Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là yêu cầu tất yếu
Cập nhật: 08/10/2022
Campuchia, Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận Rồng vàng lớn nhất từ trước tới nay
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
VOV.VN - Đối với Việt Nam, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN được đặt ra xuất phát từ yêu cầu tất yếu của quá trình cách mạng theo ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội nhằm xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt mục tiêu: đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam phấn đấu trở thành nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện những mục tiêu này cần có phương thức tổ chức quyền lực nhà nước đáp ứng yêu cầu thực tế đã và đang đặt ra.
Do đó, Nghị quyết Đại hội XIII xác định: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.”. Đây là vấn đề lớn, đòi hỏi phải lý giải cả về lý luận và thực tiễn nhiều năm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam, được Đảng chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, tạo cơ sở hiện thực hóa con đường, mục tiêu lý tưởng cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta lựa chọn.
Xuất phát từ thực tế đó, VOV thực hiện loạt bài: Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và một số vấn đề đặt ra.
Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền luôn gắn liền với tư tưởng phát triển dân chủ đã hình thành từ thời cổ đại, thể hiện trong quan điểm của các nhà tư tưởng nổi tiếng như Xôcrát, Arixtốt, Xixêrông… Cùng với các nhà lý luận, nhiều nhà luật học, nhà tư tưởng vĩ đại cũng góp phần phát triển các tư tưởng về Nhà nước pháp quyền. Đến thời kỳ C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin, tư tưởng về nhà nước pháp quyền được làm sáng tỏ, đầy đủ hơn trên cơ sở phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để mở ra triển vọng về xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự của đa số, do đa số và vì đa số nhân dân.
Đối với Việt Nam, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN được đặt ra xuất phát từ yêu cầu tất yếu của quá trình cách mạng theo ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội nhằm xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kết hợp nhuần nhuyễn quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin với việc kế thừa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nhân loại, kinh nghiệm quốc tế về dân chủ, pháp quyền, vận dụng sáng tạo vào điều kiện của Việt Nam.
PGS.TS Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra quan hệ giữa việc thực hành pháp luật với xây dựng Nhà nước phục vụ nhân dân.
"Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước Pháp quyền đã có từ lâu. Ngay từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước đã tiếp cận tới tư tưởng rất tiến bộ của nền văn minh nhân loại của thời kỳ cách mạng tư sản ở Châu Âu. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn và có vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đặc biệt là tư tưởng về Nhà nước thực sự của nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thực sự thuộc về nhân dân”- PGS-TS Tào Thị Quyên cho hay.
Ngay sau khi tuyên bố độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã rất đúng đắn khi tích cực chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa I và ban hành Hiến pháp 1946 nhằm bảo đảm Nhà nước ta được tổ chức và hoạt động theo hướng dân chủ, pháp quyền, hợp hiến, hợp pháp. Cùng với những bước phát triển của cách mạng, của đất nước yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN dần được đặt ra một cách trực diện cả về lý luận và thực tiễn. Lần đầu tiên, khái niệm về “Nhà nước pháp quyền XHCN” được nêu ra tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 7 (năm 1991) và tiếp tục được khẳng định tại nhiều văn kiện của Đảng, trong đó có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011). Đến Hiến pháp năm 2013, khái niệm về Nhà nước pháp quyền đã được nêu cụ thể.
Hiến pháp năm 2013 quy định những vấn đề căn cốt của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đặc biệt là quyền con người, quyền công dân. TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, Hiến pháp 2013 ghi nhận tất cả các quyền con người, quyền công dân đạt chuẩn mực thế giới. Ở những nước tiên tiến nhất, người dân có quyền gì thì nhà nước ta có quyền đó. Hiến pháp 2013 mạnh mẽ đến mức quyền con người, quyền công dân chỉ được hạn chế trong 4 trường hợp: quốc phòng, an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội; đạo đức xã hội; sức khỏe cộng đồng. Ngoài 4 trường hợp đó không có gì hạn chế quyền con người. Nhưng trong 4 trường hợp đó cũng chỉ hạn chế quyền con người bằng văn bản có hiệu lực của Quốc hội.
Việt Nam đã gia nhập hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Đặc biệt là nước thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên ở khu vực châu Á tham gia Công ước quyền trẻ em; Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Đến nay, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, về chất lượng phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt các chỉ số y tế, giáo dục, việc làm và phát triển nông thôn. Việt Nam nằm trong nhóm đầu trong 3 nhóm về số năm sống khỏe theo tỷ lệ phần trăm tuổi thọ (11,7%) và số giường bệnh (32 giường/100 nghìn dân). Tất cả giáo viên tiểu học đều được đào tạo, điện khí hóa nông thôn đạt 100% dân số, tỷ lệ thất nghiệp thấp. Kết quả trên có được là do quyền con người luôn là một vấn đề trọng tâm trong tiến trình phát triển ở Việt Nam.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN gắn liền với xây dựng hệ thống pháp luật và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển. Mấy nhiệm kỳ Đảng đã đưa nội dung này vào Nghị quyết, xác định hoàn thiện thể chế là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược. Gần 20 năm qua, hệ thống pháp luật của nước ta đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, điều chỉnh tất cả các lĩnh vực lớn, cơ bản của xã hội và yêu cầu phát triển. Chất lượng xây dựng pháp luật cũng từng bước được nâng lên. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 2016- 2020 Quốc hội đã thông qua 72 Luật, 2 Pháp lệnh. Nếu so với giai đoạn 15 năm từ 1987- 2002, Quốc hội 3 khoá 8,9,10 ban hành 108 đạo luật, thì chỉ trong 1 nhiệm kỳ, số lượng Luật được thông qua đạt 2/3.
Mặc dù vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”. Biểu hiện cụ thể là: Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ. Phân công, phân cấp, phân quyền, nhưng chưa gắn với phân bổ nguồn lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Yêu cầu về đổi mới quản trị quốc gia trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng một Nhà nước kiến tạo phát triển.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị...”, trong đó “nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045”. Đây cũng là điều mong mỏi của nhân dân được sống trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam./.
“1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Từ khóa: Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nhà nước pháp quyền, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN