Mô hình Condotel tại Cocobay “vỡ trận”, luật sư nói gì?
Cập nhật: 29/11/2019
Tổ quốc luôn dang rộng vòng tay để kiều bào gánh vác việc nước (22/1/2025)
Ngày cuối cùng của Tổng thống Biden ở Nam Carolina trước khi kết thúc nhiệm kỳ
VOV.VN - Nhiều nhà đầu tư đang rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan", khi Tập đoàn Empire đơn phương chấm dứt chi trả lợi nhuận 12%/năm như cam kết.
Loại hình Condotel chưa được pháp luật ghi nhận?
Mới đây,Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire)- Chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng đưa ra tuyên bố chấm dứt cam kết lợi nhuận 12%/năm đối với các khách hàng mua Condotel tại Cocobay. Chỉ ít ngày sau tuyên bố này, nhiều nhà đầu tư đã tập trung, mang theo băng rôn phản đối trước trụ sở của Tập đoàn Empire tại Hà Nội.
Nhiều nhà đầu tư tỏ ra bức xúc vì đã vay nợ ngân hàng để mua Condotel, bởi tin tưởng Tập đoàn Empire có thể mang về mức lợi nhuận "trong mơ" như đã cam kết. Nhưng mới chỉ nhận được lợi nhuận trong vòng 2 năm thì giờ đây, chủ đầu tư đã đơn phương tuyên bố chấm dứt chi trả.
Khách hàng của Cocobay mang băng rôn phản đối chủ đầu tư - Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire). (Ảnh: Báo Thời đại) |
Do tuyên bố "vỡ trận" không thể thực hiện lời hứa cam kết lợi nhuận với khách hàng, Tập đoàn Empire đã đưa ra một số hướng giải quyết đối với các nhà đầu tư đã mua Condotel tại Cocobay Đà Nẵng.
Cụ thể, chủ đầu tư thanh lý hợp đồng mua bán và giao lại các sản phẩm Condotel cho khách hàng để tự kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng mà không có bất kỳ một khoản lợi nhuận cam kết nào như đã ký trước đây. Đồng thời khách hàng nếu tự kinh doanh thì phải đóng một khoản phí vận hành, sử dụng nhất định.
Một phương án khác làhai bên tiến hành thanh lý các Condotel đã ký hợp đồng, chủ đầu tư hoàn lại tiền cho khách hàng theo nguyên giá trong hợp đồng đã ký, nhưng Tập đoàn Empire sẽ khấu trừ một số khoản như: chi phí hỗ trợ lãi vay ngân hàng, chi phí hoa hồng, phí phát hành bảo lãnh…và khách hàng bàn giao lại sản phẩm cho Tập đoàn Empire.
Đáng chú ý nhất là giải pháp, khách hàng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư và tiến hành chuyển đổi các Condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ và được toàn quyền sử dụng như một căn hộ chung cư bình thường. Chủ sở hữu cũng có thể giao lại cho chủ đầu tư căn hộ đó để tiếp tục kinh doanh với những cam kết về thu nhập cố định hàng năm.
Nhận định về giải pháp của chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng nêu trên, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Công Luật TAT Law firm cho rằng: “Hiện nay, loại hình Condotel chưa được pháp luật ghi nhận. Bản chất của nó chính là khách sạn, một sản phẩm nghỉ dưỡng du lịch, lưu trú. Cho nên, nếu chọn giải pháp trả chi phí chuyển đổi 15% thì việc bế tắc sẽ còn kéo dài”, luật sư Thảo nói.
Theo luật sư Thảo, Cocobay Đà Nẵng là một dự án về du lịch lưu trú được chính quyền địa phương cấp phép. Đất sử dụng trong trường hợp này chính là đất sản xuất kinh doanh, đất thương mại dịch vụ đã được nhà nước quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Cho nên, việc chuyển đổi thành nhà ở là điều bất hợp lý.
Nhà đầu tư có thể kiện nhưng cơ hội thắng rất "mơ hồ"
Nhận định thêm về các giải pháp chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng đưa ra, vị luật sư này cũng cho rằng, một chi tiết hết sức vô lý là nếu khi chuyển sang đất ở, nhà ở thì người mua nhà lại phải chịu thêm phí tổn 15% giá trị mua bán, đây chính là một sự đánh đố nhằm trục lợi của chủ đầu tư.
“Tôi hiểu rằng, công ty này có ý định thu 15% là để dự phòng chuẩn bị chi trả cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất kinh doanh dịch vụ sang đất ở. Như vậy, là người mua bất động sản phải bỏ tiền ra để mua bất động sản của mình”, luật sư Thảo nhấn mạnh.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo. |
Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, luật sư Thảo nhấn mạnh: “Chúng ta đều biết rằng, việc xây dựng hoặc bán Condotel là không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, nhưng không có cơ quan nào lên tiếng cảnh báo hay ngăn chặn và hậu quả như đến ngày hôm nay.”
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty luật BASICO nhận định: "Khách hàng của Cocobay Đà Nẵng có quyền khởi kiện Tập đoàn Empire, vì không tuân thủ cam kết trong thỏa thuận. Khách hàng khởi kiện thì tòa sẽ thụ lý. Tất nhiên, thụ lý rồi tòa có chấp nhận không, chấp nhận đến đâu thì lại là chuyện khác".
Theo luật sư Trương Thanh Đức, trong trường hợp nào thì cửa thắng của nhà đầu tư cũng rất mơ hồ. Ngay cả khi tòa tuyên nhà đầu tư thắng kiện thì việc Tập đoàn Empire có khả năng trả lại tiền hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn./.
Triệu phú Việt “sa lầy” 600 tỷ ở Cocobay Đà Nẵng
Từ khóa: Cocobay, Condotel, Đà Nẵng, tập đoàn Empire, Thành Đô
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN