Bộ trưởng KH-ĐT: Chống suy thoái kinh tế sau Covid-19 như chống giặc

Cập nhật: 02/07/2020

VOV.VN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm "đầy thách thức" và đề xuất lập ban chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ và các địa phương sáng 2/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19.Theo đó, tuyệt đối không chủ quan; xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được Thủ tướng Chính phủ khởi xướng.

sau covid-19: chong suy thoai kinh te nhu chong giac hinh 1
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu đang suy thoái nghiêm trọng. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. Song, các tổ chức vẫn đánh giá tích cực tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong đó, WB dự báo tăng 2,8%; IMF dự báo tăng 2,7% và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng 4,1%.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn.

Diễn biến dịch Covid-19 còn rất phức tạp, khó lường và Việt Nam chưa thể mở cửa trở lại với các quốc gia. Triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sản xuất được vaccine, thuốc điều trị Covid-19. Nếu để dịch bùng phát trở lại trong nước thì hậu quả sẽ rất nặng nề, sẽ có nhiều doanh nghiệp bị tổn thương, tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản... ảnh hưởng rất lớn đến thành quả phát triển của đất nước trong những năm gần đây và sẽ mất rất nhiều năm, nhiều chi phí để phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế và có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển cho đất nước”, ông Dũng nhấn mạnh.

Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung cao độ; nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng và quán triệt phương châm hành động mới để phục hồi và phát triển kinh tế.

“Chúng ta cần tận dụng tối đa thời cơ và cơ hội để tạo động lực mới cho phát triển, nhất là sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế sau khi kiểm soát thành công dịch Covid-19. Phát huy tối đa các lợi thế để đón nhận hiệu quả sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế phục vụ phát triển đất nước. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong nước, tham gia xây dựng các quy chuẩn, quy định, luật chơi mới trong quản trị kinh tế toàn cầu và khu vực. Đồng thời mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Cụ thể, đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, cần kiểm soát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để tái nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, ổn định giá thịt lợn trong nước, hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục chăn nuôi lợn. Duy trì và đẩy mạnh phát triển sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước cho các sản phẩm.

Đẩy mạnh xuất khẩu và ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, hậu cần giao nhận… Tìm kiếm thị trường mới đối với các mặt hàng đang bị hủy hoặc giãn tiến độ giao hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nâng cao năng lực xác nhận xuất xứ và nguồn gốc sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm nông sản chính ngạch sang các thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc.

Đối với sản xuất công nghiệp, cần chủ động thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. Tập trung xử lý hàng công nghiệp tồn kho.

Đẩy mạnh kích cầu và củng cố nền tảng thị trường nội địa. Tiếp tục triển khai mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa, khẩn trương đưa Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động. Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường trong nước. Có kế hoạch khai giảng phù hợp để học sinh có thời gian nghỉ hè thỏa đáng và gia đình có thêm thời gian du lịch, góp phần kích thích tăng trưởng ngành dịch vụ. Bảo đảm cân đối cung cầu một số mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá cả thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong đó tập trung tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới.

Khuyến khích tổ chức tín dụng triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi để góp phần duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất hợp lý, bảo đảm khôi phục sản xuất, việc làm cho người lao động.../.

Từ khóa: chống suy thoái kinh tế như chống giặc, Nguyễn Chí Dũng, covid, giải pháp kinh tế chống covid, dự báo kinh tế Việt Nam

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập