Hàng ngàn hộ dân ở Nam Đông - Thừa Thiên Huế thiếu nước sạch
Cập nhật: 25/06/2020
Không khí chợ Tết Việt tràn ngập thủ đô Vientiane của Lào
Cộng đồng người Việt tại Vientiane (Lào) tổ chức nhiều hoạt động chào Xuân Ất Tỵ 2025
VOV.VN - Nhiều năm trở lại đây, hàng ngàn hộ dân thuộc 5 xã vùng cao của huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên thiếu nước sinh hoạt.
Nhiều tháng nay để có nước sạch dùng trong sinh hoạt, từ sáng sớm, người dân ở xã Hương Hữu phải “rồng rắn” xách can nhựa vào các khe suối ở trong rừng lấy nước. Tình trạng thiếu nước sạch ở xã Hương Hữu diễn ra đã nhiều năm nay. Vào cao điểm của nắng nóng và khô hạn như hiện nay, chuyện thiếu nước càng trầm trọng hơn.
Ông Nguyễn Văn Xong, Trưởng thôn 6, xã Hương Hữu, huyện Nam Đông, cho biết, cả thôn có hơn 80 hộ dân với hơn 350 nhân khẩu; hàng ngày người dân phải dậy thật sớm mang theo đủ loại can, bình... lên các khe, suối lấy nước về dùng.
Người dân lấy nước từ suối về sinh hoạt. |
“Hiện nay bà con tập trung vào sử dụng nước khe suối. Nói chung nước sinh hoạt càng ngày càng thiếu trầm trọng. Hiện tại bà con chỉ dùng nước khe suối. Cái địa điểm mình nhờ múc nước là một bãi nhỏ. Bà con thường đi buổi sáng sớm, rồi tranh thủ buổi trưa... Nói chung về nước sinh hoạt, cả về tắm rửa trực tiếp rồi múc đem về nhà để sử dụng” - ông Nguyễn Văn Xong chia sẻ.
Tình trạng thiếu nước sạch trong mùa nắng nóng cũng đang diễn ra gay gắt ở các xã vùng cao như: Thượng Long, Thượng Nhật, Thượng Quảng và Hương Giang của huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời tiết nắng hạn dài ngày, các con suối đều khô cạn nên bà con không còn nước sạch để sinh hoạt. Các xã điều có hệ thống nước tự chảy nhưng đầu nguồn nước đã cạn.
Ông Tà Rương Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Hữu, huyện Nam Đông cho biết, khô hạn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân trong xã.
Thiếu nước sạch người dân phải tận dụng nước từ các khe suối để sinh hoạt. |
“Khô hạn quá thì một số thôn như thôn 5, thôn 6, và thôn 7 nước phải nói rất khó khăn. Đặc biệt là như xóm 4, xóm 5, xóm 6 của thôn 7 là dân phải xuống dưới kênh mương, nước để dẫn vào ruộng, dân lại xuống múc nước đó để đem về sinh hoạt, phục vụ ăn uống” - ông Lương nói.
Để khắc phục việc thiếu nước sạch dai dẳng, bà con đã làm đủ cách từ đào giếng đến xây bể chứa nước... Tuy nhiên, giếng ở đây đào sâu từ 8 đến 10m vẫn không có nước. Hiện nay khoảng 3.000 hộ dân ở khu vực 5 xã vùng cao huyện Nam Đông sử dụng nguồn nước sinh hoạt lấy từ khe suối, giếng đào, nước chưa qua xử lý, ô nhiễm.
Bà Lê Thị Thu Hương, Bí thư Huyện ủy Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, một số hệ thống nước tự chảy của người dân đến nay đã bị hư hỏng nên việc sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày của người dân rất khó, nước phục vụ sản xuất càng khó khăn hơn.
“Thực trạng trên làm cho đời sống của nhân dân rất khó khăn. Hiện nay hệ thống nước tự chảy cũng đã xuống cấp rất trầm trọng và từ chủ trương được đầu tư nhà máy nước cho 5 xã vùng trên thì những hệ thống nước tự chảy thì cũng không được duy tu bảo dưỡng" - bà Hương cho biết.
Những chân ruộng ở huyện Nam Đông nứt nẻ vì thiếu nước tưới. |
Năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy nước Thượng Long và mạng lưới cấp nước sạch cho các xã lân cận, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa khởi công.
Lý giải về vấn đề này ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do quá trình phê duyệt dự án phát hiện thiếu thủ tục cho nên phải làm lại. Tháng 2/2020, UBND tỉnh điều chỉnh dự án nhà máy nước Thượng Long, công suất 2.000 m3 khối ngày/đêm và mạng lưới cấp nước cho các xã lân cận của huyện Nam Đông.
Đến nay, đã giao cho Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư để thực hiện. Ông Nguyễn Đại Vui cho biết, tỉnh xem đây là một trong dự án trọng điểm của năm nay đối với huyện Nam Đông, mục đích chính đưa nước sạch về cho dân bản.
“Với tinh thần quyết liệt để làm cho dân có nước thì muộn nhất trong tháng 8 sẽ khởi công. Trách nhiệm giám sát đầu tư thì Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với UBND huyện, Sở Xây dựng là phải bàn với Công ty cáp thoát nước có các ưu tiên. Hiện nay đã bố trí vốn 13 tỷ đồng rồi thì tiếp tục bố trí vốn cho đủ; thứ hai là phải tăng cường tiến độ thi công. Và đã hứa với dân là mùa hè sang năm phải có nước" - ông Vui nói thêm./.
Từ khóa: thiếu nước, thiếu nước sinh hoạt, thừa thiên huế, Nam Đông
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN