả nhất. Dù vẫn phải nhập khẩu sợi thô nhưng chúng tôi đã có dây chuyền cuộn cáp và sản xuất vỏ cuộn trong nước. Như vậy, sản phẩm của chúng tôi gần như đã được nội địa hóa hoàn toàn. Chúng tôi cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu để không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia hay nhà cung cấp nào", ông Zhulinskiy tiết lộ.

3DTech cũng đã nâng cấp các thành phần khác như bộ điều khiển mặt đất. Với sự cải tiến về cuộn cáp, khí động học và chất lượng sợi, dòng UAV mới có thể được xem là "thế hệ tiếp theo của UAV cáp quang".

Lợi thế của UAV cáp quang

Có nhiều quan niệm sai lệch về giới hạn bay của UAV cáp quang nhưng theo ông Zhulinskiy, trên thực tế các trắc thủ điều khiển UAV không gặp nhiều khó khăn khi làm quen với loại thiết bị này.

“Các thao tác như tăng tốc, giảm tốc, bổ nhào, xoay vòng, lơ lửng và hạ cánh đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, trắc thủ cần lên lộ trình bay cẩn thận để tránh vướng vào đường thả cáp, đồng thời đảm bảo dây cáp không bị các phương tiện, bộ binh hay các UAV khác làm đứt".

Trên một số phương diện, cáp quang còn giúp việc điều khiển trở nên dễ dàng hơn. Với FPV điều khiển bằng sóng vô tuyến, phi công bắt buộc phải duy trì độ cao để tránh mất tín hiệu khi xuống dưới đường chân trời. Các vật cản như cây cối hay nhà cửa cũng có thể làm nhiễu sóng. Trong khi đó, UAV cáp quang duy trì tín hiệu hoàn hảo suốt hành trình. Nhờ vậy, UAV có thể bay vào trong các tòa nhà, đường ống, đường hầm hay thậm chí chiến hào để tìm kiếm mục tiêu.

“Kết nối bằng cáp quang cho phép UAV hoạt động trong các môi trường mà sóng vô tuyến không thể xâm nhập như vùng trũng hay không gian kín. Trên chiến trường, điều này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt: Chúng tôi đã xác nhận được nhiều mục tiêu trong không gian kín, boong ke hoặc các khu vực có tín hiệu radio yếu như rừng rậm", ông Zhulinskiy cho hay.

Khả năng bay sát mặt đất cũng mang lại một lợi thế chiến thuật đáng kể.

“Bay gần mặt đất cho phép UAV triển khai chiến thuật phục kích nhắm vào các tuyến hậu cần ở khu vực sau tiền tuyến", ông Zhulinskiy nói. Hiện có nhiều đoạn video ghi lại cảnh UAV phục kích của Ukraine phá hủy xe vận tải Nga đang di chuyển để tiếp tế cho tiền tuyến.

Một blogger Nga cảnh báo: “Chúng nằm chờ trong bãi cỏ rồi bật ra tấn công. Rất nhiều người tử trận vì những chiếc UAV mai phục như thế. Trước đây chưa từng xảy ra chuyện này".

Cải thiện tầm hoạt động

Những chiếc UAV cáp quang đầu tiên chỉ đạt tầm bay dưới 10 km. Hiện nay, nhiều mẫu đã có thể mang theo cuộn cáp dài 20 km nhưng công ty 3DTech đang đặt mục tiêu xa hơn nữa.

"Việc thiết kế UAV có thể thực hiện nhiệm vụ ở khoảng cách trên 20 km thực sự là một thách thức nghiêm trọng. Chúng tôi phát hiện không phải bộ chuyển đổi tín hiệu nào cũng có khả năng truyền đi xa đến vậy. Đồng thời, chúng tôi cần pin chất lượng cao hơn. Điều đó buộc phải tối ưu trọng lượng cuộn cáp và phát triển hệ thống động cơ - cánh quạt hiệu quả, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa bảo đảm khả năng nâng tải", ông Zhulinskiy chia sẻ.

Công nghệ không phải là vấn đề duy nhất. Hệ thống hành chính quân sự cũng gặp khó khăn với loại vũ khí mới này.

“Đáng tiếc là phía nhà nước chưa biết cách phân loại chúng khi không hề có phương pháp thử nghiệm dành riêng cho loại UAV này. Từ mùa thu đến mùa đông năm 2025, chúng tôi tập trung xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá", ông Zhulinskiy cho biết.

Các chuyên gia của 3DTech đã phối hợp với Bộ Quốc phòng và nhiều cơ quan liên quan để xây dựng quy trình kiểm tra và chứng nhận UAV đủ điều kiện đưa vào sử dụng.

“Hiện chúng tôi có 5 mẫu UAV đã được chuẩn hóa theo mã NATO, với tầm bay 10 - 20 km và 2 mẫu khác có thể đạt tới 30 km đang chờ được công nhận", ông Zhulinskiy nói.

Đây chưa phải là giới hạn cuối cùng. UAV cáp quang tầm hoạt động 40 km cũng được cho là hoàn toàn khả thi dù nhiều khả năng chúng sẽ là loại cánh cố định thay vì máy bay không người lái 4 cánh quạt.

3DTech cũng đang lên kế hoạch cải tiến các thành phần khác. Hiện tại, họ vẫn sử dụng camera độ phân giải thấp nhưng với băng thông lớn mà cáp quang cung cấp, hoàn toàn có thể tích hợp camera chất lượng cao hơn. Điều này sẽ giúp người điều khiển phát hiện mục tiêu từ xa và nhận diện chi tiết hơn, chẳng hạn như các tấm lưới ngụy trang dùng để chặn UAV.

UAV cáp quang của Ukraine hiện đã trở nên đáng tin cậy, hiệu quả hơn và có thể nhắm vào các mục tiêu ở khoảng cách xa hơn. Ông Oleksiy Zhulinskiy tiết lộ, hiện khoảng 10% UAV của Ukraine sử dụng cáp quang và con số này đang tăng nhanh.

“Mục tiêu của chúng tôi là nâng sản lượng lên ít nhất 10.000 chiếc mỗi tháng với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất để quân đội có trong tay những công cụ dồi dào và linh hoạt cho nhiều nhiệm vụ", ông Zhulinskiy khẳng định.

Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết hiện có 15 công ty trong nước đang sản xuất UAV cáp quang cùng với khoảng 20 doanh nghiệp khác cung ứng linh kiện. Sự đa dạng này tạo điều kiện cho các thiết kế mới liên tục ra đời và được ứng dụng nhanh chóng.

Một đạo luật mới cũng đã được thông qua nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp này bằng cách giảm thuế đối với linh kiện UAV cáp quang.

Nga có thể là nước đầu tiên đưa UAV cáp quang vào chiến trường nhưng người đi trước không phải lúc nào cũng là người chiến thắng sau cùng. Cả Ukraine và Nga hiện đều đang không ngừng chạy đua để giành ưu thế trong lĩnh vực này.

Từ khóa: ukraine, vũ khí ukraine, uav ukraine, uav cáp quang, chiến trường ukraine, át chủ bài, ukraine học hỏi từ nga, xung đột ukraine, máy bay không người lái

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: kiều anh/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập