Xem xét bổ sung quy định hồ sơ phê chuẩn việc khám xét nơi ở của đại biểu Quốc hội
Cập nhật: 20/10/2022
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội bổ sung quy định về hồ sơ dự thảo nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH.
Chiều 20/10, tại Kỳ họp thứ 4, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Ông Bùi Văn Cường cho biết, việc sửa đổi Nội quy kỳ họp 2015 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho việc thực hiện, đồng thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Những điểm mới được sửa đổi, bổ sung ở Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đó là bổ sung một số quy định về kỳ họp bất thường; Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của ĐBQH khi tham dự kỳ họp, sửa quy định về trách nhiệm của ĐBQH khi không thể tham dự kỳ họp hoặc phiên họp tại kỳ họp nhằm góp phần khắc phục tình trạng nhiều đại biểu vắng trong thời gian qua; Sửa đổi quy định về tài liệu kỳ họp; quy định về lấy ý kiến ĐBQH bằng hình thức phiếu xin ý kiến; Bổ sung quy định về hình thức làm việc trực tuyến, theo đó Quốc hội có thể họp trực tuyến hoặc kết hợp họp trực tiếp với họp trực tuyến.
Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) có bổ sung quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi phát biểu, tranh luận, thảo luận nhằm bảo đảm phiên họp diễn ra sôi nổi nhưng vẫn giữ được sự nghiêm túc, trang nghiêm của phiên họp
Bổ sung quy định về thảo luận tại phiên họp toàn thể, trong đó có nguyên tắc điều hành và sự linh hoạt trong điều hành phiên thảo luận của Chủ tọa hoặc người được phân công điều hành phiên họp (trách nhiệm hướng đại biểu phát biểu, tranh luận tập trung vào nội dung trọng tâm của phiên họp; chủ động mời ĐBQH phát biểu, tranh luận không theo thứ tự đã đăng ký; có quyền yêu cầu đại biểu dừng phát biểu, tranh luận khi phát biểu, tranh luận không đúng trọng tâm, vượt quá thời gian; có quyền kéo dài thời gian của phiên họp; rút ngắn thời gian phát biểu tại phiên họp);
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về chất vấn tại phiên họp toàn thể theo hướng giảm thời gian ĐBQH nêu chất vấn xuống không quá 1 phút/lần, giảm thời gian trả lời chất vấn xuống không quá 3 phút/câu hỏi. Đại biểu được quyền tranh luận với người trả lời chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đã được ĐBQH hỏi, thời gian tranh luận không quá 2 phút; trách nhiệm của Chủ tọa trong việc hướng đại biểu tập trung vào nhóm vấn đề chất vấn và việc tuân thủ các quy định tại phiên chất vấn.
Đáng chú ý, dự thảo bổ sung quy định về hồ sơ dự thảo nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành việc nghiên cứu sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội; thống nhất với 4 mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về Kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định về kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường trong dự thảo Nội quy kỳ họp. Bên cạnh đó, đề nghị cân nhắc bổ sung quy định kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt tùy theo nội dung, chương trình được Quốc hội thông qua tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Nội quy kỳ họp để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc để quy định phù hợp hơn đối với trường hợp một số đại biểu bắt buộc phải vắng mặt tại một số phiên họp toàn thể, họp Tổ... để tham gia các cuộc làm việc với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan về tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ thuật các dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thì không coi là vắng họp.
Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định giao Ủy ban Tư pháp thẩm tra đối với nội dung phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội (khoản 2 Điều 46) nhằm bảo đảm sự thận trọng, khách quan trong việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nội dung liên quan đến quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 37 của Luật Tổ chức Quốc hội.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, yêu cầu về thủ tục phê chuẩn đề nghị về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội đòi hỏi phải rất nhanh chóng, khẩn trương nên cần căn cứ thực tiễn để quy định phù hợp hơn quy trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại kỳ họp Quốc hội.
Loại ý kiến này đề nghị cân nhắc quy định theo hướng Ủy ban Tư pháp có báo cáo ý kiến về nội dung này trình Quốc hội tại phiên họp toàn thể mà không phải tổ chức phiên họp Ủy ban để thẩm tra vì thủ tục thẩm tra phải tuân theo những bước nhất định, đòi hỏi có thêm thời gian để thực hiện../.
Từ khóa: Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi, bổ sung kỳ họp bất thường họp trực tuyến vào nội quy họp quốc hội
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN