Lữ đoàn “thép” 162 bảo đảm kỹ thuật sẵn sàng chiến đấu trên biển
Cập nhật: 11/10/2023
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Những năm qua, bên cạnh làm chủ vũ khí trang bị, cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân luôn đảm bảo kỹ thuật vũ khí trang bị tàu thuyền cho nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu.
Là đơn vị tàu mặt nước chiến đấu hiện đại nhất Quân chủng Hải quân, được biên chế đội hình nhiều lớp tàu mặt nước chiến đấu hiện đại, số lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) lớn, đa dạng về chủng loại. Những năm qua, bên cạnh làm chủ vũ khí trang bị, cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, phát huy tốt nguồn nhân lực hiện có, huấn luyện chuyên sâu, đồng bộ; cùng với đó công tác đảm bảo kỹ thuật vũ khí trang bị tàu thuyền cho nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra trinh sát, đối ngoại quốc phòng…bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của tổ quốc luôn được Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn chú trọng.
Sau những ngày sôi nổi tham gia đua tài tại Hội thi tàu chính quy mẫu mực, hội thao huấn luyện tàu mặt nước năm 2023 và đạt nhiều giải cao khối tàu chiến đấu, đội tàu Lữ đoàn “thép” lại chuẩn bị cho đợt huấn luyện, diễn tập mới. Tại Quân cảng Lữ đoàn 162 (Căn cứ Quân sự Cam Ranh), trên mỗi tàu, cán bộ chiến sĩ đang tổ chức thực hiện kế hoạch bảo quản dự phòng, kiểm sửa định kỳ theo tuần, tháng, quý, 9 tháng, năm và các nhiệm vụ đột xuất.
Theo Thượng tá Phạm Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162: Các tàu của Lữ đoàn thường xuyên hoạt động trong môi trường chịu tác động trực tiếp của độ mặn nước biển. Đây là yếu tố có tác động lớn tới tuổi thọ và tính ổn định của VKTBKT. Một số VKTB đã xuống cấp sau nhiều năm khai thác sử dụng, tính đồng bộ không cao, vật tư đặc chủng khan hiếm là những khó khăn trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Vì thế công tác đảm bảo an toàn kỹ thuật luôn được Lữ đoàn quan tâm, đặt lên hàng đầu với nhiều giải pháp. Lữ đoàn đã tổ chức huấn luyện cho mọi quân nhân nắm chắc tính năng kỹ chiến thuật, quy trình khai thác, sử dụng VKTBKT; bố trí cán bộ, nhân viên kỹ thuật học tập nâng cao trình độ khi tàu đi sửa chữa tại các nhà máy.
Điểm nhấn trong công tác bảo đảm kỹ thuật ở Lữ đoàn 162 đó là việc duy trì rất có hiệu quả hoạt động của Tổ sửa chữa cơ động ở tất cả các chuyên ngành với nguồn nhân lực là đội ngũ cán bộ cơ quan chuyên môn, sỹ quan ngành được đào tạo chính quy tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội hoặc được đào tạo ở nước ngoài, cùng đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật có trình độ tay nghề cao, tâm huyết, tận tuỵ với công việc. Nhiều hỏng hóc trên VKTB trước đây phải cần trợ giúp của cơ quan chuyên môn cấp trên, đến nay đơn vị đã chủ động thực hiện tốt.
Đại uý Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ngành Cơ điện, tàu 015-Trần Hưng Đạo chia sẻ: Thời gian qua, Lữ đoàn đã chỉ đạo các tàu xây dựng bộ phiếu công nghệ bảo quản dự phòng, kiểm sửa định kỳ tuần, tháng, quý… cho từng trang bị cụ thể, chi tiết, cho từng dạng tàu, định mức vật tư tiêu hao đối với từng nội dung trang bị được bảo quản nên việc kiểm tra, giám sát cũng thuận lợi hơn.
Lấy ví dụ 1phiếu công nghệ Đại uý Nguyễn Trung Kiên cho kể: Sau khi được phê duyệt, các hạng mục được CBCS tàu đưa vào phiếu công nghệ. Trong quá trình thực hiện bảo quản kiểm sửa, chúng tôi tuân thủ nghiêm quy tắc bảo đảm an toàn, đặc biệt quy tắc an toàn khi tiếp xúc với điện, làm việc trong khoang hầm kín, làm việc trên cao, ngoài mạn… những công việc khó đòi hỏi tay nghề cao giao cho tiểu đội trưởng, trưởng bộ phận; người có trình độ, kinh nghiệm hướng dẫn, chỉ bảo cho người mới, bộ phận tập sự. Đặc biệt chỉ giao công tác bảo quản dự phòng, kiểm sửa định kỳ cho các đồng chí đã được huấn luyện kiểm tra cấp phép độc lập khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Bảo đảm kỹ thuật cho các tàu thực hiện nhiệm vụ đi biển, trước mỗi hải trình, Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn phối hợp với đơn vị kiểm tra nắm tình trạng VKTBKT, hệ động lực, thân vỏ… Trên cơ sở đó tham mưu cho chỉ huy Lữ đoàn bổ sung quân số, tổ sửa chữa cơ động; cấp bảo đảm các loại vật tư, kỹ thuật, sử dụng đúng chủng loại vật tư, xăng dầu, mỡ kỹ thuật cho từng trang thiết bị. Trung tá Phạm Ngọc Tưởng, Chủ nhiệm kỹ thuật Lữ đoàn 162 cho biết: Cán bộ, chiến sỹ toàn Lữ đoàn thực sự làm chủ và làm chủ chuyên sâu VKTB, tâm huyết, trách nhiệm, luôn coi tàu là nhà… Chính những điều đó đã xây dựng ý chí quyết tâm cao trong bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị để đạt hiệu quả cao theo nội dung phiếu công nghệ. Vì vậỵ vũ khí kỹ thuật tàu thuyền luôn bảo đảm hệ số kỹ thuật, tính đồng bộ, tàu sẵn sàng rời bến thực hiện mọi nhiệm vụ khi có lệnh.
Đẩy mạnh phong trào tự học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nội địa, công nghệ tự chủ những năm qua ở Lữ đoàn phát triển rộng khắp đã góp phần nâng cao chất lượng bảo quản, kiểm sửa, bảo đảm kỹ thuật cho VKTB. Cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Lữ đoàn đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều đề tài khoa học, sản phẩm ứng dụng rất có hiệu quả trong huấn luyện và khắc phục những hỏng hóc thường xuyên gặp phải quá trình khai thác sử dụng đồng thời tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng như: Thiết bị kiểm tra đường truyền PLC của hệ thống KACY; thiết bị đo điện trở cách điện và điện trở thuần các nhiệt ngẫu động cơ tua bin của tổ hợp M15E; thiết kế xe chạy phục vụ bảo quản ống phóng Ngư lôi; thiết bị đo nhiệt độ hầm đạn; bộ tín hiệu báo áp lực nước biển làm mát máy phụ 7Đ….
Nhờ làm tốt công tác bảo quản dự phòng, kiểm sửa định kỳ mà hệ số kỹ thuật của VKTBKT của Lữ đoàn 162 luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Các tàu của Lữ đoàn có thể hoạt động dài ngày liên tục trên biển, hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, bắn đạn thật, đối ngoại quốc phòng và các nhiệm vụ được giao.
Từ khóa: lữ đoàn thép, lữ đoàn thép 162, hải quân nhân dân việt nam, vùng 4 hải quân
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả: thu lan/vov1
Nguồn tin: VOVVN