Những địa danh kiến trúc lịch sử của Thủ đô Hà Nội
Cập nhật: 10/10/2020
(VOV5) -Hà Nội là thành phố vừa cổ kính vừa hiện đại, có rất nhiều nơi để du khách trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu lịch sử của thủ đô hơn một nghìn năm tuổi.
|
Năm 1010, tại kinh đô Hoa Lư, vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô để thiên đô về thành Đại La và đổi tên kinh thành này là Thăng Long. khi mới định đô Thăng Long, Lý Thái Tổ đã khởi công xây dựng Hoàng Thành và hàng loạt cung điện ở trong Hoàng Thành. Hoàng thành đắp bằng đất, phía ngoài có hào, mở 4 cửa: Tường Phù ở phía đông, Quảng Phúc ở phía tây, Đại Hưng ở phía nam, Diệu Đức ở phía bắc... Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. |
|
Nếu như nhắc tới Hoàng Thành Thăng Long là nhắc tới sự kiện vua Lý Thái Tổ dời đô về Đại La, xây dựng cơ nghiệp. Thì Quảng trường Ba Đình của Thủ đô Hà Nội chính là nơi đãghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Quảng trường Ba Đình ngày nay có khuôn viên với chiều dài 320 m và rộng 100 m, có 210 ô cỏ. Đây là nơi diễn ra các cuộc diễu hành nhân dịp các ngày lễ lớn của Việt Nam, và cũng là một địa điểm tham quan, vui chơi, dạo mát của du khách và người dân Hà Nội. |
|
Một biểu tượng khác của Hà Nội, đó là Khuê Văn Các, thuộc khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đâylà một lầu vuông tám mái, bao gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ, cao gần chín thước được xây dựng vào năm 1805. Kiểu dáng kiến trúc Khuê Văn Các rất hài hòa và độc đáo. Tầng dưới là 4 trụ gạch vuông, mỗi cạnh của trụ có chiều dài một mét và trên các mặt trụ đều có chạm trổ các hoa văn rất tinh vi và sắc sảo. Tầng trên là kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng trừ mái lợp và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc là bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát có độ bền cao.. |
|
Một di tích khác thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan là Chùa Trấn Quốc. Chùađược xây dựng vào thời vua Lý Nam Đế (năm 541-547), tại thôn Yên Hòa, bên dòng sông Hồng và mang tên Khai Quốc (mở nước). Đến thời vua Lý Nhân Tông, ngôi chùa uy nghiêm được chọn làm nơi đàm đạo giữa Thái Hậu Ỷ Lan và các vị cao tăng. Gần đây, Chùa đã đượcược trang du lịch nổi tiếng thế giới National Geographic bình chọn là 1 trong 10 ngôi chùa đẹp nhất thế giới. |
|
Từ chùa Trấn Quốc đi dọc theo đường Thanh Niên, du khách sẽ được ngắm nhìn khung cảnh của một trong những hồ đẹp, nổi tiếng của thủ đô: Hồ Tây. Vẻ đẹp của hoàng hôn buông xuống trên mặt hồ Tây đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các nhạc sĩ, nhà thơ đưa vào trong sáng tác của mình... |
|
Một địa điểm tuyệt vời khác để ngắm hoàng hôn tại Hà Nội là trên cầu Long Biên. Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng từ năm 1898 tới 1902. Cầu dài 2.290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m. |
|
Cách cầu Long Biên không xa là là cầu Chương Dương. Được xây dựng vào những năm 80 của thế kỷ 20, cầu Chương Dương là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài. Cầu có chiều dài 1.230m, gồm 21 nhịp, 11 nhịp thép; 10 nhịp bê tông trong đó 7 nhịp ở phía Hà Nội và phía Gia Lâm có 3 nhịp. |
|
Một cây cầu mới được xây dựng, nhưng không kém phần nổi tiếng của Hà Nội chính là cầu Nhật Tân. Kết cấu nhịp của cầu chính theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi. Cầu được xem là biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô, và cũng tượng trưng cho 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân - Hà Nội. |
|
Nếu nói những con đường và những cây cầu là những mạch máu chính của thủ đô, thì Hồ Hoàn Kiếm cũng có thể được ví như trái tim của Hà Nội. Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa thần sau khi mượn được và đánh tan giặc Minh. |
|
Bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm là Khu phố cổ Hà Nội. Đây là khu vực đô thị có từ lâu đời của Hà Nội nằm ở ngoài hoàng thành Thăng Long xưa. Khu đô thị này tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành lên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. Ngày nay khu phố cổ Hà Nội là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. |
|
Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc lớn của thủ đô để phục vụ biểu diễn nghệ thuật. Nhà hát tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, không xa hồ Hoàn Kiếm.Ngay từ khi hoàn thành, Nhà hát Lớn đã giữ vai trò một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của thủ đô, nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật. |
|
Mặc dù là một công trình kiến trúc mang tính chiết trung, được pha trộn nhiều phong cách, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang đậm dáng vẻ Tân cổ điển Pháp, đặc biệt ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong. Sau một thời gian dài bị xuống cấp, công trình lấy lại được vẻ đẹp xưa cũ sau đợt trùng tu từ năm 1995 đến năm 1997, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Pháp ngữ. Ngày nay, Nhà hát Lớn là một trong những địa điểm biểu diễn quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, được những người làm nghệ thuật coi như một "ngôi đền" dành cho nghệ thuật cổ điển. |
|
Ngoài cách công trình lịch sử, Hà Nội vẫn đang liên tục phát triển, những kiến trúc mới liên tục được xây dựng, phục vụ nhu cầu sinh sống, hoạt động của người dân thủ đô. Ảnh: Những kiến trúc hiện đại tại khu vực Tràng Tiền -quảng trường Cách mạng tháng Tám. |
|
Các khu đô thị mới như Royal City, Time City, Stars Lake... với kiến trúc hiện đại, tích hợp nhiều trung tâm thương mại, khu vui chơi cũng là nét đẹp mới, trẻ trung và hiện đại của thủ đô ngàn năm văn hiến. Ảnh: Ánh sáng từ những căn hộ chung cư thuộc khu đô thị Royal City. |
|
Từ đại lộ Thăng Long đi vào trung tâm thành phố, du khách sẽ thấy được những tòa nhà cao tầng với ánh sáng lung linh, tràn đầy hơi thở hiện đại. Ảnh: Khu đô thị Trung Hòa nhìn từ hướng đại lộ thăng Long.
|
|
Kể từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô tới nay là vừa tròn 1010 năm. Suốt hơn một ngàn năm qua, Thủ đô luôn không ngừng phát triển ngày một giàu đẹp, hiện đại hơn những vẫn gìn giữ bảo tồn những di tích, công trình kiến trúc minh chứng cho lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng./. |
Từ khóa: VOV,VOVworld,VOV5,địadanh,côngtrình,kiếntrúc,hànội,thănglong,thủđô
Thể loại: Tổng hợp Video
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5