Hà Nội: Phát triển thành phố sáng tạo trên nền Thủ đô nghìn năm tuổi
Cập nhật: 09/10/2020
VOV.VN - Một trong những định hướng lớn phát triển Thủ đô được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ 17 đó là phát triển thành phố sáng tạo cùng với danh hiệu "thành phố vì hòa bình".
Một trong những định hướng lớn phát triển Thủ đô được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ 17 Đảng bộ thành phố Hà Nội, đó là phát triển thành phố sáng tạo cùng với danh hiệu "thành phố vì hòa bình". Đây được coi là đòn bẩy trong phát triển bền vững trên nền tảng Thủ đô nghìn năm tuổi, không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư mà còn có vai trò trong giải quyết những vấn đề nóng đang đặt ra trong quá trình đô thị hóa hiện nay.
Hà Nội từng trong diện cảnh báo là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với các con số quan trắc cho thấy chỉ số không khí nhiều nơi ở ngưỡng nguy hại ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Lãnh đạo thành phố cũng từng "đau đầu" với những con sông chứa đầy rác và nước thải như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, sông Nhuệ, sông Đáy… Ô nhiễm nước các dòng sông không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống người dân vùng nội thành mà còn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ven đô.
Với ông Lê Văn Hoạch, ở thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, ô nhiễm nước và không khí đang là những thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển của đô thị Hà Nội. Trong đó, ô nhiễm nước sông Nhuệ, sông Đáy ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó huyện Ứng Hòa được thành phố xác định là vùng xanh, trong mảng nông nghiệp, người dân rất kỳ vọng ngoài năng suất ra thì có chất lượng, thương hiệu là lúa, cá, vịt nhưng nguồn nước hiện nay rất ô nhiễm, không đáp ứng được cho nhu cầu và nguyện vọng cho sản xuất nông nghiệp.
Mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô, giải quyết các bất cập nhất là về ô nhiễm đã được lãnh đạo thành phố trăn trở từ nhiều năm nay và được cụ thể hóa trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đai hội Đảng lần thứ 17 lần này của thành phố Hà Nội.
Năm 2019 thành phố Hà Nội đã quyết tâm xây dựng hồ sơ và chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Điều này cho thấy quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của Hà Nội trong việc phát triển Thủ đô với bản sắc riêng để đưa trái tim về văn hóa và sáng tạo của cả nước trở thành trung tâm sáng tạo của Khu vực và thế giới. Phát triển thành phố sáng tạo sẽ dựa chủ yếu trên nền tảng của những giá trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế xã hội nhằm giảm dần ô nhiễm do phát triển nóng về kinh tế.
Với bề dày văn hiến của thành phố nghìn năm, các nhà khoa học tin tưởng hoàn toàn có cơ sở để Hà Nội phát triển các tiềm năng thương mại và văn hóa Thủ đô để trở thành “Kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á”, như nhận định của TS Nguyễn Quang, Trưởng đại diện cơ quan phát triển khu dân cư và đô thị bền vững của Liên hợp quốc: “Các lớp lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội tạo lên sự khác biệt của Hà Nội. Các lớp của thời kỳ tiền phong kiến, phong kiến, thời kỳ thực dân, thời kỳ XHCN bao cấp và thời kỳ đổi mới. Đấy là tài sản đặc biệt làm nên sự khác biệt của Hà Nội. Trong thế giới ngày nay sự phát triển, sự khác biệt chính là một động lực tạo ra sự phát triển, sự cạnh tranh của các thành phố trên thế giới.”
Hàng trăm điểm sáng tạo vốn có của thành phố, cùng với nghệ thuật thủ công phong phú của khoảng 1.500 làng nghề truyền thống lịch sử lâu đời ở Hà Nội đang mở ra cơ hội để phát triển thành phố sáng tạo thu hút du khách. Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là các làng nghề đang phải đối mặt với nhiều thách thức cần được thành phố giải quyết, nhất là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và cơ sở hạ tầng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, cùng với việc xác định các nguồn nội lực, Hà Nội định vị tầm nhìn, xác định mục tiêu chiến lược để phát triển thủ Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Danh hiệu Thành phố sáng tạo về thiết kế của Hà Nội cũng như những định hướng mới cho chiến lược phát triển Thủ đô nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng và các đối tác quốc tế.
Theo đó, thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Hà Nội chính thức trở thành Thành phố sáng tạo về thiết kế, Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của Thành phố, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo.
Trở thành thành phố sáng tạo UNESCO, thành phố Hà Nội đã tham gia vào mạng lưới trên 240 thành phố của 84 quốc gia coi sáng tạo là nhân tố chiến lược cho phát triển bền vững, mở ra cơ hội hợp tác, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo với các thành phố sáng tạo toàn cầu như Béc lin, Thượng Hải, Singapo…
Với định vị thành phố sáng tạo, Hà Nội sẽ tham gia vào dòng chảy toàn cầu đưa sáng tạo trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển đô thị bền vững, góp vào thực hiện mục tiêu chiến lược đề ra trong Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng thành phố lần này.
Đó là đến năm 2025 đưa thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực ASEAN; đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực, quốc tế. Tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045 đặt mục tiêu, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế. Đó là khát vọng và niềm tin mà người dân cả nước gửi gắm vào Hà Nội, Thủ đô ngàn năm tuổi, văn hiến, anh hùng./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN