Những điểm mấu chốt trong chính sách an ninh quốc phòng được điều chỉnh của Nhật Bản

Cập nhật: 25/09/2020

VOV.VN - Ông Abe Shinzo đột ngột từ chức sau 8 năm cầm quyền với lý do sức khỏe - Tân Thủ tướng Yoshihide Suga - đã cam kết sẽ tiếp tục các chính sách của người tiền nhiệm, cả trong lĩnh vực ngoại giao và an ninh quốc gia.

Củng cố khả năng quốc phòng

Trong suốt 8 năm cầm quyền, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo rất nỗ lực nhưng chưa đạt được mục tiêu sửa đổi điều 9 Hiến pháp đất nước Mặt Trời mọc. Mắc kẹt giữa một Trung Quốc đang lên và khó lường, một Triều Tiên bí ẩn, Nhật Bản được cho là đang đi theo hướng tự tăng cường khả năng quân sự. Vài tháng trước khi thông báo từ chức, ông Abe khởi động việc thay đổi chính sách quốc phòng, theo đó, có thể lần đầu tiên cho phép quân đội nước này tấn công các mục tiêu trên đất liền tại các quốc gia khác.

Thay đổi chính sách sẽ cho phép Nhật Bản tạo ra một học thuyết quân sự tấn công, đòi hỏi phải mua sắm những hệ thống vũ khí tầm xa. Nếu được thông qua, chính sách mới sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất về quan điểm quân sự của Nhật Bản từ sau Thế chiến II, phản ánh tham vọng và mối quan ngại ngày càng lớn của Tokyo về ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh ở khu vực, đặc biệt là lo ngại trước hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông cũng như các khu vực khác.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản muốn có một ngân sách lớn hơn để phát triển các công nghệ mới và đào tạo nhân viên, đồng thời đề xuất thành lập một đơn vị tác chiến điện tử chuyên dụng, không gian mạng và vũ trụ nhằm đối phó với Nga và Trung Quốc. Đơn vị tác chiến điện tử mới thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất sẽ có trụ sở ở Asaka, được thiết kế để ngăn chặn các cuộc tấn công của kẻ thù bằng cách sử dụng sóng điện từ để gây nhiễu, cản phá và gây tê liệt tín hiệu radio, hệ thống định vị GPS.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng chú trọng đầu tư cho việc phát triển các động cơ phản lực mới, đồng thời cân nhắc hợp tác với các công ty Mỹ và Anh chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, dự kiến được triển khai vào năm 2035 nhằm thay thế các máy bay F-2 hiện tại. Thay thế cho chương trình lá chắn tên lửa Aegis Ashore do Mỹ phát triển bị Nhật Bản tạm dừng triển khai vào tháng 6, Bộ Phòng vệ sẽ lựa chọn nhiều phương án thay thế vào cuối năm như đóng các tàu trang bị Aegis mới hoặc xây dựng các cơ sở chống tên lửa ngoài khơi.

Theo asia.nikkei.com, ngày 21/9, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đề nghị một khoản kỷ lục đến 5,4 nghìn tỷ yen (51,6 tỷ USD) cho ngân sách tài khóa 2021, sẽ là năm thứ 9 liên tiếp tăng, nhằm phù hợp với bối cảnh an ninh khu vực Đông Á đang thay đổi nhanh chóng, bao gồm việc Trung Quốc lấn lướt tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Thủ tướng Suga Yoshihide hứa sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm nhằm tăng cường năng lực của Nhật Bản trong những lĩnh vực mới.

Xuất khẩu sản phẩm và hợp tác quốc phòng

Vào tháng 8, Nhật Bản đã ký một thỏa thuận liên chính phủ để xuất khẩu các radar giám sát hàng không tiên tiến cho Philippines. Hợp đồng trị giá 103,5 triệu USD này được coi là hợp đồng xuất khẩu sản phẩm quốc phòng hoàn chỉnh đầu tiên thời hiện đại và tròn 6 năm sau khi chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ các hạn chế bán vũ khí ra nước ngoài. Trước đó, kể từ năm 1967, Nhật Bản chỉ xuất khẩu các bộ phận vũ khí, chẳng hạn như con quay hồi chuyển dùng trong tên lửa Patriot.

Các radar được cho là ba hệ thống quét điện tử chủ động (active electronically scanned array - AESA) J/FPS-3ME cố định và một hệ thống J/TPS-P14ME di động do Tập đoàn Mitsubishi Electric (MELCO) chế tạo, được tối ưu hóa để giám sát trên không từ độ cao trung bình đến cao.

Từ năm 1951 và thời điểm Mỹ - Nhật ký Hiệp ước An ninh chung, Nhật Bản luôn dựa vào Mỹ về an ninh. Đến năm 1960 và sau khi hai bên đánh giá lại thỏa thuận, Quốc hội và Chính phủ Nhật đã quyết định sẽ tôn trọng nguyên tắc “chính sách định hướng quốc phòng độc nhất”. Mỹ sử dụng căn cứ tại Nhật để bảo vệ quốc gia đồng minh này, đồng thời tăng cường năng lực quân sự trên toàn cầu; quốc gia chủ nhà Nhật hỗ trợ và tập trung vào tự bảo vệ lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, tình hình địa chính trị chiến lược của Nhật đã thay đổi đáng kể trong vài năm qua - Bắc Kinh ngày càng khó lường, Triều Tiên tiếp tục mở rộng kho tên lửa và hạt nhân. Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Mỹ Trump hôm 20/9, tân thủ tướng Nhật Bản Suga khẳng định tầm quan trọng và khẳng định quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ là "nền tảng cho hòa bình và ổn định tại khu vực". Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở, cũng như về sự rạn nứt ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tham gia “Ngũ Nhãn”

Nhóm Ngũ Nhãn (Five Eyes) là một liên minh chia sẻ thông tin tình báo quốc tế giữa các nước có mối quan hệ lịch sử-văn hóa sâu sắc, gắn với di sản Anglo-Saxon và đều sử dụng chung ngôn ngữ tiếng Anh, gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Canada, Australia và New Zealand. Các nước Ngũ Nhãn cũng có mối quan hệ ngoại giao bền chặt trên cơ sở chia sẻ thông tin tình báo và cùng đưa ra các tuyên bố chung về các vấn đề cùng quan tâm, khuôn khổ tình báo cũng cho phép họ cùng nhau giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu và mảnh vỡ không gian.

Một số thành viên của Five Eyes cũng đang tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản để chia sẻ thông tin mật nhằm đối phó với mở rộng của Trung Quốc. Anh đang cảnh giác trước Trung Quốc trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ngoại giao về vấn đề Hong Kong và đại dịch Covid-19; London cũng tìm cách tận dụng thông tin mà Nhật Bản sở hữu. Dù không phải là thành viên chính thức, Nhật Bản vốn đã chia sẻ thông tin với nhóm này.

Mới đây, Nhật Bản mong muốn trở thành thành viên liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn, để có thể chia sẻ thông tin sớm hơn và nhận được thông tin tình báo tuyệt mật từ Mỹ và các đồng minh. Nhật Bản không cho rằng nước này cần trải qua một số thủ tục nhất định để gia nhập với tư cách là thành viên chính thức vì nhóm Ngũ Nhãn không phải là một tổ chức quốc tế. Ngày 16/9, Thủ tướng Anh Johnson hoan nghênh khả năng Nhật Bản gia nhập liên minh tình báo Ngũ Nhãn, nhấn mạnh về cơ hội đưa những nền dân chủ có cùng chí hướng tập hợp với nhau.

Trước đó, trong một tuyên bố, dù cựu Thủ tướng Abe không đề cập tới năng lực phòng thủ nhưng hé lộ thông tin, cuối năm nay chính sách quốc phòng mới sẽ được ra mắt, và giới quan sát nhận định, Tokyo sẽ không thu mình phòng thủ mà nâng cao khả năng tấn công, và như một hệ lụy, sự ổn định khu vực Đông Á sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Xét tình trạng thù địch về chính trị và lịch sử giữa Nhật Bản với các nước láng giềng, việc tăng cường năng lực tấn công sẽ làm gia tăng căng thẳng, thậm chí có thể đẩy lên thành cuộc đua vũ khí, cụ thể là với Trung Quốc.

Trước đây, khi Tokyo hé lộ khả năng ra mắt tàu có năng lực phòng thủ tên lửa, dư luận ở Trung Quốc cho rằng, động thái đó có thể kích hoạt cuộc đua trang bị tên lửa, gây tổn hại nghiêm trọng an ninh và hòa bình khu vực. Chính sách mới của đất nước Mặt Trời mọc cũng tác động tới động lực liên minh Nhật-Mỹ bởi một khi Tokyo sở hữu năng lực có thể tự động tấn công lãnh thổ của quốc gia thù địch, khả năng Washington kiểm soát Tokyo trong những mối quan hệ căng thẳng giữa Nhật với các nước láng giềng theo đó sẽ suy giảm./.

Từ khóa:

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập