Cảnh báo doanh nghiệp khi giao dịch với đối tác châu Phi
Cập nhật: 21/04/2020
Nhu cầu bất động sản phục vụ thương mại điện tử, logistics tăng cao (2/12/2024)
Chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam (21/11/2024)
VOV.VN - Các doanh nghiệp trong nước cần thận trọng khi tìm kiếm bạn hàng qua mạng internet hoặc giao dịch với đối tác chủ động tìm đến qua website.
Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Gambia, Mali, Niger và Senegal cho biết, thời gian gần đây đã nhận được thư của một số doanh nghiệp (DN)Việt Nam trao đổi về những khó khăn trong khâu thanh toán xuất, nhập khẩu với đối tác châu Phi.
Tranh chấp trong hợp đồng xuất, nhập khẩu thường xảy ra khi các nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua hàng trả chậm, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở thư tín dụng L/C do chi phí cao. Trả chậm là phương thức thanh toán không an toàn gây bất lợi cho DN Việt Nam.
Ngoài ra, còn xuất hiện một số vấn đề khác trong khâu thanh toán như đối tác lừa đảo để lấy bộ chứng từ không qua ngân hàng. Sau khi nhận được bộ chứng từ, khách làm thủ tục lấy hàng từ cảng mà không thanh toán qua ngân hàng. Một số vụ việc đã có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng với khách hàng để không thanh toán.
Việt Nam tìm kênh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường châu Phi. (Ảnh minh họa: KT) |
Qua các vụ việc đã xảy ra, để tránh những giao dịch không an toàn, Thương vụ lưu ý các DN xuất khẩu của Việt Nam cần tìm kiếm đối tác qua các kênh chính thống như xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm quốc tế, các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc giao thương trực tiếp, qua giới thiệu từ các cơ quan xúc tiến thương mại và bạn hàng quen thuộc. Cần thận trọng khi tìm kiếm bạn hàng qua mạng internet hoặc giao dịch với đối tác chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam qua website.
Các DN cần đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để các cơ quan chức năng như Thương vụ Việt Nam tại châu Phi… có thể hỗ trợ tư vấn, xác minh trước khi tiến hành giao dịch.
Đề nghị khách hàng trả trước (đặt cọc) ít nhất là 40-50% giá trị tiền hàng, không chấp nhận phương thức trả chậm. Tuyệt đối không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (Document Acceptance - nhờ thu chấp nhận chứng từ) bởi một khi khách hàng đề nghị hình thức thanh toán này, rất có thể doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị mất hàng.
Nếu nhập khẩu hàng từ châu Phi về Việt Nam, cần tiến hành kiểm định hàng hóa thông qua tổ chức giám định quốc tế có uy tín tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu. DN Việt Nam nên cố gắng đàm phán với nhà cung cấp để không phải đặt cọc tiền hoặc đặt cọc mức tối thiểu. Đối với những đơn hàng đầu tiên, chỉ nên mua với khối lượng nhỏ.
Năm 2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Phi đạt 7,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 3,4 tỷ USD hàng hóa các loại, tăng 17% và nhập khẩu 4 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2018. Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang khu vực này gồm hàng công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, vật liệu xây dựng...
Việt Nam nhập khẩu từ châu Phi chủ yếu là hàng nguyên liệu thô như điều thô, bông, gỗ, đồng, quặng, thức ăn gia súc, khí hóa lỏng... phục vụ các ngành công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu./.
Từ khóa: Cảnh báo doanh nghiệp, thị trường châu phi, hợp đồng xuất khẩu, đối tác, thanh toán
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN