Cần bổ sung hình thức xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm PCCC
Cập nhật: 03/07/2024
Gần 50% phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí TP.HCM là đảng viên
Vụ tai nạn liên hoàn trên Quốc lộ 5 tối 19/11: 2 người bị thương nặng
VOV.VN - Theo chuyên gia, song song với việc gắn trách nhiệm với cơ quan quản lý nhà nước như hiện nay thì cần thiết bổ sung thêm hình thức phải tự chịu trách nhiệm của các chủ hộ gia đình, cơ quan doanh nghiệp trong vi phạm PCCC.
Thời gian qua trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân chủ yếu là các cơ sở này không tuân thủ đúng theo quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC). Liên quan đến nội dung này, ông Bùi Xuân Thái - Phó Chủ tịch Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam cho biết, hiện nay, các quy định để đảm bảo an toàn PCCC đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, tình trạng không tuân thủ đúng theo các quy định PCCC đang diễn ra khá phổ biến, và là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy, để lại những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
"Để đảm bảo an toàn PCCC, trong thời gian tới, theo quan điểm của tôi việc quan trọng là cần nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động phòng ngừa cháy, nổ thông qua việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về an toàn PCCC. Làm sao để mọi người dân luôn chủ động trong công tác phòng ngừa cháy, nổ", ông Bùi Xuân Thái nhấn mạnh.
Theo ông Bùi Xuân Thái cần chú trọng 1 số biện pháp như, cần bố trí đủ các lối thoát nạn tại ngôi nhà, gồm lối thoát nạn bên dưới (ra cửa chính), lối thoát nạn bên trên (lối thoát nạn khẩn cấp) ra ban công, lên sân thượng, lên mái nhà. Không được bố trí xe cộ, hàng hóa, vật dụng tại các lối thoát nạn, làm cản trở quá trình thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Các gia đình cần thường xuyên kiểm tra việc sử dụng an toàn các thiết bị điện và hệ thống điện trong nhà. Trường hợp không đảm bảo an toàn thì cần thay thế bằng các thiết bị điện, dây dẫn điện đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về điện. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt tiềm ẩn nguy cơ gây cháy khác như bếp đun, thắp hương, hóa vàng mã,…. , sử dụng an toàn các chất dễ gây cháy, nổ.
Mỗi gia đình cũng cần trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy xách tay. Nếu có điều kiện thì trang bị mỗi tầng 01 bình. Chủ hộ cần hướng dẫn cho mọi người trong nhà (kể cả trẻ em) sử dụng thành thạo bình chữa cháy xách tay để có thể chủ động dập tắt đám cháy ngay khi phát hiện ra cháy. Nếu có điều kiện thì trang bị thêm các thiết bị cảnh báo cháy sớm, dây hạ chậm, mặt nạ phòng khói...để phục vụ cho việc thoát nạn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam cho rằng, với các công trình sai phép, vi phạm phòng cháy chữa cháy, pháp luật đã có các quy định về xử phạt vi phạm hành chính (theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (theo Bộ Luật hình sự 2015). Tuy nhiên, với các chủ đầu tư cố tình vi phạm (có thể các mức xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ mạnh để răn đe) thì việc cắt điện, cắt nước tại các công trình vi phạm là cần thiết. Mục đích chính là để chủ đầu tư không thể đưa công trình vào sử dụng khi chưa khắc phục các vi phạm theo yêu cầu của cơ quan quản lý. "Như vậy, biện pháp cắt điện, cắt nước là phù hợp", ông Bùi Xuân Thái khẳng định.
Về nội dung này, ông Đỗ Anh Quyến chuyên gia về công tác PCCC&CNCH đề xuất: "Song song với việc gắn trách nhiệm với cơ quan quản lý nhà nước như hiện nay thì cần thiết bổ sung hình thức phải tự chịu trách nhiệm của các chủ hộ gia đình, cơ quan doanh nghiệp trong vi phạm. Như thế các tổ chức, cá nhân sẽ phải tự nâng cao ý thức trong phòng cháy chữa cháy".
Để giảm thiểu nguy cơ về cháy nổ, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại khu dân cư, đặc biệt tại các khu dân cư tập trung nhiều khu nhà trọ, nhà cho thuê để ở, khu nhà ở kết hợp nhiều căn hộ (chung cư mini), ông Đỗ Anh Quyến khuyến cáo chủ cơ sở cho thuê trọ thực hiện các giải pháp như tại khu vực để ô tô, xe máy (tầng hầm, nửa hầm, tầng 1…) phải được ngăn cháy với khu vực ở, cầu thang bộ, thang máy của nhà và có lối thoát nạn riêng; bố trí ô tô, xe máy phải bảo đảm đúng số lượng, vị trí quy định, ngăn cách với nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Cửa đi trên lối ra thoát nạn tại tầng 1 sử dụng cửa bản lề, trường hợp lắp đặt cửa cuốn, cửa trượt thì phải sử dụng loại cửa có cơ cấu tự thu, mở nhanh, có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.
Bố trí lối ra khẩn cấp qua ban công hoặc lô gia các tầng; lối lên sân thượng hoặc mái dẫn đến khu vực lánh nạn tạm thời; lối ra trực tiếp qua các ô cửa sổ mà mép dưới cửa sổ.
Nếu sử dụng xe đạp điện cần bố trí vị trí sạc cho xe điện ngăn cách với khu vực để xe sử dụng động cơ khác (ngăn cách bằng hành lang, lối đi hoặc không gian trống không có tải trọng cháy...). Khi sạc điện không để xe, ắc quy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt.
Trong quá trình sạc điện phải có người thường trực và thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; khuyến cáo không nên sạc điện qua đêm. Cần bố trí cầu dao điện, aptomat, cầu chì... tại tủ điện cấp nguồn cho xe điện đảm bảo đóng ngắt bằng tay khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
Trang bị phương tiện PCCC phải phù hợp với yêu cầu trang bị của nhà và công trình tại TCVN 3890. Lưu ý trang bị, bố trí các phương tiện chữa cháy ban đầu (bình chữa cháy xách tay, bình chữa cháy xe đẩy, bình cầu treo...) tại các vị trí đảm bảo thuận tiện thao tác trong quá trình chữa cháy. Khuyến cáo và kiến nghị trang bị hệ thống cảnh báo cháy.
Từ khóa: vi phạm PCCC, vi phạm PCCC, lối thoát nạn, phòng cháy chữa cháy
Thể loại: Xã hội
Tác giả: văn ngân/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN