Hợp tác khoa học công nghệ Việt-Nga: Dấu ấn chuyến khảo sát hỗn hợp bằng tàu “Viện sỹ Oparin” trong vùng biển Việt Nam
|
GS.VS. Châu Văn Minh Phát biểu khai mạc Hội thảo |
Tham dự hội thảo, về phía Việt Nam, có GS.VS. Châu Văn Minh- Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Văn Quân- Chủ nhiệm Nhiệm vụ Oparin 7, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển; cùng lãnh đạo các Viện nghiên cứu, các Ban chức năng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Về phía Liên bang Nga, có GS.VS. Valentin Sergieko- Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Chủ tịch Phân viện Viễn Đông (FEB RAS); TS. Pavel Dmitrenok- Viện trưởng Viện Hóa sinh hữu cơ Thái Bình Dương; cùng đại diện tham tán khoa học công nghệ của Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, các Viện nghiên cứu, các Ban chức năng của FEB RAS.
|
GS. VS. Valentin Sergienko – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Chủ tịch Phân viện Viễn Đông phát biểu trực tuyến từ Vladivostok |
Trước đó, ngày 10/5/2021, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã khởi động chuyến khảo sát hỗn hợp lần thứ 7 trong vùng biển Việt Nam bằng tàu “Viện sỹ Oparin” – hoạt động hợp tác lớn đầu tiên sau khi dịch Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu. Đây cũng là chuyến khảo sát thứ ba triển khai “Lộ trình hợp tác trong nghiên cứu biển giai đoạn 2018-2025” giữa hai Viện Hàn lâm.
Diễn ra trong bối cảnh dịch Covid có nhiều diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới, các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai các hoạt động nghiên cứu để vừa đảm bảo hải trình và nội dung khảo sát, vừa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch.
Trong chuyến khảo sát hỗn hợp lần thứ VII, đoàn khảo sát gồm 16 nhà khoa học của các Viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hải dương học, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hóa sinh biển, Viện Hóa các hợp chất thiên nhiên, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang, Viện Công nghệ Vũ trụ) cùng với 18 nhà khoa học đến từ các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (Viện Hóa sinh Hữu cơ Thái Bình Dương; Viện Sinh học Biển); Phân viện Viễn Đông.
Chuyến khảo sát đã bổ sung hàng trăm mẫu động thực vật biển vào dữ liệu đa dạng sinh học biển Việt Nam, thu thập các mẫu phân tích thành phần hóa học và đánh giá tiềm năng sử dụng trong y dược ở độ sâu tới 40 – 150m tại các trạm khảo sát trong vùng biển Đông đồng thời thu thập, ghi nhận các số liệu quan trắc phục vụ nghiên cứu môi trường.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, GS. VS. Châu Văn Minh- Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chúc mừng các nhà khoa học hai Viện Hàn lâm vừa xuất sắc hoàn thành an toàn, vượt tiến độ nhiệm vụ được giao
trong bối hết sức khó khăn của dịch bệnh Covid-19 và mong muốn tại hội thảo này cũng như trong thời gian tới, hai bên sẽ trao đổi thường xuyên, tích cực để khai thác hiệu quả toàn bộ mẫu vật, số liệu thu được trong chuyến khảo sát, góp phần tăng cường những hoạt động hợp tác hiện có giữa hai Viện Hàn lâm.
|
TS. Anton Yurchenko, Trưởng đoàn khảo sát phía LB Nga báo cáo kết quả chuyến khảo sát. |
Từ Vladivostok, GS. VS. Valentin Sergienko – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Chủ tịch Phân viện Viễn Đông nhấn mạnh chuyển khảo sát lần thứ VII- chuyến khảo sát biển quốc tế đầu tiên của Phân Viện Viễn Đông kể từ sau
dịch Covid-19 - đã được hoàn thành thành công, an toàn trên cơ sở sự hợp tác chặt chẽ của các nhà khoa học Việt Nam và hy vọng những công bố chung của các nhà khoa học Việt – Nga trên cơ sở chuyến khảo sát này sẽ được xuất hiện trong thời
gian sớm nhất.
|
TS. Nguyễn Đăng Ngải, Trưởng đoàn khoa học phía Việt Nam báo cáo kết quả chuyến khảo sát. |
Trên cơ sở báo cáo tổng thể của hai trưởng đoàn khảo sát Việt – Nga và một
số báo cáo về kết quả sơ bộ về số lượng và phân loại mẫu thu được, các nhà khoa học hai Viện Hàn lâm đã thảo luận, thống nhất cùng nhau phân tích và công bố kết quả nghiên cứu trong vùng biển Việt Nam về đa dạng sinh học biển, chú trọng đối với vùng biển sâu; sinh thái học rạn san hô và khả năng tái tạo tự nhiên của san hô tạo rạn; các chất có hoạt tính từ vi sinh vật biển; đa dạng hóa sinh các sinh vật biển và hoạt tính của một số hoạt chất sinh học cũng như tiếp tục phân tích các số liệu quan trắc, ảnh vệ tinh.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Chuyến khảo sát hỗn hợp lần thứ VII một lần nữa khẳng định hiệu quả hợp tác truyền thống giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Phân viện Viễn Đông trong nghiên cứu khoa học biển, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác giữa hai Viện Hàn lâm nói riêng và tình hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Liên bang Nga nói chung./.