Theo người dân địa phương, những đứa trẻ miền núi này lớn lên như những cây rừng tự sinh tự mọc, chúng lầm đường, lạc lối, rồi tha hóa dần, cho đến ngày gây ra tội ác khó tin ấy.
Hai xã Thanh Lương và Phù Nham, huyện Văn Chấn nằm ven cánh đồng Mường Lò. Mùa thu, nắng vàng như rót mật, gió thoảng đưa hương lúa, hương rừng về, lắng đọng không gian. Nơi thanh bình, đẹp đẽ ấy chính là quê hương, cũng là nơi lớn lên của Đinh Văn Trường và Đinh Văn Giáp.
|
rong thôn nhỏ Năm Hăn những ngày qua người dân vẫn chưa hết sững sờ |
10 ngày sau khi Giáp và Trường bị bắt, di lí về Hà Nội, từ bản trên xuống xóm dưới, những người dân miền núi chân chất vẫn chưa hết bàng hoàng và kinh hãi. Bên cạnh đó, họ cũng chùng lòng ngẫm lại trách nhiệm làm cha, làm mẹ bấy lâu nay.…
Chị H.Đ, một người dân thôn Năm Hăn, cũng là anh em họ hàng với Đinh Văn Giáp cho biết, suốt từ hôm vụ việc xảy ra đến nay, cả thôn chẳng ai ngon giấc, vụ việc là một nỗi ám ảnh thật lớn, thật dài.
Trong câu chuyện của chị H.Đ, tội ác của Đinh Văn Giáp là không thể tha thứ, rồi đây sẽ phải chịu hình phát thích đáng trước pháp luật. Thế nhưng, trong tâm sự của người phụ nữ miền núi chân chất và hiền hậu này cũng ẩn chứa những sự thương cảm và đầy tiếc nuối cho đứa cháu họ. Từ bé, Giáp đã thiếu hơi ấm của đôi tay mẹ cha, lớn lên mà không được dạy dỗ đúng mức, không được quan tâm, chỉ bảo, đi đến hư hỏng cũng là lẽ thường.
|
Từ ngày cháu gây ra sự việc tày trời ông B như người mất hồn |
Ông B., ông nội của Giáp năm nay 77 tuổi. Trên gương mặt thất thần và khắc khổ, người đàn ông từng là thợ mộc nổi tiếng trong vùng, như người mất hồn, cho biết: Vợ chồng ông vốn sinh hạ được 8 người con, anh Đinh Văn Mái (SN 1973, bố ruột Giáp) là người con thứ 5 trong gia đình. Tới tuổi trưởng thành, anh Mái xây dựng gia đình cùng chị Hoàng Thị H. (SN 1975, người cùng thôn). Vợ chồng anh Mái có 2 người trai, Đinh Văn Giáp (SN 1995) là con cả.
Năm Giáp lên 6 tuổi, người em trai vừa tròn 3 tuổi, do cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng anh Mái quyết định ly hôn. Kể từ thời điểm đó, anh em Giáp do một tay ông bà nội nuôi dưỡng. Anh Mái thì lang bạt nay đây mai đó còn chị H. đi thêm bước nữa với một người đàn ông khác.
Bố thì đi làm ăn xa, năm thì mười họa mới về nhà, mẹ thì có gia đình riêng, suốt quãng đời thơ ấu của anh em Giáp gần như thiếu vắng tình cảm của mẹ cha. Vợ chồng ông B. tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng vì thương 2 đứa cháu nội vẫn cố gắng gồng gánh để nuôi nấng với mong muốn anh em Giáp khôn lớn thành người.
Tuy nhiên, Giáp chỉ học hết lớp 4 rồi bỏ. Tới năm 14 tuổi, thì Giáp xin phép ông bà đi làm ăn xa theo bạn bè. Mang tiếng là đi làm ăn, nhưng Giáp chẳng phụ giúp được ông bà nội về mặt kinh tế, thậm chí cũng rất ít về nhà thăm ông bà.
Giáp đi làm ăn được một thời gian, ông B. nghe tin cháu bị bắt vì tội "buôn bán người", rồi đi tù vào năm 2013. Tới năm 2018, Giáp ra tù và trở về địa phương. Những tưởng sau đó, Giáp sẽ tu chí để trở thành người lương thiện. Nhưng ở nhà không được bao lâu, Giáp nói với ông bà nội đi Lào Cai để làm, rồi sau đó xuống Hà Nội và gây án.
"Bố mẹ thì bỏ mặc, vợ chồng tôi già cả, chỉ biết cố gắng nuôi cho anh em nó có đủ cái ăn, cái mặc, chứ việc giáo dục, dạy bảo hằng ngày thì khó khăn vô cùng. Bản tính thằng Giáp lại lầm lì, rất ít khi nó chia sẻ về cuộc sống với ông bà, người thân. Khi nghe tin cháu gây án giết người mà vợ chồng tôi rụng rời chân tay", ông B. nghẹn ngào nói.
Giáp thì vậy, còn người em trai cũng chỉ học hết lớp 7 rồi bỏ, cách đây không lâu cũng bị bắt vì tội trộm cắp tài sản.
Theo người dân thôn Năm Hăn, Giáp ít ở nhà, nhưng mỗi lần về, gặp ai lớn tuổi Giáp đều chào hỏi lễ phép. Không biết Giáp học nấu ăn ở đâu, nhưng có một thời gian Giáp ở nhà, đôi lần đến nấu nướng, giúp anh em họ hàng làm cỗ, được mọi người khen biết nấu nướng. “Nếu được dạy dỗ tử tế, chắc nó sẽ nên người, chứ đâu đến nông nỗi này” – chị X. một người dân cùng thôn thở dài khi được hỏi về Đinh Văn Giáp.
|
Trong căn nhà nhỏ bà nội Đinh Văn Trường cứ đi ra lại đi vào vô định |
Từ bên thôn Năm Hăn, xã Phù Nham nhìn sang bên kia Quốc lộ 32 là xã Thanh Lương. Vừa thu hoạch lúa xong nhưng bà Lò Thị Kh., 66 tuổi, bà nội của Đinh Văn Trường không buồn động chân tay vào việc gì. Từ hôm cháu tham gia gây án, bà không ăn không ngủ được, cứ đi ra lại đi vào.
"Anh em thằng Trường từ nhỏ đều do một tay tôi nuôi nấng. Bố nó thì uống nhiều rượu, thần kinh không ổn định. Mẹ thì do hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng phải qua Trung Quốc làm ăn, chẳng có thời gian mà dạy bảo con cái. Từ hôm Trường bị bắt giữ, tôi luôn trằn trọc, suy nghĩ chẳng thể ngủ một giấc hẳn hoi. Mình nuôi nó mà giờ nó hư hỏng, buồn lắm", bà Kh. nghèn nghẹn giọng.
Trong câu chuyện của những người dân ở hai địa phương kể, luôn có một chi tiết rất buồn, hay được nhắc đi nhắc lại: Có một dạo, đàn ông, thanh niên bản trên làng dưới, rất nhiều người thích uống rượu, uống triền miên, mà toàn rượu trôi nổi, chất lượng không ai kiểm chứng được. Nhiều người nghiện, quên cả làm ăn, có người thần kinh không ổn định, người thì mắc bệnh hiểm nghèo... Sau “cơn bão rượu” tràn qua ấy, những tưởng xóm làng sẽ bình yên, thì lại thấy đàn ông, thanh niên, rồi cả phụ nữ rời quê đi làm ăn xa hết, bỏ lại con nhỏ cho ông bà coi sóc. Những đứa trẻ cứ theo đó mà lớn lên. Đến tuổi lao động thì lại đi làm ăn xa. Khi về, không ai biết chúng nghĩ gì, làm gì, thay đổi ra sao…
Mấy ngày nay, nhiều bậc phụ huynh nghe con em làm xa gọi điện về mà chạnh lòng. Đám trẻ bảo, chủ lao động đều nói không nhận người Phù Nham, người Thanh Lương, Văn Chấn vào làm nữa, vì sau vụ án ai cũng sợ.
Điều ấy thật sự thiệt thòi cho những thanh niên lương thiện mới lớn, rời quê đi làm ăn xa với mơ ước đổi thay cuộc sống. “Nhưng điều ấy có khi lại hay, tôi muốn đám trẻ quay lại quê hương sinh sống, làm ăn. Mẹ cha cũng có dịp nghĩ lại, nhìn nhận lại trách nhiệm của mình với con cái mà quay về dạy bảo, giáo dục, chăm lo cho chúng. Đừng để đến lúc quá muộn như thế này.” – một phụ nữ trung tuổi nghèn nghẹn giọng tâm sự, bên con đường vào thôn Năm Hăn, mới được bê tông hóa chưa lâu, sạch sẽ, uốn lượn bên những triền ruộng quanh năm tươi tốt./.