Đẩy nhanh công tác GPMB để tháo điểm nghẽn trong giải ngân vốn tại Cao Bằng

Cập nhật: 06/07/2024

VOV.VN - Năm 2024, tổng vốn đầu tư công của Cao Bằng là hơn 5.800 tỉ đồng (gồm hơn 1.200 tỉ đồng vốn năm 2023 kéo dài và của năm 2024 là hơn 4.600 tỉ đồng) nhưng hiện tỉ lệ giải ngân mới đạt 13,2% kế hoạch, thuộc các tỉnh có tỉ lệ giải ngân thấp nhất cả nước.

Do đó, việc khẩn trương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm nhằm cải thiện tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương này nửa cuối năm 2024

Đến hết tháng 6, Cao Bằng mới giải ngân chưa đến 750 tỉ đồng, đạt 13,2% kế hoạch, thậm chí vốn của năm 2024 mới chỉ đạt 9,4%. Nhiều đơn vị có nguồn vốn lớn, quản lý dự án trọng điểm nhưng tỉ lệ giải ngân thấp đã kéo toàn bộ tổng tỉ lệ toàn tỉnh. Có thể kể đến như Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng tỉnh Cao Bằng có tổng vốn hơn 992 tỉ đồng nhưng chỉ giải ngân được 15,2%; Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng có tổng vốn hơn 2.150 tỉ đồng, chiếm khoảng 37% tổng vốn toàn tỉnh nhưng tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 1,9%. Trong đó, số vốn bố trí cho dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) hơn 1.900 tỉ đồng, chiếm 34,2% kế hoạch vốn năm 2024, tuy nhiên, giải ngân mới đạt 1,5% kế hoạch. Nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng vừa thực hiện xong các công tác kiểm đếm, chưa phê duyệt được phương án và dự toán bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt vướng mắc ở phía Lạng Sơn cũng khiến nguồn kinh phí của Cao Bằng hỗ trợ cho Lạng Sơn chưa thể giải ngân.

Ông Hoàng Đức Thọ, Phó Giám đốc Phụ trách Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng cho biết: “Quan trọng nhất hiện phải làm đầy đủ thủ tục, phê duyệt được phương án, dự toán bồi thuờng để chi trả được cho người dân và giải ngân được vốn. Ban QLDA Đầu tư xây dựng giao thông Cao Bằng với nhiệm vụ đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phối hợp với doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hợp đồng PPP, khi đi vào phần xây dựng cơ bản thì mới có khối lượng để thực hiện giải ngân nhiều và đẩy nhanh tiến độ giải ngân”.

Hiện nhiều dự án trọng điểm khác của địa phương này cũng đều ở trong tình trạng vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công. Việc nhiều dự án liên quan đến đất rừng tự nhiên, đất cấy lúa 2 vụ buộc phải chờ Chính phủ phê duyệt, khiến thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư kéo dài hơn cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án chưa thể triển khai theo kế hoạch. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công trình, đây cũng là điều lo ngại của Cao Bằng với các dự án trọng điểm trong thời gian tới.

Ông Trần Trung Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng công trình 568, đơn vị tham gia thi công tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh cho biết: “Vướng nhất hiện là các mỏ vật liệu, dù được hưởng các cơ chế đặc thù nhưng thực hiện các thủ tục để có thể khai thác cũng nhiều vướng mắc, chúng tôi cũng đang cùng các doanh nghiệp dự án triển khai các thủ tục, chủ yếu là mỏ đất, còn đá và cát sẽ mua thương mại”.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác thống kê, giải phóng mặt bằng, đảm bảo giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng tiến độ; Yêu cầu các đơn vị có mặt bằng phải khẩn trương tập trung máy móc, nhân lực thi công theo kế hoạch. Đồng thời, các đơn vị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ vật liệu theo quy định.

Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: “Tỉnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương để làm sao đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án. Cái khó nhất vẫn là thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó có rừng tự nhiên và thiếu vật liệu xây dựng. Riêng về thủ tục đầu tư, chúng tôi cũng đã xác định những nguyên nhân khó khăn, vướng mắc nên yêu cầu với các dự án mới, các đơn vị chủ đầu tư phải triển khai song song khi chuẩn bị dự án. Phải chuẩn bị kỹ từ thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đánh giá tác động môi trường, tìm vị trí mỏ vật liệu, đất đắp…. như vậy khi triển khai sẽ thuận lợi hơn”.

Tỉnh Cao Bằng cũng yêu tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, nhiệm vụ cá nhân, giao cá nhân phụ trách đến từng dự án, chịu trách nhiệm theo dõi, bám sát tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác thẩm định, nâng cao chất lượng tham mưu, phấn đấu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30-50% so với quy định.

Từ khóa: Cao Bằng, giải phóng, công tác, giải ngân, Cao Bằng, mặt bằng, kế hoạch

Thể loại: Xã hội

Tác giả: công luận/vov-đông bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập