Xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”
Cập nhật: 07/11/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Buôn Ma Thuột là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, được Bộ Chính trị định hướng phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Buôn Ma Thuột cũng là thành phố đậm bản sắc văn hoá của khu vực Tây Nguyên, có nhiều thương hiệu cà phê lớn và có lễ hội cà phê cấp quốc gia.
Đây là những điều kiện ban đầu thuận lợi để tỉnh Đắk Lắk triển khai xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”. Nhân dịp 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk, Phóng viên VOV có cuộc phóng vấn ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về nội dung này:
PV: Thưa ông, thành phố Buôn Ma Thuột đã xác định đâu là những yếu tố then chốt để xây dựng thành công “Thành phố cà phê của thế giới” ?
Ông Vũ Văn Hưng: Để xây dựng thành phố cà phê của thế giới, trước tiên phải có sự đồng hành của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đây là yếu tố rất quan trọng để tạo được sự thành công, nếu không có yếu tố này sẽ không thể thành công. Thứ hai là kết nối giao thông với các vùng lân cận và cả nước để giao thương liên quan đến lĩnh vực hàng hoá và con người để đến Buôn Ma Thuột. Thứ ba là các giá trị sản phẩm gia tăng của cây cà phê phải được nâng cao và thực hiện tại Buôn Ma Thuột thì từ đó mới nâng cao giá trị gia tăng của cà phê.
Thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 của Chính phủ. UBND thành phố Buôn Ma Thuột xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”. Đến thời điểm này thành phố đã thực hiện nội dung này tới đâu rồi, thưa ông?
Trong Nghị quyết 103 của Chính phủ có Đề án “ Xây dựng thành phố cà phê của thế giới”, chúng tôi đang trình cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ của đề án này. Khi đề án được phê duyệt sẽ có phân công nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngày, của tỉnh, của thành phố và đặc biệt có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp làm gì và cụ thể trong nội dung này sẽ liên quan đến việc kêu gọi các tổ chức, các doanh nghiệp vào xây dựng thành phố cà phê của thế giới.
Ngoài xây dựng đề án, trong xây dựng quy hoạch chung của thành phố Buôn Ma Thuột có tính đến việc tạo ra những không gian cho cây cà phê, nơi trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ cà phê trên địa bàn thành phố. Đây là điều kiện để tạo ra nét riêng của Buôn Ma Thuột khi xây dựng thành phố cà phê của thế giới.
PV: Vâng, trong khi chờ Chính Phủ phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” như ông vừa chia sẻ, hẳn về phía địa phương cũng đã có sự chủ động trong thực hiện nội dung này?
Ông Vũ Văn Hưng: Việc này chúng tôi đã và đang làm. Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng chuyên môn cùng với các xã, phường tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh đảm bảo những tiêu chuẩn. Thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cà phê tại các vùng nguyên liệu, trong đó áp dụng các tiêu chuẩn của cà phê sạch và cà phê chất lượng cao. Từ đó người dân được hưởng lợi ở sản phẩm, đó là cà phê có giá cao hơn so với bình thường khi các doanh nghiệp bao tiêu.
Ngoài ra, thành phố đang xây dựng đề án liên quan đến xây dựng các sản phẩm chủ lực của thành phố, trong đó có sản phẩm cà phê và có một đề án xây dựng về nông nghiệp đô thị sinh thái. Chúng tôi gắn với du lịch. Kết hợp với các tour du lịch để đưa khách du lịch đến trải nghiệm trồng, chế biến tại vườn cà phê này…Đây là những tiêu chí mà thành phố đang triển khai và xây dựng từng bước Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê của thế giới".
PV: Xin cảm ơn ông!
Từ khóa: Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột, tây nguyên, thành phố cà phê của thế giới, thành phố cà phê, Đắk Lắk, cà phê,cà phê buôn ma thuột
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: hương lý/ vov-tây nguyên
Nguồn tin: VOVVN