Chủ tịch UBND TP.HCM: Thành phố chưa có sự tăng trưởng đột phá

Cập nhật: 05/10/2024

VOV.VN - Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tình hình KT- XH TP 9 tháng qua tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước; tuy nhiên mức tăng trưởng của TP chưa có đột phá.

Sáng 5/10, Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM. Chủ trì buổi làm việc có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Kinh tế TP.HCM tăng trưởng nhưng chưa có đột phá

Báo cáo với đoàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tình hình KT- XH TP.HCM tăng trưởng tích cực, GRDP quý III đạt 7,33%, tính chung 9 tháng đạt 6,85%; Doanh thu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,5%; Xuất khẩu đạt 33,82 tỷ USD (tăng 10,2%); nhập khẩu đạt 44,1 tỷ USD (tăng 6,4%)…

Tuy nhiên, một số chỉ số chưa đạt kết quả như mong đợi, trong đó có các chỉ số liên quan tới dòng tiền vào thị trường, cụ thể: tổng vốn doanh nghiệp đăng ký mới và bổ sung giảm 22,7% (đạt 543.652 tỷ đồng); Thu hút FDI giảm 5% (1,849 tỷ USD); tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 20,8%.

"Có thể nhận định tổng quát thì 9 tháng đầu năm 2024 thì KT – XH TP.HCM tiếp tục đà tăng trưởng, có nhiều tín hiệu tích cực, quý sau tích cực hơn quý trước. Phần lớn các chỉ tiêu quan trọng đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thẳng thắn nhìn nhận là chưa có những tăng trưởng hay phát triển đột phá trong 9 tháng đầu năm", ông Phan Văn Mãi cho biết.

Về đánh giá khả năng hoàn thành chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020- 2025, ông Phan Văn Mãi cho biết, có khả năng hoàn thành 19/22 chỉ tiêu (trong đó 12 chỉ tiêu sẽ đạt; 1 chỉ tiêu phấn đấu đạt, 6 chỉ tiêu cần nỗ lực lớn để đạt ), 3 chỉ tiêu không đạt (tốc độ tăng GRDP do bị ảnh hưởng trực tiếp từ COVID giai đoạn 2020-2021; tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động).

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng báo cáo về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội như: Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Nghị quyết số 57 về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM; Nghị quyết số 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Cụ thể, ông Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết 98 đem lại cơ hội lớn, có tính đột phá để Thành phố tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh của Thành phố; phân cấp, tạo sự linh hoạt, chủ động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính; tạo cơ chế hoạt động thuận lợi, phát triển cho TP Thủ Đức vận hành mô hình "thành phố trong Thành phố" đầu tiên của cả nước.

Thực hiện Nghị quyết 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, ông Phan Văn Mãi cho biết, tiến độ khởi công, thi công các dự án thành phần cơ bản đáp ứng yêu cầu. Giai đoạn đầu dự án gặp rất nhiều khó khăn về khan hiếm nguồn vật liệu cát đắp nền đường.

Tuy nhiên, Thành phố đã chủ động phối hợp với các địa phương (Đồng Nai, Bình Dương, Long An) rà soát lại, thống nhất các mốc tiến độ thông xe các dự án thành phần, hoàn thành và đưa vào khai thác Dự án năm 2026, phát huy hiệu quả kinh tế- xã hội của Dự án theo mục tiêu đề ra.

Kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131, vai trò của HĐND Thành phố được phát huy hiệu quả thông qua nâng cao, tăng cường hoạt động giám sát, tái giám sát với nhiều hình thức và khảo sát thực tiễn; giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và đổi mới các diễn đàn đối thoại với người dân.

Tổ chức bộ máy của UBND các cấp được xây dựng theo hướng ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ, phù hợp với nhiệm vụ quản lý và điều kiện đặc thù của Thành phố…

Nhiều kiến nghị quan trọng để phù hợp thực tiễn

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đề nghị Quốc hội một số vấn đề.

Cụ thể, từ thực tiễn của TP, TP.HCM kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung, điều chỉnh hoặc có hướng dẫn đối với 25 nội dung liên quan đến: Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư…

Đối với việc thực hiện Nghị quyết 98, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, kiến nghị Quốc hội cho nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 98 về yêu cầu giải ngân vốn đầu tư đối với nhà đầu tư chiến lược, để đảm bảo phù hợp với thực tiễn thực hiện.

Đối với dự án Vành đai 3, TP kiến nghị Quốc hội ủng hộ việc cân đối nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ UBND tỉnh Bình Dương sớm nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng 15,3km đoạn Tân Vạn- Bình Chuẩn (đi trùng với đường Vành đai 3) để khai thác đồng bộ, hiệu quả khi Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đưa vào khai thác năm 2026.

"Đối với Nghị quyết 131/2020/QH14, TP kiến nghị Quốc hội có chủ trương tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 131. Từ đó, ban hành Nghị quyết mới toàn diện hơn, đủ rộng mạnh, phù hợp với tình hình của TP; đồng thời đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nội dung xây dựng Luật Đô thị đặc biệt TP.HCM", ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.

Từ khóa: tăng trưởng, TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM,KT - XH,đột phá

Thể loại: Nội chính

Tác giả: hà khánh/vov-tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan