Đồng Tháp triển khai cho vay để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Đồng Tháp sẽ triển khai cho vay để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và yêu cầu các Sở, ngành và các huyện, thành phố tập trung triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.

UBND Đồng Tháp đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL; chủ trì, theo dõi việc thực hiện của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tham gia Chương trình.

Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng kịp thời nắm bắt thông tin về nhu cầu vay vốn, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay của chương trình theo quy định.

Tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh và UBND các huyện, thành phố tham gia “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại tỉnh Đồng Tháp.

Rà soát tổng hợp tham mưu, trình UBND tỉnh báo cáo Bộ NN&PTNT để công bố các vùng chuyên canh đủ điều kiện, các liên kết và chủ thể đủ điều kiện tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp để các tổ chức tín dụng tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay.

UBND Đồng Tháp cũng yêu cầu các huyện huyện, thành phố xác định vùng chuyên canh lúa đủ điều kiện, các liên kết và chủ thể đủ điều kiện tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp, gửi Sở NN&PTNT tổng hợp để tỉnh gửi Bộ NN&PTNT để công bố theo quy định.

Tỉnh Đồng Tháp tham gia Đề án đến năm 2030 đạt 161.000 ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Tại mô hình thí điểm 43 ha ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp đã chứng minh giảm giống, giảm lượng phân bón, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, rơm được thu gom ra khỏi ruộng, được doanh nghiệp ký kết tiêu thụ lúa. Từ đó, nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hạt gạo, tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính 4,92 tấn/ha.

Theo Bộ NN&PTNT, Đề án được triển khai thí điểm tại 7 mô hình trên địa bàn 5 tỉnh, thành gồm Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Đến nay, có 4/7 mô hình thí điểm vụ Hè Thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực, cụ thể: Giảm chi phí 20 - 30%; tăng năng suất 10%; tăng thu nhập cho nông dân thêm 20 - 25%; giảm trung bình 5- 6 tấn CO2 tương đương trên 1 ha.

Với kết quả bước đầu khả quan của các mô hình thí điểm, với sự phấn khởi và đồng tình ủng hộ của nhiều hộ nông dân, HTX trồng lúa trong khu vực, Bộ NN&PTNT đã thống nhất chủ trương với các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình canh tác bền vững, giảm phát thải trên toàn bộ 12 tỉnh và áp dụng ngay trong vụ Thu - Đông 2024 và Đông - Xuân 2024-2025.

Từ khóa: Đề án 1 triệu ha lúa, Đề án 1 triệu ha lúa,vay vốn, ngân hàng, tín dụng, mô hình

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: phạm hải/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập