Giao việc thi tốt nghiệp THPT cho địa phương, nên có giám sát xã hội
Cập nhật: 26/05/2020
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN-Theo các chuyên gia giáo dục, các khâu giám sát kỳ thi dù chặt chẽ, nhưng mới chỉ là giám sát nội bộ trong ngành giáo dục, chưa có giám sát xã hội.
Theo dự thảo Quy chế thi Tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT vừa công bố, một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay là các khâu coi thi, chấm thi sẽ không có sự tham gia của giảng viên đại học như những năm trước. Công tác này được giao về cho các địa phương phụ trách.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, năm nay Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc; giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có sự giam gia của thanh tra các cấp. Cán bộ, giảng viên đại học không tham gia chấm thi, coi thi, nhưng Bộ cũng sẽ huy động những giảng viên có đạo đức tốt, có kinh nghiệm trong công tác chấm thi tham gia thanh tra, kiểm tra tại địa phương.
Tuy nhiên, sau những vụ gian lận thi cử chấn động đã xảy ra trước đây, dư luận vẫn băn khoăn việc giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương tổ chức liệu có an toàn?
Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, trong thi cử, tinh thần tự giác của học sinh và đạo đức của người thầy rất quan trọng. “Thầy giáo xưa nay vẫn là người được học sinh kính trọng, hết lòng vì học trò. Song thương trò không có nghĩa là nâng đỡ các em để xảy ra gian lận, mà phải dạy đến nơi đến chốn, đánh giá công bằng kết quả 12 năm học của từng em. Khi tinh thần tự giác ấy chưa cao, thì cần đến những biện pháp siết chặt, làm nghiêm. Song nếu như mỗi kỳ thi phải cử đến hàng chục ngàn giảng viên các trường đi coi thi là một sự tốn kém không cần thiết. Hiện nay xu hướng của các nước trên thế giới đều mở rộng đầu vào đại học, nhưng hẹp đầu ra. Các trường đại học có thể giám sát kết quả thi thực tế hay không trong quá trình học”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ ủng hộ việc không đưa giảng viên các trường ĐH về trông thi. Song nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, Bộ GD-ĐT cần cảnh báo về việc xử nghiêm nếu vi phạm quy chế thi. “Các phiên tòa xử vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình vừa diễn ra mới đây sẽ là bài học cho những ai tay muốn nhúng tràm sẽ phải nhìn vào đó để làm gương”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng, việc cử giảng viên xuống các địa phương trông thi là một sự lãng phí.
TS Khuyến thẳng thắn cho rằng: “Chắc gì sự có mặt của giảng viên đại học sẽ không để xảy ra tiêu cực. Từ hàng chục năm trước, khi tôi về các tỉnh trông thi. Trước ngày thi, lần nào lãnh đạo các tỉnh cũng chiêu đãi các thầy ở các trường đại học một bữa, nói khó khăn, nhờ vả để nới lỏng cho địa phương. Dù là thầy ở đại học, hay phổ thông, thì cũng không tránh khỏi những chuyện như thế. Còn việc chấm thi, hiện nay chỉ có môn Ngữ văn là tự luận, các trường khối ngành kinh tế, kỹ thuật cũng không có giáo viên chấm, nên thực tế vẫn phải thuê giáo viên phổ thông về chấm bài”.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục có thái độ kiên quyết trong xử lý tiêu cực. Lãnh đạo các địa phương cũng nên tập trung, tránh lơ là trong công tác tổ chức thi, cần nhìn vào hình ảnh người thầy tay còng, đầu cúi trước những phiên tòa xét xử làm bài học nhãn tiền chua xót.
TS Khuyến nhấn mạnh, để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, vai trò của người đứng đầu các địa phương rất lớn. “Nếu kỳ thi có vấn đề, tỉnh tổ chức thi, thì người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng cho rằng, hiện nay Bộ GD-ĐT cho lắp đặt camera, giám sát tại tất cả các khâu, tuy nhiên, việc giám sát, thanh tra mới chỉ nằm ở phạm vi ngành, chưa có giám sát của toàn xã hội.
“Hiện nay chưa có giám sát xã hội, mới chỉ dừng lại ở giám sát nội bộ. Đây là một trong những kẽ hở cho những kẻ muốn gian lận lợi dụng. Nếu như công khai toàn bộ quá trình chấm thi, coi thi, để bất cứ ai cũng có thể xem, giám sát sẽ đảm bảo kỳ thi được diễn ra minh bạch, an toàn”, TS Khuyến nói./.
Từ khóa: thi tốt nghiệp THPT, giao việc chấm thi cho các địa phương, thi tốt nghiệp THPT 2020, giám sát xã hội, học sinh
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN