Chưa lên quận, giá đất huyện Thanh Trì, Hà Nội đã tăng chóng mặt
Cập nhật: 10/03/2021
Lễ hội Ánh sáng phương Đông: Tinh hoa Việt tỏa sáng trong kỷ nguyên mới
KienlongBank mang Tết đong đầy, lan tỏa yêu thương chào năm mới
VOV.VN - Từ sau khi có thông tin lên quận, giá đất tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) liên tục tăng nóng, có khu vực tăng 2 - 4 lần so với đầu năm 2020.
Từ giữa tháng 10/2020, khu vực huyện Thanh Trì xôn xao thông tin lãnh đạo địa phương đang có phương án xin ý kiến của UBND TP. Hà Nội để được xét duyệt lên quận, khiến đất nền tại nhiều khu vực tăng nóng.
Tại xã Tứ Hiệp - nơi được đồn đoán sẽ thành trung tâm hành chính của Thanh Trì khi lên quận, giá đất tăng chóng mặt, có những khu vực vị trí đắc địa giá đất đã tăng 2 - 4 lần.
Anh Nam (một môi giới nhà đất huyện Thanh Trì) cho hay, đất tại khu vực giáp được QL1A cũ có giá cao nhất, động từ 50 - 60 triệu đồng/m2 nếu có đường rộng ô tô đỗ cửa. Nhưng những khu đất như này bây giờ rất hiếm hoặc nếu có thì chủ đất cũng không muốn bán bởi chờ giá tăng thêm.
Những lô đất trong ngõ rộng tầm 2 m, giá cũng dao động từ 20 - 30 triệu đồng/m2, so với hồi đầu năm 2020 thì chỉ vào khoảng 12 - 18 triệu đồng/m2.
Còn tại các nơi mặt đường Ngọc Hồi – Văn Điển, mức giá bán dao động trong khoảng từ 60 triệu đến gần 100 triệu đồng/m2.
Cụ thể, trên trang batdongsan.com.vn, một lô đất có sổ đỏ tại Ngũ Hiệp có diện tích 45m2, được rao bán với giá 4,3 tỷ đồng, tương đương gần 96 triệu đồng/m2. Lô đất này được quảng cáo nằm trên mặt phố Ngũ Hiệp, có vỉa hè.
Hay 1 lô đất khác tại mặt phố Ngọc Hồi có diện tích 125m2 được rao bán với giá 8,8 tỷ đồng, tương đương 70,4 tỷ đồng/m2.
Các khu vực khác như Cầu Bươu, Ngũ Hiệp… giá đất cũng tăng từ 3 - 5 triệu đồng/m2.
Đất Cầu Bươu kể từ khi có khu đô thị mới Cầu Bươu cũng tăng từ 25 lên đến 30 triệu đồng mỗi m2. Nói về cơn sốt đất Thanh Trì thời gian gần đây, các chuyên gia bất động sản cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng khi dốc tiền theo tin đồn "quy hoạch sớm sẽ diễn ra" hay "hạ tầng được đầu tư”.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, giá cả, giá trị của các dự án không phải trong mọi trường hợp ngay khi huyện nâng cấp lên quận đều tăng.
Có những khu vực không tăng trong giai đoạn đầu, giá cả có những trường hợp rất ổn định và phải thêm nhiều năm sau mới có sự tăng trưởng về giá khi các yếu tố khác cùng đồng thời được phát triển và cải thiện.
Cũng theo bà Hằng, có những trường hợp giá trị bất động sản tại những khu vực chưa lên quận cũng đã cao hơn so với các dự án cùng hạng ở khu vực nội thành, khu vực đã lên quận do nằm trong tổng thể dự án, khu vực được đầu tư nhiều về quy hoạch, hạ tầng, các công trình tiện ích lớn.
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, khi quy hoạch từ nông thôn lên phường, quận thì tức là khu vực đó phải đạt được bao nhiêu phần trăm tỷ lệ đô thị hoá, đường sá, hạ tầng được đầu tư bài bản, cả về hạ tầng giao thông lẫn hạ tầng xã hội.
“Khi đó, cuộc sống mới tăng giá trị kéo theo bất động sản tăng giá. Nếu khu vực đó chưa có động thái đầu tư, mở rộng hạ tầng, nâng cao chất lượng tiêu chuẩn sống… thì có tăng giá cũng chỉ là tăng ảo” - ông Đính nói.
Từ khóa: sốt đất, giá đất tăng, lên quận, sốt đất ảo
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN