Xe bị ngập nước phải làm gì?
Cập nhật: 30/05/2022
Range Rover Velar mới ra mắt tại thị trường Việt Nam
Chiếc Porsche 911 Dakar cuối cùng được sản xuất sẽ là một phiên bản đặc biệt
VOV.VN - Vừa qua, những trận mưa lớn đã khiến không ít con phố tại Hà Nội bị ngập sâu trong nước khiến cho việc di chuyển của các phương tiện giao thông bị ảnh hưởng. Vậy nếu xe của bạn bị ngập nước hay đi qua các đoạn đường ngập thì hãy chú ý những điều dưới đây.
Mùa mưa tới, việc phải đối diện với những con phố ngập nước là điều không tránh khỏi đối với những tài xế ở các thành phố: Hà Nội, TP HCM... Bên cạnh đó, các tài xế cũng sẽ có nguy cơ gặp phải những đoạn bị ngập nước trên các cung đường sình lầy ở nhiều nơi do địa hình trũng.
Vì vậy, điều quan trọng khi lựa chọn di chuyển qua các cung đường ngập nước, lái xe cần đánh giá đúng về mức độ ngập của đoạn đường mình định lái xe qua. Nếu mức nước quá sâu hoặc không thể đánh giá được tình trạng ngập nước thì tốt nhất bạn nên dừng lại.
Nếu quyết định lái xe đi qua đoạn đường ngập nước nên tắt tất cả các phụ tải như: Điều hòa, hệ thống giải trí... để tăng khả năng vận hành của động cơ. Ngoài ra, các tài xế cũng cần ghi nhớ một số kỹ năng cơ bản khi đi qua những con đường ngập nước hoặc không may bị chết máy khi đang đi qua đường ngập.
Đi qua đường ngập cần lưu ý điều gì?
Theo các chuyên gia về hướng dẫn lái xe an toàn, khi gặp các đoạn đường ngập nước, lái xe nên đi số thấp tắt tất cả các phụ tải như: Điều hòa, hệ thống giải trí... để tăng khả năng vận hành của động cơ.
Với xe số tự động, người lái nên chuyển chế độ S, ga từ từ và không nên thốc ga. Bởi khi đi đường đông, ngập nước, việc thốc ga và phanh lại khiến nước có thể sẽ tràn vào cổ hút, xâm nhập vào máy gây hiện tượng thủy kích. Chính vì thế, người lái nên dừng lại, quan sát xem khoảng cách ngập nước có rộng hay không để đi.
Đặc biệt lưu ý là không dừng lại trong vùng ngập. Nếu bắt buộc phải dừng lại thì về số N (mo), kéo phanh tay và vẫn giữ ga. Khi có thể tiếp tục lăn bánh, nhanh tay vào số và di chuyển qua vùng ngập.
Lái xe ở vòng tua máy cao và số thấp - tùy thuộc vào loại hộp số. Giữ tốc độ ổn định. Chân không được rời chân ga. Động cơ đang giảm tốc có thể hút nước vào trong thông qua ống xả và làm hư hại bộ chuyển đổi xúc tác khí thải. Chắc hẳn bạn cũng không muốn bộ lọc không khí phía trước hút nước vào động cơ, vì vậy hãy lái thật chậm. Trong cả hai trường hợp, hư hại sẽ rất nghiêm trọng và chi phí sửa chữa sẽ cao.
Tại các đoạn đường ngập nước sâu, cách tốt nhất là dừng hẳn xe lại. Trường hợp nước tràn vào khoang máy và nội thất, gây chết máy, người lái cần gọi cứu hộ đưa xe về trạm sửa chữa để có phương án xử lý tốt nhất, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
Với những chiếc ô tô bị chết máy khi đi qua đoạn ngập nước, tuyệt đối không khởi động lại. Nếu cố nổ máy có thể làm cong tay biên, trường hợp nặng có thể gãy tay biên dẫn đến vỡ lốc máy. Nguyên nhân là do nước tràn vào động cơ gây hiện tượng nén nước (thủy kích). Vì thế, cách tốt nhất là không cố khởi động mà hãy gọi cứu hộ.
Sau khi đi qua đường ngập cần làm gì?
Để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục hành trình, hãy thực hiện các bước kiểm tra đơn giản dưới đây để chắc chắn rằng những hệ thống quan trọng không bị ảnh hưởng bởi nước.
- Nhấn phanh nhẹ nhàng để đảm bảo phanh vẫn hoạt động, má phanh sau khi lội nước sẽ cần một khoảng thời gian để ráo nước. Thêm nữa, hãy dừng lại kiểm tra một chút để đảm bảo không có túi nilon hay rác rưởi mắc vào lưới tản nhiệt hoặc các lá tản nhiệt bên trong.
- Kiểm tra còi xe.
- Kiểm tra đèn pha phía trước và đèn hậu.
- Kiểm tra hệ thống lái trợ lực.
Sau khi vượt qua những cung đường ngập thành công, hãy vệ sinh xe thật sạch và nên đến gara gần nhất để kiểm tra toàn diện.
Nước ngập vào khoang nội thất xử lý như thế nào?
Xe bị ngập nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống điện, do đó nên tắt chìa khóa điện. Việc này giúp bảo vệ các thiết bị điện tử và tránh bị chập. Hơn nữa, khi mức nước ngập quá cao thì tuyệt đối không mở cửa xe. Nước sẽ tràn vào bên trong làm hư hỏng các bộ điều khiển và nội thất xe. Nếu cần rời khỏi xe, lái xe nên hạ kính và chui ra khỏi xe
Trường hợp nước mới ngập vào nội thất chưa nhiều, chưa thể gây chập thiết bị điện, người lái có thể lái xe về nhà, tháo cực âm ắc-quy để qua đêm. Sau đó, gọi cứu hộ mang đến các trung tâm sửa chữa để xử lý. Với hiện tượng này, cách tốt nhất là sấy sàn.
Với trường hợp nước ngập sâu trong khoang nội thất, người lái cần gọi ngay cứu hộ, đưa xe đến các trung tâm sửa chữa để được xử lý kịp thời.
Ngoài ra, theo lời khuyên của các kỹ thuật viên và thợ sửa chữa, khi phát hiện nội thất xe của bạn bị ngấm nước, tốt nhất là nhanh chóng tìm một gara ô tô quen thuộc để làm sạch, trước khi nội thất kịp bốc mùi, nhất là với những xe bọc nỉ. Tùy theo xe nội thất nỉ hay da mà việc dọn nội thất được thực hiện với đôi chút khác biệt.
Phần đỡ chắn dưới cùng của sàn xe được làm bằng kim loại và xử lý bằng các vật liệu cách âm nên rất kín. Khi nước theo lối cửa tràn vào và lọt xuống, tạo thành những ngăn chứa nước lớn mà nước không thể tự thoát ra ngoài. Ống dẫn khí điều hòa bị bẩn, thậm chí có thể tắc khi nước bẩn tràn vào.
Sau khi đã hút sạch nước ra, dùng máy sấy khô toàn bộ. Các bu-lông hay vít ngấm nước mưa có thể bị han rỉ nhanh chóng, nên việc quan trọng khi vệ sinh sàn xe là dùng dầu chống rỉ sét và mỡ tra vào.
Nếu không may đi vào đường ngập và bị chết máy, bạn tuyệt đối không được cố khởi động lại vì rất có thể gây thủy kích khiến xe bị hư hỏng nặng. Trong trường hợp này bạn hay để ngồi trong xe và gọi cứu hộ để đưa xe về gara kiểm tra. Nếu cố nổ máy có thể làm cong tay biên, trường hợp nặng có thể gãy tay biên dẫn đến vỡ lốc máy. Nguyên nhân là do nước tràn vào động cơ gây hiện tượng nén nước (thủy kích). Bạn cũng không nên mở cửa xe vì rất có thể sẽ khiến nước bên ngoài tràn vào trong xe./.
Từ khóa: Xe bị ngập nước phải làm gì, kinh nghiệm đi xe qua đường ngập
Thể loại: Ô tô - Xe máy
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN