Chuột dò mìn được vinh danh bất chấp thời của các thiết bị rà phá tiên tiến
Cập nhật: 28/09/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Mặc dù có công nghệ mới tinh vi, nhiều thiết bị nổ vẫn được dọn sạch bằng tay với sự trợ giúp của động vật đã qua huấn luyện, trong đó có chuột - con vật có thể phát hiện bom, mìn một cách đáng tin cậy và nhanh hơn người dùng máy dò kim loại, hoặc chó.
Các thiết bị dò tìm mìn còn có những bất cập
Thực tiễn cho thấy, các lực lượng khủng bố, phiến quân (và cả du kích) ngày càng sử dụng rộng rãi các thiết bị nổ tự chế (improvised explosive devices - IED), mìn, gây nhiều thiệt hại và khó khăn cho các lực lượng truy diệt chúng, kể cả quân đội các nước phương Tây. Cho đến khi Công ước Cấm mìn chống người (còn được gọi là hiệp ước Ottawa), có hiệu lực vào ngày 1/3/1999, mìn đã giết chết hoặc gây thương tật hơn 9.000 người mỗi năm.
Theo Landmine Monitor - chi nhánh nghiên cứu của Chiến dịch Quốc tế Cấm mìn - năm 2012, số lượng nạn nhân đã giảm xuống còn khoảng 3.620 người, khoảng 3/4 trong số đó là dân thường. Các phương pháp và thiết bị dò tìm được cải tiến đã trợ giúp, tăng số lượng bom mìn bị vô hiệu hóa và giảm số lượng mìn được cài đặt một cách đáng kể. Mặc dù vậy, người ta ước tính, trong lòng đất trên toàn thế giới, vẫn còn ít nhất 45 triệu quả mìn.
Sau khi xung đột chấm dứt và dân thường trở lại cuộc sống thường nhật, việc rà phá bom mìn không thể đảm bảo rằng, sau chiến tranh, các vùng đất chiến sự thật sự hết nguy cơ rình rập. Mảnh bom vung vãi và dư lượng thuốc nổ khiến rất khó kết luận có hay không còn mìn. Mìn có thể còn sót lại sau các vụ kích nổ và thậm chí một số mìn còn được thiết kế cho mục đích đó. Những người rà phá bom mìn còn gặp khó khăn khi sử dụng máy dò kim loại vì từ nhiều thập kỷ, chúng được chế tạo chủ yếu bằng nhựa.
Lực lượng NATO ở Afghanistan đã sử dụng một thiết bị dò mìn mới có kí hiệu là AN/PSS-14 (có giá hơn 20.000 USD), kết hợp khả năng dò kim loại với radar xuyên đất băng rộng, có thể phát hiện sự không đồng nhất của đất cho dù có kim loại hay không. Thiết bị này được phát triển bởi một nhóm các trường đại học Mỹ và công ty L3 CyTerra ở Florida, sử dụng các thuật toán để phân tích dữ liệu nhằm xác định các vật thể kim loại bị chôn vùi có thể là một bộ phận của quả mìn hay không.
Raytheon - một công ty quốc phòng của Mỹ - đã phát triển một thiết bị gắn trên xe tải có thể phát hiện bom, mìn và đường hầm bằng cách gửi tín hiệu âm thanh và địa chấn xuống lòng đất để tạo các rung động nhỏ được đo bằng tia laser. Mô hình của các rung động có thể được sử dụng để dự đoán những gì nằm dưới mặt đất. Thiết bị có giá trên dưới 100.000 USD.
Một hệ thống phát hiện mìn khác cũng được công ty của Australia Gap EOD chào hàng cho một công ty khai thác đồng muốn dò tìm những quả bom chưa nổ do máy bay Mỹ thả xuống Lào trong những năm 1960-1970, có giá hơn 250.000 USD. Thiết bị đó có tên là UltraTEM, sử dụng một máy phát điện 10kW để cấp dòng điện 25 lần mỗi giây cho một sợi cáp đồng đặt trên mặt đất cuốn thành vòng tròn có đường kính khoảng 100m.
Điều này tạo ra dòng điện cảm ứng trong bất kỳ kim loại nào bị chôn vùi và những dòng điện này có thể được phát hiện bằng thiết bị thu cầm tay. UltraTEM được cho là có thể tăng gấp đôi độ sâu phát hiện quả bom 250 pound lên hơn 5m trong một số loại đất nền.
Sau vài tháng mằm dưới đất, hầu như tất cả các quả mìn đều rò rỉ hơi liên quan sự hiện diện của chất nổ. Đại học Connecticut đã thiết kế một màng dạng sợi được tẩm bằng các hóa chất đặc biệt, có thể trải trên mặt đất như một tấm thảm. Màng này thay đổi màu sắc khi tiếp xúc với hơi từ chất nổ dẻo, có thể phát hiện một số chất nổ ở nồng độ tới vài phần nghìn tỷ. Độ nhạy như vậy là rất ấn tượng, nhưng chó có khả năng phát hiện cao hơn nhiều.
Những người chăn cừu Bỉ, Hà Lan và Đức sử dụng một số loại chó săn để xác định vị trí của các quả mìn trong đất. Một số giống chó có mũi nhạy bén nhưng tính cách của chúng không thích hợp cho công việc trên bãi mìn. Không những vậy, một vấn đề phát sinh với những chú chó là chúng có thể đủ nặng để kích nổ mìn sát thương và chó khó vận chuyển hơn.
MECHEM - một công ty con của nhà thầu quốc phòng Nam Phi Denel - đã có cách tiếp cận thông minh - sử dụng một thiết bị tạo chân không để lọc các hạt từ thuốc nổ đã ngấm ra từ mặt đất. Các bộ lọc được gửi đến phòng thí nghiệm, nơi chúng được đánh hơi bởi những con chó được huấn luyện trong điều kiện được kiểm soát một cách an toàn. Nếu những con chó phát hiện chất nổ trong bộ lọc cụ thể, thì khu vực đất tương ứng, thường khoảng 100m2, sẽ được khai quật.
Vì thành tích dò mìn, chú chuột Magawa được trao Huy chương Vàng
Ong cũng có thể được huấn luyện để phân biệt mùi thuốc nổ với thức ăn, nhưng rất khó theo dõi; trong khi chuột cũng có khả năng đó nhưng dễ kiểm soát hơn. Ở Mozambique, hàng chục con chuột châu Phi được những người rà phá mìn sử dụng để đánh hơi mìn. Theo APOPO - một tổ chức phi chính phủ của Bỉ - việc huấn luyện một con chuột cào đất khi ngửi thấy chất nổ mất khoảng 6.000 € (8.200 USD), chỉ bằng 1/3 chi phí huấn luyện một con chó. Những con chuột đủ nhẹ để đi qua mìn mà không làm mìn phát nổ.
Một con chuột có thể lục soát một khu vực rộng bằng sân quần vợt trong 20 phút, bỏ qua đống sắt vụn bằng cách phát hiện các thành phần hóa học của vũ khí. PDSA cho biết một người dùng máy dò kim loại tìm kiếm trong cùng một diện tích sẽ mất tới 4 ngày.
Kể từ khi APOPO được thành lập (1997), những trợ lý siêu phàm này đã giúp rà phá 13.200 quả mìn từ các bãi mìn ở Tanzania, Mozambique, Angola và gần đây nhất là ở Campuchia. Zacarias Chambe - chuyên gia phá mìn của APOPO, người trực tiếp sử dụng chuột ở tỉnh Tete (Mozambique) cho biết, con chuột có thể kiểm tra mìn dưới đất nhanh hơn người, và không có con chuột nào mắc lỗi dẫn đến tai nạn.
Kể từ những năm 1970, người ta ước tính có khoảng từ 4-6 triệu quả mìn đã được rải ở Campuchia, trong số đó, 3 triệu quả vẫn chưa được tìm thấy. Mìn đã giết chết khoảng 64.000 người ở Campuchia và đây là quốc gia có tỷ lệ người bị què cụt do bom mìn cao nhất trên thế giới, với hơn 40.000 người.
Đáng chú ý, một con chuột có tên là Magawa đã được trao tặng Huy chương Vàng PDSA vì cho đến nay, đã phát hiện được 39 quả mìn và 28 vật liệu nổ ở Campuchia. PDSA (People's Dispensary for Sick Animals) là một tổ chức từ thiện vì động vật ở Anh, được thành lập từ 1917. Huy chương Vàng PDSA chỉ được trao cho những động vật có công xuất sắc trong việc cứu sống con người hoặc động vật khi mạng sống của họ gặp nguy hiểm hoặc sự tận tâm đối với “công việc”.
Trong cuộc đời của mình, Magawa đã giúp rà soát hơn 141.000m2 đất. Magawa là con chuột đầu tiên giành được giải thưởng và là một trong một số Chuột anh hùng (‘HeroRAT’) được tổ chức phi chính phủ APOPO của Bỉ lai tạo và huấn luyện để phát hiện bom mìn. Cho đến nay, các HeroRAT đã phát hiện được khoảng 500 quả mìn và 350 quả bom chưa nổ ở Campuchia.
Nhiều giải pháp công nghệ cao mới có thể vẫn nằm ngoài khả năng tài chính của một số hoạt động rà phá bom mìn dân sự, ít nhất là cho đến khi giá giảm. Công việc này vẫn tiếp tục được thực hiện chủ yếu bằng tay với một số bộ dụng cụ cải tiến và sự hỗ trợ của những con vật được huấn luyện tốt. Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, một robot thông minh đủ khéo léo để khai quật và mang bom mìn… có thể sẽ được phát triển. Nhưng cho đến lúc đó, dò mìn - một trong những công việc nguy hiểm nhất trên thế giới - còn lâu mới được tự động hóa./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN