Những đêm nhạc Phú Quang chỉ còn trong miền ký ức...

Cập nhật: 09/12/2021

VOV.VN - Năm nay, khi những cơn gió heo may rồi gió mùa đông bắc tràn về, chưa có đêm nhạc nào của nhạc sĩ Phú Quang được tổ chức, khán giả đã phải nói lời tiễn biệt với ông...

Cứ mỗi dịp chớm thu đầu đông, năm nào cũng vậy, người yêu âm nhạc Hà Nội lại háo hức, chờ đợi thưởng thức những đêm nhạc Phú Quang. Họ mong chờ được thấy hình ảnh người nhạc sĩ quen thuộc ngồi bên cây dương cầm, đệm đàn cho các nghệ sĩ trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội hay Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô... run run kể những câu chuyện tình, những nỗi nhớ Hà Nội.

Có người ví sự chờ đợi đó như “cô gái chờ đợi người yêu khi đến hẹn, như người ta mơ mộng nhớ về tình đầu xanh biếc, như người phụ nữ cồn cào nhớ những yêu thương"… Thế nhưng hơn một năm nay, sự chờ đợi đó vẫn rơi vào lặng thinh... Và rồi, Phú Quang đã "trở về Hà Nội nhưng lại vội vã ra đi"…

Nhạc sĩ Phú Quang bắt đầu làm đêm nhạc riêng từ năm 1985, từ đó đến nay tính ra đã hơn 30 năm. Năm nào cũng phải là thu, đều đặn thường niên, ít nhất 2 đêm, có năm 4 đêm. Phải là thu vì Phú Quang cho rằng Hà Nội đẹp nhất, thật nhất là lúc cuối thu, là khi mùa đông vừa chớm đến. Đó là thời điểm gió heo may bất chợt ùa về, cái lạnh bắt đầu lùa trong gió, mùi rét mướt thấm dịu dàng vào da thịt, đủ cho người ta cần nhau, yêu nhau, thương nhau hơn trong cuộc đời. 

Phú Quang yêu mùa thu đến vậy nên mỗi độ thu sang, ông mong muốn trở về Hà Nội, ngồi bên cây đàn piano trên sân khấu, sẵn sàng làm “một ca sĩ tồi nhất” trong đêm nhạc của mình, hát tặng khán giả những bài hát mà ông gửi gắm rất nhiều tình yêu cuộc sống của mình. Bởi với Phú Quang, Hà Nội và khán giả nơi đây, ân tình nói đến bao nhiêu cũng không đủ.

"Hàng năm tôi đều tổ chức những đêm nhạc về Hà Nội như một lời tri ân sâu sắc đến nơi đã nuôi dưỡng, bao dung và lúc nào cũng dang rộng vòng tay đón tôi trở về. Hà Nội hôm nay tấp nập hơn nhưng tình yêu của tôi thì vẫn không đổi, bởi vì tình yêu thì không thể toan tính, không thể sắp đặt mà chỉ có thể cống hiến hết mình", nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ. 

Đặc biệt có một năm, Phú Quang tổ chức đêm nhạc vào giữa mùa hè. Đó cũng là đêm nhạc mùa hè duy nhất của ông. Nhưng đêm nhạc ấy không gắn với nắng chói chang mà vẫn là bảng lảng mơ mộng: "Giá trời đừng mưa... Và anh đừng nhớ..."; đêm nhạc ấy vẫn mang cái không khí đêm "thu chớm đông sang" hơi se lạnh của Hà Nội tràn ngập, làm cho mọi người chìm đắm hơn trong cái buồn man mác của nhạc Phú Quang, để rồi tìm thấy cho riêng mình một chút gì của ký ức, của những hoài niệm xưa cũ...

Phú Quang yêu Hà Nội và Hà Nội cũng yêu Phú Quang. Phú Quang tổ chức đêm nhạc nào cũng cháy vé từ sớm, khán phòng Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô... lúc nào cũng chật kín khán giả. Năm trước người ta đã nghe, rồi năm sau, năm sau nữa họ vẫn đến, vẫn nghe lại, nghe mãi những ca khúc về Hà Nội của Phú Quang. Họ nghe để tìm thấy một Hà Nội xưa, một Hà Nội cổ kính, bình yên, đẹp đẽ trong "Em ơi Hà Nội phố", "Im lặng đêm Hà Nội", "Hà Nội ngày trở về", "Chiều phủ Tây Hồ", “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”, "Về lại phố xưa",…

Qua những ca khúc của ông, khán giả dường như được chìm vào trong ký ức, được sống chậm lại và cảm nhận một Hà Nội khác. Không phải Hà Nội hiện đại, xô bồ với nhịp sống hối hả mà là Hà Nội trữ tình, yên bình, lịch lãm với sự lãng mạn của mùa thu, nét rêu phong của những hàng phố cũ, những mái nhà cổ thánh thót tiếng dương cầm, một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may, một Hà Nội đêm cuối mùa thu trăng lạnh mờ sương… 

Trong đêm nhạc của mình, Phú Quang nói nhiều về nỗi nhớ Hà Nội. Kể khi trở về với vòng tay của mảnh đất quê hương, nỗi nhớ trong ông vẫn không khi nào nguôi ngoai. Phú Quang nói, nỗi nhớ nhiều khi chỉ từ những điều tưởng như nhỏ bé. Một thảm lá sấu vàng rực trên hè phố, làn sương giăng mờ trắng mặt hồ trong đêm lạnh mùa đông, một tiếng thì thầm đến nao lòng của dòng sông Hồng ngày nước cạn…Phú Quang đã chọn lọc những gì Hà Nội nhất, mang tính biểu đạt nhất mà chỉ người Hà Nội mới nhận ra rõ rệt nhất để đưa vào âm nhạc. Hà Nội đẹp trong mắt Phú Quang và cũng thật nhất trong mắt Phú Quang.

Đêm nhạc của Phú Quang bao giờ cũng kéo dài, hơn 3 tiếng đồng hồ nhưng cho đến phút cuối cùng dù đã rất muộn, khán giả vẫn ở lại lắng nghe những câu chuyện kể. Tình yêu dào dạt, nỗi nhớ Hà Nội có lẽ là điểm chung của Phú Quang và rất nhiều khán giả. Bởi vậy, dù những ca khúc trong đêm nhạc có cũ, có lặp đi lặp lại, thậm chí có những bản phối khí không hề mới, người hát vẫn cũng vẫn là những gương mặt cũ nhưng khán giả chẳng ai thấy chán, họ vẫn say mê, vẫn mê đắm không gian ấy, âm nhạc ấy, con người ấy.

Đã từng trong một đêm nhạc, ông bảo: “Chừng nào khán giả còn tình nguyện đến với tôi, nghe những bài hát cũ, là bởi họ còn thấy bài hát đó hay, còn nói một điều gì đó về chính cuộc đời họ. Liên tục những bài hát mới, nếu có tốt thôi, nhưng nếu nó không mang đến cảm xúc đáng kể cho người nghe, thì mới có nghĩa lý gì. Tôi vẫn sẽ bán những cái cũ chừng nào còn có người mua. Và tôi yêu thích điều đó, tự tin vì điều đó”.

Những năm cuối đời, sức khỏe của Phú Quang giảm sút mạnh. Những nhà tổ chức vẫn đều đặn làm những đêm nhạc của ông nhưng khán giả khó có thể thấy bóng dáng ông trên sân khấu, lướt đôi tay mình trên phím đàn để đệm cho ca sĩ hát. 

Và năm nay, khi cơn gió heo may rồi gió mùa đông bắc tràn về, khi chưa có đêm nhạc nào của ông được tổ chức, khán giả đã phải nói lời tiễn biệt với ông - một con người dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng hồn cốt lại là Hà Nội. Dù ông đã đi xa, nhưng có lẽ, những câu chuyện về Hà Nội, những ký ức về Hà Nội trong ông, những "Em ơi, Hà Nội phố", " Nỗi nhớ mùa đông", "Hà Nội ngày trở về", "Về lại phố xưa"... sẽ còn mãi trong lòng khán giả./.

Từ khóa: phú quang, đêm nhạc phú quang, nhạc sĩ phú quang, hà nội phú quang, em ơi hà nội phố, nỗi nhớ mùa đông, hà nội ngày trở về, về lại phố xưa, liveshow phú quang, thanh lam, tấn minh, đức tuấn

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập