Hà Nội trong dòng chảy âm nhạc Việt
Cập nhật: 10/10/2020
(VOV5) - Có lẽ không người Việt Nam nào, dù ở bất cứ đâu, lại không nhớ ít nhất một câu hát, một giai điệu về Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội của “9 năm làm một Điện Biên”
Năm 1945 với cuộc Cách mạng Tháng Tám, lịch sử nước nhà bước sang trang mới, người dân Việt hiểu được giá trị đích thực của độc lập, tự do. Thủ đô Hà Nội từ đây trở thành một trong những đề tài và chủ đề phản ánh nhiều nhất trong những tác phẩm thanh nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam.
Mùa đông năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến, những chiến sĩ thuộc Trung đoàn Thủ đô “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã chiến đấu cầm cự bảo vệ Thủ đô, giúp cho Chính phủ của Nhà nước Việt Nam non trẻ củng cố căn cứ kháng chiến trường kỳ…
Và tháng 2/1947, họ lần lượt rút khỏi Hà Nội lên chiến khu, với mục đích bảo toàn và xây dựng lực lượng cách mạng. Người viết bài này đã được chính nhà văn- nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi kể lại câu chuyện ra đời ca khúc “Người Hà Nội” đầy hào hùng trong một đêm bi tráng ở ngoại ô Hà Nội, khi ông ngoái nhìn Thủ đô rừng rực cháy, trái tim như bị bóp nghẹt…
Tác phẩm mang đậm chất sử thi của Nguyễn Đình Thi hội tụ hồn khí Thăng Long nghìn năm, sôi sục khí thế chiến đấu của người Hà Nội buổi đầu kháng Pháp cũng như nét hào hoa không thể mất dấu giữa cuộc sống chiến tranh. Ca khúc đã vượt thời gian, và trở thành một biểu tượng âm nhạc bất tử của người Hà Nội, của âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Nỗi nhớ cháy bỏng của các chiến sĩ ở chiến khu Việt Bắc hướng về Hà Nội đã tạo cảm hứng để nhạc sĩ Huy Du cho ra đời ca khúc “Sẽ về Thủ đô”, cũng như nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đồng cảm với lời thơ của Chính Hữu với giấc mơ về Hà Nội để có ca khúc “Ngày về” đầy suy tư .
Năm 1948, nhạc sĩ Văn Cao đã tạo nên một khung cảnh rực rỡ trong tương lai với nét nhạc tưng bừng reo vui của ca khúc “Tiến về Hà Nội”: "Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố... / Năm cửa ô đón mừng đoàn quân kéo về .../ Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần/ Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về, Hà Nội bừng tiến quân ca”.
Ca khúc này cũng trở thành “di sản” tinh thần của người Hà Nội khi nó đã trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh- Truyền hình Hà Nội suốt hơn nửa thế kỷ đến nay vẫn vang lên mỗi ngày.
Còn trong bài “Thủ đô huyết thệ”- Lương Ngọc Trác khẳng định quyết tâm của người Hà Nội giành lại Thủ đô. Trong “Ba Đình nắng”- Bùi Công Kỳ hồi tưởng lại những ngày rực rỡ mùa thu Tháng Tám. Và năm 1954, khi đoàn quân tiến về Hà Nội là hàng loạt ca khúc được sáng tác để chào mừng Thủ đô giải phóng: “Bác đã về Thủ đô”- Lê Yên, “Về Thủ đô”- Tô Vũ, “Nhớ về Thủ đô”- Phạm Văn Chừng, “Thủ đô yêu dấu” - Nguyễn Đình Phúc, “Thủ đô thân mến”- Nguyễn Xuân Khoát.
Hà Nội niềm tin và hy vọng
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, lịch sử đất nước lại mở sang trang mới.
Trước khi “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” xảy ra, Hà Nội đang hồi phục dần sau 9 năm kháng chiến, một số ca khúc ra đời thời kỳ này khá lãng mạn, nhịp sống bình thường hóa, một vài đề tài quen thuộc của chốn “ngàn năm văn vật” lại được khơi lên như: “Sớm Hà Nội”- Trọng Bằng, “Chiều Hồ Gươm”- Trần Thụ, “Quanh quanh bờ Hồ”- Nguyễn Xuân Khoát…
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta diễn ra vô cùng khốc liệt trên nhiều vùng quê đất Việt. Hà Nội là trung tâm văn hóa chính trị của cả nước, cũng là một trong những trọng điểm nóng của chiến tranh.
Những ca khúc về Hà Nội cất lên hào sảng và trong sáng, thanh thoát bay xa. Đó là thành phố anh dũng, kiên cường giữa những ngày bom Mỹ tàn phá khốc liệt, ý chí quyết tâm chiến đấu của người Hà Nội như: “Hà Nội quyết đánh Mỹ”- Cầm Phong, “Hà Nội lên đường”- Xuân Giao.
Có những bài đi sâu vào con người Hà Nội cầm súng bảo vệ vùng trời Thủ đô như “Bảo vệ Hà Nội- Doãn Nho, hay một niềm tự hào ẩn chứa trong sự thanh thản của nam thanh nữ tú Hà Nội trong những ngày khói lửa: "Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công/ Đường thênh thang Ba Đình lịch sử/ Đường tấp nập Hoàn Kiếm Đồng Xuân/ Nghe náo nức trong lòng thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ/ Ơi cô gái! Súng trên vai sao vuông đầu mũ/ Em đi về đâu mà mắt em tươi sáng/ Em đi về đâu mà chân bước hiên ngang..."-“Bài ca Hà Nội” của Vũ Thanh.
12 ngày dêm Hà Nội làm nên một Điện Biên Phủ trên không đã mang đến những ca khúc vượt thời gian: “Hà Nội – Điện Biên Phủ”- Phạm Tuyên, “Tiếng hát của Hà Nội hôm nay”- Nguyễn An. Đặc biệt tinh thần lạc quan, niềm tin chiến thắng trong “Hà Nội niềm tin và hy vọng” đã làm nên biều tượng của cà nước: "Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời/ Làm tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô/ Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô/ Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau... Đây Thăng Long ngày nay chiến công rạng danh non sông/ Hà Nội mến yêu của ta/ Thủ đô mến yêu của ta/ Là ngôi sao mai rạng rỡ...” của Phan Nhân.
Hay, một sự bồi hồi cảm xúc: "Không thể nói trời không xanh hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba sáu phố phường..." trong ca khúc “Cảm xúc tháng Mười” của Nguyễn Thành phổ thơ Tạ Hữu Yên. Đó còn là thành phốcổ kính, thanh lịch trong “Có phải em mùa thu Hà Nội” của Trần Quang Lộc.
Những nhạc sĩ miền Nam cũng khai thác đề tài này như: “Gửi anh cao xạ pháo”- Lê Quỳnh, “Yêu tha thiết trái tim Tổ quốc”- Văn Chừng, “Cả nước hướng về Hà Nội”- Trọng Bằng. Trên mặt trận sản xuất, Hà Nội cũng có những ca khúc của một thời. Về công nhân, có “Bài ca công nhân Thủ đô”- Hồ Bắc, “Khi thành phố lên đèn”- Thái Cơ. Về nông dân, có “Cô gái ngoại thành”- Hoàng Vân, “Qua bãi sông Hồng”- Lê Lôi. Có những tác giả hầu như chỉ viết riêng về thiếu nhi Hà Nội như Lê Bùi, Trần Hữu Pháp...
Hà Nội Thủ đô Hòa bình
Mười năm sau khi đất nước thống nhất, và cả mấy năm đầu của thời kỳ đổi mới, hàng loạt ca khúc về Hà Nội được sáng tác như một sự bùng nổ cảm xúc. Một bức tranh âm thanh về Hà Nội, nhìn tổng thể là sự thuần khiết trong sáng, nhưng trong chiều sâu của nó lại bao chứa cái đa màu sắc với những cung bậc tình cảm khác nhau của các nhạc sĩ.
Ảnh: Mỹ Trà |
So với các thời kì trước, có lẽ không lúc nào có nhiều ca khúc về Thủ đô như thế. “Từ một ngã tư đường phố”- Phạm Tuyên, “Hà Nội mùa thu”- Vũ Thanh, “Trời Hà Nội xanh”- Văn Ký, “Một thoáng Hồ Tây”- Phó Đức Phương, đến “Nhớ mùa thu Hà Nội”- Trịnh Công Sơn, “Hà Nội một trái tim hồng”- Nguyễn Đức Toàn, “Nhớ về Hà Nội”- Hoàng Hiệp, “Hà Nội đêm trở gió”- Trọng Đài,
“Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”- Trương Quý Hải, “Có phải em mùa thu Hà Nội”- Trần Quang Lộc, rồi “Hà Nội và tôi”- Lê Vinh, “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội”- Nguyễn Cường, “Tình yêu Hà Nội”- Hoàng Vân, “ Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”, “Hoa Sữa”- Hồng Đăng, …Và các ca khúc của Trần Tiến, Thanh Tùng, Phú Quang về Hà Nội như một đề tài chuyên biệt của các nhạc sĩ này.….
Và một Hà Nội của thời hội nhập tiến bước vào thế kỷ 21 với lịch sử Thăng Long- Hà Nội ngàn năm tuổi, với nhiều nhạc sĩ trẻ thồi hơi thở hiện đại cuộc sống vào những ca khúc về Hà Nội với các phong cách nhạc hiện đại như: Pop, Rock, Rap, Rock unplugged pha lẫn R&B….
Vẫn là nét chân thực nhưng không kém phần lãng mạn về Hà Nội đương đại. Một "Hà Nội dịu dàng và ấm áp/ phố phường bao sắc màu, bao ánh đèn/ chiều nhạt nhòa Hồ Gươm lung linh/ dòng người vội vã/ ngồi ăn một quán ven đường..”- “ Hà Nội trà đá vỉa hè”- Đinh Mạnh Ninh…
Hà Nội, niềm cảm hứng vô tận của các nhạc sĩ kể từ mùa thu Tháng Tám lịch sử, và các ca khúc về Hà Nội luôn là những giai điệu làm xáo động tâm hồn người Việt, như chính ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà Nội/ Hà Nội của ta/ Thủ đô yêu dấu/ Một thời đạn bom. Một thời hòa bình…”./.
Từ khóa: VOV,VOVworld,VOV5,HaNoi,trongdongchay,amnhacViet
Thể loại: Tổng hợp Video
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5