Khánh thành Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu
Cập nhật: 19/08/2024
VOV.VN - Cuối giờ chiều nay (3/8), UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ khánh thành Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu. Đây là sự kiện ý nghĩa trong chuỗi hoạt động “Giao lưu Văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 20 năm 2024”, hướng đến chào mừng kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 - 4/12/2024).
Ngày 28/12/2022, Chùa Cầu được khởi công tu bổ, tổng kinh phí 20,2 tỷ đồng, trong đó 50% vốn ngân sách tỉnh Quảng Nam và 50% ngân sách thành phố Hội An. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An được giao chủ trì thực hiện công trình này.
Sau 19 tháng thi công, Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu được các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đánh giá đã thực hiện khá bài bản, đầy đủ, nhất là khâu chuẩn bị hồ sơ, tư liệu, tham vấn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tổ chức thẩm định hồ sơ… Ngay từ đầu, các chuyên gia Nhật Bản đã tham gia khảo sát, đánh giá hiện trạng, kỹ thuật, dấu vết nguyên trạng, hồ sơ trùng tu di tích Chùa Cầu. Dự án trải qua quá trình phê duyệt của nhiều cơ quan quản lý chuyên môn để thống nhất quan điểm, giải pháp trùng tu đảm bảo.
Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã hoàn thành và đảm bảo một số kết quả nhất định. Thứ nhất, hình dáng của kiến trúc, cấu trúc của kết cấu Chùa Cầu, từ tổng thể đến chi tiết được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Thứ hai, Chùa Cầu sau khi tu bổ đã bảo tồn tối đa các giá trị nguyên gốc. Thứ ba, di tích Chùa Cầu đã khắc phục các khiếm khuyết, gia cường đáng kể sự chắc chắn, đảm bảo sự ổn định, bền vững. Thứ tư, bên cạnh bảo tồn, giữ gìn giá trị di tích, Dự án cũng đã thực hiện đồng bộ việc đầu tư nâng cấp hạ tầng cảnh quan, môi trường xung quanh.
Thời gian gần đây, xuất hiện những ý kiến khác nhau về Chùa Cầu sau trùng tu. Người khen đẹp, hợp lý nhưng cũng có ý kiến cho rằng, màu sơn Chùa Cầu sau trùng tu chưa đúng nguyên bản.
Ông Nguyễn Sự, Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam cho rằng, chuyện người dân có ý kiến khen hay chê là bình thường và là tín hiệu rất đáng mừng: “Rất mừng trước sự quan tâm của người dân và dư luận xã hội đối với di tích Chùa Cầu. Nếu chúng ta làm mà không ai quan tâm mới là điều đáng lo ngại. Theo ý kiến cá nhân tôi đánh giá, sau khi trùng tu nếu muốn đánh giá chất lượng di tích Chùa Cầu thì phải chờ thêm thời gian, thế nhưng diện mạo Chùa Cầu thì không có gì thay đổi. Yếu tố gốc và tính chân xác được đảm bảo. Tôi cho rằng, đây là sự thành công của đợt đại trung tu Chùa Cầu lần này”.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, Chùa Cầu là một di tích mang tính biểu tượng của Di sản văn hoá Hội An và là minh chứng sâu sắc cho sự hiện diện, quá trình giao lưu văn hóa của Nhật Bản tại Hội An.
“Tổng cục Văn hoá Nhật Bản đã cử chuyên gia sang hỗ trợ, giúp đỡ thành phố Hội An ngay giai đoạn đầu thực hiện Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu. Từ khâu nghiên cứu, xây dựng hồ sơ trùng tu đến việc giám sát trùng tu, cho nên việc trùng tu đảm bảo tính chuẩn xác ngay từ đầu”, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Trong quá trình chuẩn bị và thi công Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tập hợp, biên soạn và liên kết với Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản ấn phẩm “Chùa Cầu” vào tháng 12/2021 và ấn phẩm “Tu bổ di tích Chùa Cầu” vào tháng 8/2024. Hai ấn phẩm này giúp độc giả có cái nhìn thấu đáo, hiểu rõ hơn về giá trị di tích và quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu.
Từ khóa: Chùa Cầu, Chùa Cầu, di tích Chùa Cầu, Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu, Đô thị cổ Hội An
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: long phi/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN