Đà Nẵng ứng tiền cho dân vay trả nợ tiền đất tái định cư
Cập nhật: 21/01/2021
TP.HCM sẽ ra mắt “cẩm nang đầu tư” dành cho kiều bào
Phiên chợ đặc sản bản địa đem hương vị Tết mọi miền đến TPHCM
VOV.VN - Lãi suất của món vay này chỉ 4,8%/năm trong thời hạn 10 năm và hiện đã có gần 2.800 hộ đã trả được nợ với số tiền hơn 330 tỷ đồng.
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 45 của Chính phủ (trước đây) về thu tiền sử dụng đất, đối với hộ gia đình cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất thì phải trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm. Sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ.
Tuy nhiên, tiền sử dụng đất tái định cư theo giá tại thời điểm trả nợ là quá cao, nên người dân không đủ tiền để nộp so với mức thu nhập và gia cảnh hiện tại của họ. Tại thành phố Đà Nẵng, hàng ngàn hộ dân tái định cư còn nợ tiền sử dụng đất cả chục năm nay không có điều kiện trả nợ.
Trước thực trạng khó khăn này, UBND TP Đà Nẵng đã nhiều lần kiến nghị và Chính phủ đã ban hành Nghị định 79, sửa đổi Nghị định 45 theo hướng phù hợp với điều kiện trả nợ của người dân. Nghị định 79 của Chính phủ đã mở ra cơ hội cho người dân Đà Nẵng có tiền trả nợ tiền đất tái định cư. Thế nhưng, thời gian được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 79 sắp hết, thì trên địa bàn Đà Nẵng vẫn còn hơn 1.500 hộ dân nợ tiền đất tái định cư, với số tiền trên 216 tỷ đồng.
Khi TP Đà Nẵng đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, hàng chục ngàn hộ dân phải di dời, giải tỏa đến nơi tái định cư mới còn nợ tiền sử dụng đất. Trong đó, có rất nhiều hộ thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, không có khả năng trả nợ tiền đất tái định cư.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 79, có hiệu lực từ ngày 10/12/2019, UBND TP Đà Nẵng đã dành 250 tỷ đồng cho người dân vay thông qua ngân hàng Chính sách xã hội, để hỗ trợ người dân trả nợ tiền đất tái định cư. Lãi suất của món vay này chỉ 4,8%/năm trong thời hạn 10 năm. Đến thời điểm này đã có gần 2.800 hộ đã trả được nợ với số tiền hơn 330 tỷ đồng.
Bà Đặng Thị Hà, người dân ở Phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng bày tỏ, thời gian từ năm 1997 đến nay gia đình không có điều kiện để trả tiền đất vào ngân sách Nhà nước. “Từ khi Nghị định 79 ra đời, nhiều người dân khó khăn mới có điều kiện gửi tiền lại cho ngân sách Nhà nước. Chính sách của Nhà nước đưa ra kịp thời đã giúp nhiều người dân có điều kiện hoàn trả”.
Theo Nghị định 79, hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 chưa thanh toán, sẽ tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đến hết ngày 28/2/2021. Từ ngày 1/3/2021, hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất chưa thanh toán sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ. Hiện, thành phố Đà Nẵng còn hơn 1.500 hộ dân còn nợ tiền đất tái định cư. Trong số này, hơn 300 hộ đã nhận thông báo của cơ quan thuế nhưng chưa nộp với số tiền gần 60 tỷ đồng.
Nếu đến ngày 28/2 năm nay, các hộ dân không trả nợ thì từ ngày 1/3 trở đi, chính sách ưu đãi sẽ không còn, người dân phải trả tiền nợ đất theo giá thị trường; Trong khi đó, từ nay đến ngày 28/2 chỉ còn 20 ngày làm việc.
Ông Phan Trần Trung Vũ, Phó Trưởng Ban Giải phóng mặt bằng quận Sơn Trà - địa phương có đến gần 1.300 hồ sơ nợ tiền sử dụng đất cho biết, quận gửi hồ sơ đến từng hộ dân, tích cực vận động bà con khẩn trương hoàn tất hồ sơ thủ tục. Hiện, còn 42 hộ chưa hoàn tất hồ sơ thủ tục để trả nợ tiền đất.
“Nhiều hộ dân gặp vướng mắc như chưa liên hệ để nộp hồ sơ là hộ mua bán ủy quyền, chuyển đổi tên, không tìm được chủ cũ hoặc chủ đất cũ đã qua đời, định cư nước ngoài... Những vướng mắc về quy hoạch thuộc về thẩm quyền điều chỉnh của thành phố như diện tích đất hoặc quy hoạch lô đất cũng có nhiều thay đổi”, ông Vũ cho biết thêm.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đề nghị, UBND thành phố Đà Nẵng giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND xã, phường chủ động hướng dẫn người dân thực hiện chính sách hỗ trợ của thành phố; Những vướng mắc về quy hoạch thì cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm, đừng để người dân gặp khó.
“Đề nghị các cấp rà soát lại những bất cập từ phía cơ quan quản lý nhà nước trước đây để không làm khó cho người dân. Giờ đây nếu xin giãn thêm được 1 năm thì tốt mà không giãn được cũng phải tính. Đừng để người dân phải chịu trách nhiệm những cái sai của cơ quan quản lý nhà nước. Thủ tục cho vay nguồn 250 tỷ đồng đã bố trí cần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận”, ông Triết cho biết.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo cho các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp và các ngành liên quan tiếp tục tham mưu, đề xuất hướng tháo gỡ phù hợp và kịp thời cho người dân.
“Đến thời điểm này, UBND thành phố đã tạo điều kiện tốt nhất cho người dân theo quy định của Nghị định 79, thậm chí, có thể nhận những rủi ro về phía chính quyền. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã báo cáo về tình trạng thực hiện Nghị định 79. UBND thành phố đang chỉ đạo khẩn trương thực hiện, soạn thảo văn bản gấp đôn đốc, bởi chậm trễ chừng nào thì thiệt hại cho nhân dân lớn chừng đó”, ông Chinh quả quyết./.
Từ khóa: tái định cư, tiền sử dụng đất, thuế đất, vay vốn trả nợ
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN