“Hừng đông”- Bình minh hồng của đất nước
Cập nhật: 19/01/2021
(VOV5) - “Hừng đông” là cuốn tiểu thuyết thứ 2 trong sự nghiệp sáng tác của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ sau “Chuyện tình Khau Vai”.
“Hừng đông”, cuốn tiểu thuyết thứ hai của PGS.TSNguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, vừa ra mắt cuối năm 2020, là một tác phẩm văn học khá hiếm về đề tài chiến sĩ cách mạng “khai quốc công thần”, làm nên những trang vàng lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Và ngay cái tên “Hừng đông” đã khái quát ý nghĩa rất đẹp của cuốn tiểu thuyết này - Một bình minh hồng ngày mới của đất nước.
“Hừng đông” do Nhà xuất bản Văn học, Công ty Văn hóa & Truyền thông Liên Việt xuất bản, là cuốn tiểu thuyết tư liệu về nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu (5/5/1902 - 28/8/1941) - một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.
11 chương: Bình minh bầm tím, Dưới chân núi Gám, “Non sông đã chết, ta há lẽ sống thừa, Con đường không ít chông gai, Đi xa, Xứ Huế, Quảng Châu tháng 12/1928, Trong nhà đày Buôn Mê Thuột, Trước bến Văn Lâu, Bà Điểm Hóc Môn, và Những tia sáng màu hồng của cuốn tiểu thuyết là những phác họa sinh động, chi tiết, tái hiện chân thực cuộc đời, sự nghiệp cách mạng nhiều gian khổ, hy sinh của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu.
Nhà cách mạng Phan Đăng Lưu quê ở thôn Đông, xã Hoa Thành (trước là xã Tràng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông được sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống nho học, yêu nước, yêu lao động, nhân ái, nghĩa tình. Ông sớm bộc tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái; giỏi chữ Hán, thông thạo tiếng Pháp, có năng khiều văn chương, hiều biết về nông học, am tường chính trị học, xã hội học... Ngay từ những năm tháng tuổi trẻ, ông đã ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ.
Qua tiểu thuyết “Hừng đông”, từng trang cuộc đời của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu được thể hiện sống động. Là một trí thức yêu nước, khi tốt nghiệp trường Canh nông của Pháp, thấy hiện thực số phận nô lệ thực dân của đất nước, ông quyết tâm từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong bộ máy thuộc địa và tham gia các tổ chức yêu nước có xu hướng cộng sản như hội Phục Việt, hội Hưng Nam, đảng Tân Việt, Đông dương Cộng sản Liên đoàn và sau cùng ông đến với Đảng Cộng sản Việt Nam, tìm thấy chân lý, lý tưởng để thực hiện con đường giải phóng dân tộc, độc lập tự do cho đất nước.
Tích cực hoạt động, mang những tri thức của mình phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, ông trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương, được giao trọng trách Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (Năm 1936), Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (Tháng 3 năm 1937), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Năm 1937), Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1938-1940). Ông trở thành linh hồn, góp phần có tính quyết định cùng bộ chỉ huy cao nhất của Đảng ở Trung Kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở đây giành được nhiều thắng lợi vang dội, xuất sắc những năm 1936 – 1939. Đặc biệt ông có công lớn trong phong trào Đông Dương Đại hội (cuối năm 1936), đưa người của Đảng vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, “giành ghế” ở nghị trường, kết hợp tài tình diễn đàn đấu tranh công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí và văn học nghệ thuật. Ông còn là người có công tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa tháng 11-1940 tại Hội nghị lần thứ 7.
Ở thời hiện tại là năm 2021, việc hình dung những gì xảy ra vào thập niên 1930-1940 không phải dễ, nhất là những hoạt dộng của các nhà tiền bối cách mạng tiền khởi nghĩa tháng 8-1945, khi mà phần lớn hoạt động là bí mật, độc lập để đảm bảo bí mật, và thời điểm đó không có ai là “người chép sử” để có thể lưu lại chi tiết. Nhưng có thể nói, “Hừng đông” đã làm được điều đó bằng cách “văn chương hóa” các tư liệu lịch sử có thật về cuộc đời nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, cũng như những giai đoạn hoạt động cách mạng của ông.
“Nhân vật” Phan Đăng Lưu xuyên suốt tiểu thuyết “Hừng đông” có thế giới nội tâm phong phú. Là một trí thức cách mạng có những phẩm cách của người cộng sản thông minh, sâu sắc, kiên trung, kiên quyết và kiên cường, nhưng cũng là một người Việt Nam bình dị, rất thân thiện, gần gũi. Rất nhiều trang viết kể về “nhân vật” Phan Đăng Lưu như một con người tài trí và bản lĩnh, nhưng giàu tình thương yêu, tình yêu lớn là tình yêu nước, rồi từ yêu nước mà yêu quê hương, nơi có gia đình thân thương, yêu đồng bào, yêu đồng chí, và vì yêu mà “nhiều khi người ta sống chết hy sinh vì một nếp nhà rất bình dị..”, đối diện hiểm nguy gian khổ không nề hà, thậm chí tới ngày ra pháp trường, những trang viết trong “Hừng đông” cũng thấm đẫm tình đồng chí.
Xung quanh nhân vật Phan Đăng Lưu là các sự kiện, các nhân vật tiền bối cách mạng. “Hừng đông” hướng tới những nhân vật lịch sử có thật, được “văn chương hóa” tạo thành những “nhân vật” văn học, và vì thế một tác phẩm tưởng chừng khá khô cứng bởi đề tài mang tính lịch sử cách mạng, về những người chiến sỹ cộng sản, lại trở nên hấp dẫn, nhiều cảm xúc bởi các tình tiết thể hiện dưới ngôn ngữ văn chương.
Có thể thấy, trong rất nhiều chương của tiểu thuyết, các nhân vật “thân quen” trong lịch sử cách mạng Việt Nam tiền khởi nghĩa, những nhà chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, hay những người đồng chí của Phan Đăng Lưu được khắc họa qua các câu chuyện. “Hừng đông” ở khía cạnh nào đó giống như một kiều “giải mã” về một phần hoạt động của các nhà cách mạng tiền bối, để hiểu biết nhiều hơn về họ. Họ rất gần gũi, thân thuộc, với tình yêu Tổ quốc, nhân dân, họ chấp nhận dấn thân, chấp nhận gian khổ hy sinh để tìm một tương lai tươi sáng cho nhân dân, cho đất nước.
Không biết có phải quê hương của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu cũng là quê hương của tác giả Nguyễn Thế Kỷ mà giữa họ có mối đồng cảm dù cách nhau cả thế kỷ. Trong “Hừng Đông”, những trang viết về “nhân vật” Phan Đăng Lưu khi nhớ quê hương là những trang viết đậm chất thơ, từ những câu thơ, điệu ru của mẹ hay những kỷ niệm về quê nhà, thương nhớ người vợ yêu con thơ bé bỏng…Tác giả cũng từng chia sẻ: “Tôi may mắn sinh ra và lớn lên ở quê hương Yên Thành, quê hương của người cộng sản trí thức Phan Đăng Lưu, từ nhỏ tôi đã được ông bà rồi cha mẹ kể cho nhiều câu chuyện về Phan Đăng Lưu và những người yêu nước của quê hương Nghệ Tĩnh… Rồi hình ảnh về người công sản Phan Đăng Lưu thầm vào tôi, như một thôi thúc, tôi cần phải làm gì… Và tôi đã dày công thu thập, tra cứu tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử với tâm huyết xây dựng một hình tượng nghệ thuật đầy cảm xúc về người cộng sản ưu tú Phan Đăng Lưu và các đồng chí của ông…”
Tác giả Nguyễn Thế Kỷ cũng nhấn mạnh tính chất tư liệu của “Hừng đông”, đồng thời khẳng định đây là tác phẩm có độ chính xác cao về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu.
Trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết là những dòng đầy xúc động: “Phan Đăng Lưu cảm thấy trong gió sớm có mùi của những bông lúa đang chín, thơm ngọt ngào. Anh nhớ những bữa cơm mới. Bữa cơm đầu tiên của một vụ gặt mẹ anh luôn cẩn trọng chuẩn bị như một thứ nghi lễ, thể hiện lòng biết ơn trời đất, tổ tiên đã cho con cháu sức khỏe cũng như mùa màng bội thu… Khi anh và đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí kiên trung khác máu nhuộm đỏ ngực áo thì những tia nắng hồng tươi cũng vừa lúc rạng phía chân trời. Hừng đông!”
Tiểu thuyết “Hừng đông” được viết trong một tâm thế sáng tạo mới. Ngôn từ dung dị, cấu trúc lớp lang sinh động, các tuyến nhân vật đều tạo cho câu chuyện nhiều sự hấp dẫn. Trên hết, tác giả đã đưa một kiều “văn chương hóa” tư liệu lịch sử, nhân vật lịch sử có thật, để không chỉ “học” lịch sử bằng một phong cách thú vị, mà còn làm cho lịch sử như được giải mã theo chiều sâu cảm xúc.
Tiểu thuyết “Hừng đông” là cuốn tiểu thuyết thứ 2 trong sự nghiệp sáng tác của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ sau “Chuyện tình Khau Vai”. Đến nay, ông đã có 2 cuốn sách về lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ; 8 kịch bản sân khấu; 2 tập thơ cùng nhiều cuốn sách nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật và báo chí.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, tieu thuyet, Hung Dong, binh minh hong, cua, dat nuoc
Thể loại: Tổng hợp Video
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5