Triển lãm “Chúng tôi kể chuyện gốm” đang diễn ra tại Hanoi Studio Gallery, 13 Tràng Tiền, Hà Nội. Đây là câu chuyện cuối năm 2020 và mở đầu cho năm 2021 của Hanoi Studio Gallery. Bộ sưu tập được 16 tác giả điêu khắc và họa sỹ của mỹ thuật Việt Nam và quốc tế chuẩn bị trong năm qua. Những nhấn nhá, chạm vuốt tinh tế lên hình, khối, những chất liệu nằm lòng của đồng, sắt được các nhà điêu khắc kết hợp với gốm.
|
Bộ sưu tập mang tựa đề "Thì Thầm" của nghệ sĩ Đỗ Hiệp. |
|
Tác phẩm điêu khắc "Gốm và Đèn" của Nguyễn Ngọc Lâm. |
Triển lãm có sự tham gia của các tác giả: Hoàng Nghĩa Hiệp, Lê Đình Nguyên, Petra De Vree, Vũ Đình Tuấn, Phạm Hà Hải, Lê Lạng Lương, Khổng Đỗ Tuyền, Nguyễn Ngọc Lâm, Phạm Thái Bình, Trần An, Phạm Tuấn Tú, Hoàng Mai Thiệp, Đỗ Hiệp, Nguyễn Duy Mạnh, Thái Nhật Minh, Lê Anh Vũ. Bộ sưu tập gốm là hội tụ phẩm chất nghệ thuật, nét duyên, sự ngẫu hứng, xuất thần của các nghệ sỹ, điêu khắc gia trên những tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm nhiều ứng dụng trong đời sống. Đất, nước, men, lửa… cả một quá trình nghiên cứu vừa nghiêm ngặt vừa công phu, nhiều sáng tạo.
Chị Dương Thu Hằng, Giám đốc nghệ thuật của Hanoi Studio Gallery, cho biết: “Cách cư xử với gốm vẫn theo con đường truyền thống. Đó là gốm phải qua lửa, gốm phải có men, gốm phải được nhào nặn và gốm phải được vuốt nhưng để ra một sản phẩm mang được tinh thần, thông điệp của những tác giả đương đại; đấy là câu chuyện nghệ thuật mà chúng tôi muốn nói.”
|
Tác phẩm Vùng Mờ Sương bằng gốm sa mốt của tác giả Lê Lạng Lương. |
Tại triển lãm, các tác giả đều có câu chuyện của mình với gốm; vì vậy, cuộc triển lãm có tên là “Chúng tôi kể về gốm”. Mỗi người có cách tiếp cận với gốm khác nhau và mỗi người có câu chuyện được, mất, thành công hay thất bại với gốm. Những câu chuyện này đều đáng để kể.
Họa sĩ Phạm Hà Hải “kể chuyện” qua 2 chiếc bình gốm men ngà, trên đó có điểm xuyết những nét bút phóng khoáng. Tác phẩm này khá đồng nhất phong cách với những bức trừu tượng ông vẫn vẽ. Chúng cũng cùng mạch vẽ lại những truyền thuyết, cổ tích Việt của ông trong thời gian gần đây.
Thay vì tạo ra những con chim 3D như trước đây, họa sĩ Thái Nhật Minh lại dàn mỏng chúng thành 2D trên bề mặt bình gốm trắng men lam. Họa sĩ Thái Nhật Minh cho biết: “Đây là một thời kỳ khác, kể cả trong tác phẩm khác lẫn trong triển lãm này, tôi muốn tìm một không gian mới”.
|
Tác phẩm của nhà điêu khắc “chuyên chim” Thái Nhật Minh |
|
Trong khi đó, Vũ Đình Tuấn đưa những bức vẽ rất huê tình lên đĩa gốm. Đây cũng là một đề tài mới mà anh vừa giới thiệu với công chúng trong triển lãm lụa cách đây vài tháng. |
Họa sĩ Phạm Hà Hải chia sẻ: “Chúng tôi chọn những chất liệu quá quen thuộc, truyền thống. Gốm Bát Tràng, men lam”. Triển lãm “Chúng tôi kể chuyện gốm” cũng đánh dấu nửa năm các họa sĩ làm việc tại làng gốm Bát Tràng. Họ muốn dùng chất liệu truyền thống này để kể câu chuyện mang màu sắc cá nhân của mình. Qua đó có thể thấy sức thể hiện của gốm truyền thống rất dồi dào.
“Mùa thu năm 2020, chúng tôi khởi động một dự án gốm quy tụ các nghệ sĩ đương đại trong nước và cả nghệ sĩ nước ngoài. Hàng ngày, chúng tôi học tập lẫn nhau, trao đổi về chuyên môn và mỗi người có câu chuyện của mình. Chúng tôi gặp nhau ở những công việc của đất, lửa và đó là những cuộc trải nghiệm giữa những suy tư, kỹ năng cá nhân và điều kiện kỹ thuật mà tất cả những người làm gốm đều cùng trải nghiệm.” – Họa sĩ Phạm Hà Hải cho biết.
|
Nghệ sĩPetra De Vree tham dự triểm lãm với những tác phẩm độc đáo của mình. |
|
Tác phẩm mang tên "Chắc chắn" củaPetra De Vree. |
Triển lãm “Chúng tôi kể chuyện gốm” cho thấy sức sáng tạo cá nhân của từng nghệ sĩ và sự ấm áp của chất liệu truyền thống. Qua triển lãm, các tác giả cũng mong muốn người xem hiểu hơn về gốm cũng như vẻ đẹp của gốm./.