“Hắc điểu” SR-71 vẫn là máy bay nhanh nhất thế giới sau hơn nửa thế kỷ

Cập nhật: 10/05/2020

VOV.VN -Thời Chiến tranh Lạnh, “Hắc điểu” đã bay cao hơn, nhanh hơn bất cứ chiếc máy bay nào khác và 55 năm sau chuyến bay đầu tiên, nó vẫn nắm giữ kỷ lục này.

Lockheed SR-71 được thiết kế trong bí mật vào cuối những năm 1950, có thể bay ở gần rìa không gian và có tốc độ nhanh hơn một quả tên lửa. Tới nay, nó vẫn nắm giữ kỷ lục về khả năng bay ở tầm cao nhất và tốc độ nhanh nhất đối với một chiếc máy bay không dùng động cơ tên lửa.

SR-71 là một trong những chiếc máy bay do thám được chế tạo để có thể xâm nhập lãnh thổ của kẻ thù mà không bị bắn hạ hay thậm chí bị phát hiện, ở thời điểm trước khi có các vệ tinh và máy bay do thám.

"hac dieu" sr-71 van la may bay nhanh nhat the gioi sau hon nua the ky hinh 1
SR-71 trong một nhiệm vụ huấn luyện năm 1997. Ảnh: Getty

Lớp sơn màu đen, được thiết kế nhằm tản nhiệt, là yếu tố khiến chiếc máy bay này được mệnh danh là Blackbird (hắc điểu), cùng với những đường nét mượt mà của phần thân dài, khiến nó trông không giống bất cứ chiếc máy bay nào trước đó.

“Nó vẫn giống như một điều gì đó đến từ tương lai, mặc dù được thiết kế từ những năm 1950”, Peter Merlin, một nhà lịch sử về hàng không, đồng thời là tác giả của cuốn “Thiết kế và Phát triển Blackbird”, nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

“Do phần thân cuốn cong cùng những đường xoắn vặn ở cánh, SR-71 trông có vẻ ‘hữu cơ’ hơn là cơ học”.

Điệp viên CIA

Tháng 5/1960, hai chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ bị bắn hạ ở không phận Liên Xô trong lúc đang chụp ảnh từ trên không. Ban đầu, chính phủ Mỹ nói rằng đó là một máy bay nghiên cứu thời tiết, nhưng mọi chuyện vỡ lở khi chính phủ Liên Xô công bố những bức ảnh về viên phi công bị bắt giữ cùng các thiết bị do thám của máy bay.

Sự việc đã để lại một hậu quả ngoại giao trong thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời củng cố sự cần thiết về một loại máy bay trinh sát mới có thể bay nhanh hơn, cao hơn và an toàn trước các hỏa lực phòng không.

“CIA muốn một chiếc máy bay có thể bay ở độ cao trên 27km, với tốc độ cao và không bị radar phát hiện”, Merlin nói.

Nhiệm vụ thiết kế một cỗ máy tham vọng như vậy được trao cho Clarence "Kelly" Johnson, một trong những nhà thiết kế máy bay hàng đầu thế giới, cùng nhóm kỹ sư bí mật ở Lockheed được gọi là Skunk Works.

“Mọi thứ đã được đầu tư”, Johnson, người đã qua đời năm 1990, cùng năm khi chiếc Blackbird đầu tiên “nghỉ hưu”, nhớ lại.

Chiếc máy bay đầu tiên trong gia đình Blackbird được gọi là A-12 và có chuyến bay đầu tiên ngày 30/4/1962. Tổng cộng có 13 chiếc A-12 được sản xuất. Chiếc máy bay là chương trình tối mật và đặc biệt do CIA vận hành.

Lớp vỏ titan

Do chiếc máy bay được thiết kế để có thể đạt tốc độ hơn 3.218 km/h, ma sát với không khí xung quanh có thể làm nóng phần thân tới mức làm chảy khung máy bay thông thường. Do đó, chiếc máy bay được làm từ titan, một kim loại có thể chịu được nhiệt độ cao trong khi lại nhẹ hơn so với thép.

Tuy nhiên, việc sử dụng titan cũng làm phát sinh những vấn đề khác. Đầu tiên, họ phải sản xuất một bộ công cụ mới, cũng được làm từ titan, vì bộ công cụ bằng thép thông thường có thể làm hỏng lớp titan giòn khi tiếp xúc. Thứ hai, việc tìm nguồn titan cũng rất khó khăn. “Ở thời điểm đó, Liên Xô là nhà cung cấp titan lớn nhất thế giới. Chính phủ Mỹ đã phải mua rất nhiều titan, có thể là thông qua các công ty ma”, Merlin nói.

Chiếc máy bay ban đầu không được sơn, để lộ lớp titan màu bạc. Chúng được sơn đen năm 1964, sau khi các nhà phát triển nhận ra rằng, màu sơn đen có thể hấp thụ và tản nhiệt hiệu quả, từ đó giúp hạ thấp nhiệt độ cho toàn bộ khung thân máy bay. Biệt danh Blackbird – hắc điểu ra đời từ đó.

Các biến thể Blackbird

A-12 được phát triển thành một biến thể có thiết kế như một máy bay đánh chặn – một loại máy bay chiến đấu – hơn là một máy bay do thám. Với biến thể này, chúng được thêm các tên lửa không đối không và một buồng lái phụ cho một thành viên phi hành đoàn vận hành các thiết bị radar cần thiết. Chiếc máy bay mới này, nhìn giống như A-12 ngoại trừ phần mũi, được gọi là YF-12.

Trong khi A-12 vẫn là tối mật, sự tồn tại của YF-12 lại được Tổng thống Lyndon Johnson công bố năm 1964, và 3 trong số này do Không quân Mỹ chế tạo và vận hành.

"hac dieu" sr-71 van la may bay nhanh nhat the gioi sau hon nua the ky hinh 2
SR-71 trong một chuyến bay thử nghiệm của NASA. Ảnh: NASA

Một biến thể thứ ba cũng được sản xuất cùng thời gian này, được gọi là M-21, có một trụ tháp trên ở lưng để gắn và vận hành một trong những chiếc máy bay không người lái đầu tiên. Hai chiếc được sản xuất, nhưng chương trình đã bị dừng lại năm 1966 sau khi một chiếc máy bay không người lái va chạm với chiếc máy bay mẹ, khiến 1 phi công thiệt mạng.

Biến thể cuối cùng của A-12, với 2 buồng lái và bình chứa nhiên liệu lớn hơn, được gọi là SR-71 – viết tắt của “Strategic Reconnaissance”, tức là Trinh sát chiến lược – và có chuyến bay đầu tiên ngày 22/12/1964. Phiên bản này thực hiện các nhiệm vụ tình báo cho Không quân Mỹ suốt 30 năm kể từ đó, và tổng cộng có 32 chiếc được chế tạo, nâng tổng số gia đình Blackbird lên 50.

Tàng hình trước khi có khái niệm “tàng hình”

Phần thân của SR-71 bao gồm một số vật liệu tổng hợp sớm nhất từng được sử dụng trên một chiếc máy bay và điều này khiến chiếc máy bay khó bị radar đối phương phát hiện.

“Nó về cơ bản đã ‘tàng hình’ trước khi khái niệm ‘tàng hình’ được sử dụng”, Merlin nói.

Bay ở tầm cao hơn so với tầm bắn của hỏa lực phòng không, nhanh hơn tốc độ tên lửa và hiếm khi bị radar phát hiện, SR-71 có thể đi vào không phận đối phương mà không bị chú ý.

“Ý tưởng là ở thời điểm kẻ thù phát hiện và phóng tên lửa phòng không, thì nó đã trên đường thoát”, Merlin giải thích. “Tuy nhiên, ý tưởng này là trước khi chúng ta có các kết nối dữ liệu thời gian thực, vì thế đối phương phải chụp ảnh trên film và đưa film trở lại căn cứ để xử lý và nghiên cứu”.

Kết quả là, không có chiếc Blackbird nào từng bị kẻ thù bắn hạ. Tuy nhiên, độ tin cậy của nó lại là một vấn đề, và 12 trong số 32 chiếc đã bị mất do tai nạn.

Blackbird cũng là một chiếc máy bay phức tạp để vận hành và bay.

“Cần phải có nhiều người làm công tác chuẩn bị. Một nhiệm vụ vận hành Blackbird cũng cần đếm ngược, giống như một nhiệm vụ không gian vậy, vì có quá nhiều khâu chuẩn bị, liên quan đến cả phi hành đoàn cũng như bản thân chiếc máy bay”, Merlin nói.

Phi công cũng phải mặc đồ theo một cách đặc biệt, do các điều kiện khắc nghiệt khi bay ở tầm cao. “Họ cơ bản mặc một bộ đồ không gian, cùng loại mà sau này bạn thấy các thành viên trên tàu con thoi mặc”, Merlin nói.

“Buồng lái cũng có thể bị nóng khi bay ở tốc độ cao, cao tới mức các phi công thường hâm nóng đồ ăn trong các nhiệm vụ kéo dài bằng cách áp chúng vào kính”.

Không có chiếc Blackbird nào từng bay trong không phận Liên Xô, do chính phủ Mỹ đã dừng toàn bộ các nhiệm vụ như vậy sau sự kiện năm 1960. Tuy nhiên, Blackbird vẫn đóng vai trò quan trọng trong Chiến tranh Lạnh và thực hiện nhiệm vụ ở các khu vực khác.

Năm 1976, SR-71 vẫn giữ được các kỷ lục của nó: bay ở tầm cao ổn định 25,9km và đạt tốc độ 3.500 km/h hay Mach 3. Chương trình bị dừng lại năm 1990 – dù có sự trở lại ngắn ngủi vào giữa những năm 1990 – khi các công nghệ như vệ tinh do thám, UAV do thám đã trở nên khả thi và có thể cung cấp quyền truy cập tức thì vào các dữ liệu giám sát.

SR-71 có chuyến bay bay cuối cùng năm 1999, do NASA vận hành với mục đích nghiên cứu. Từ đó, những chiếc Blackbird còn lại chỉ được tìm thấy trong viện bảo tàng./.

Từ khóa: hắc điểu SR-71, SR-71 Blackbird, máy bay Mỹ, vũ khí Mỹ, dự án vũ khí bí mật của Mỹ

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập