Lúng túng vì biển báo giao thông sau sáp nhập
Cập nhật: 3 giờ trước
Ngang nhiên khai thác đất trái phép ở Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu
Công an Hà Nội hợp luyện, chuẩn bị cho những ngày lễ lớn của đất nước
VOV.VN - Sau hơn ba tuần kể từ khi thực hiện việc sáp nhập, nhiều tuyến đường của TP.HCM hàng loạt biển báo giao thông bị dán đè, xóa tạm tên các địa danh cũ, gây khó khăn cho nhiều lái xe và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Việc này dù là tạm thời nhưng đang gây ra không ít khó khăn, bối rối cho người đi đường, đặc biệt là các tài xế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Vậy các cơ quan chức năng đã có kế hoạch gì trong việc rà soát, sớm thay thế hệ thống biển báo cho phù hợp.
Có mặt trên các tuyến đường cửa ngõ của TP.HCM những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh những tấm biển báo giao thông bị dán băng keo trắng hoặc xóa mờ một phần nội dung. Tại các trục đường lớn như Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1, Quốc lộ 13..., những cái tên quen thuộc như “Quận 7”, “Thành phố Thủ Đức”… hay tên các huyện, xã như “Bình Chánh”, “Hóc Môn”… đã được sáp nhập nay đã bị xóa, gỡ bỏ. Điều này đang gây ra không ít khó khăn đối với những người lái xe, đặc biệt là các tài xế ngoại tỉnh hoặc tài xế xe công nghệ.
Ghi nhận của chúng tôi cho thấy nhiều tài xế phải giảm tốc độ đột ngột, thậm chí dừng lại giữa đường để cố gắng định vị, gây ra tình trạng ùn ứ và gây nguy hiểm cho các phương tiện phía sau.
Anh Nguyễn Văn Hùng, một tài xế xe đường dài chia sẻ sự bối rối của mình: "Rất là khó khăn cho anh em tài xế đường dài tụi tôi. Nhiều khi chạy đêm, nhìn biển báo không rõ ràng, tên cũ thì bị xóa đi, tên mới chưa cập nhật. Cứ chạy tới ngã ba, ngã tư là phải đoán mò, lỡ đi sai một đoạn là vừa mất thời gian, vừa tốn dầu. Mà nguy hiểm nhất là lúc mình đang phân vân, xe sau họ trờ tới, dễ va chạm lắm."
Không chỉ các tài xế đường dài, ngay cả những người lái xe công nghệ hoạt động hàng ngày trong thành phố cũng cảm thấy bất tiện. Chị Trần Thị Lan, một tài xế GrabCar, cho biết: “Khi mà em đi qua rồi mới nhìn thấy biển báo thông tin, vì vậy khi mà em đi quá rồi thì khi quay lại sẽ rất khó khăn rồi phải đi thêm 1 vòng tròn thì rất mất thời gian, công sức. Nhiều khi mình rẻ lại đi ngược chiều thì có thể bị CSGT xử phạt”.
Là một người dân địa phương thường xuyên di chuyển qua các tuyến đường kết nối với miền Tây, anh Thanh cho biết đã quen với cảnh những chiếc xe mang biển số tỉnh di chuyển một cách đầy lúng túng, ngập ngừng tại các giao lộ lớn. Việc biển chỉ dẫn đột nhiên "trống thông tin" khiến những người lái xe lạ đường hoàn toàn mất phương hướng.
Họ không biết phải đi ngả nào, dẫn đến những pha xử lý bất ngờ như giảm tốc đột ngột giữa dòng xe hay chuyển làn nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao: “Mình là người dân địa phương ở đây thì không nói gì còn nhiều người ở xa tới thì nhiều khi không có biển báo người ta trở tay không kịp, có trường hợp người ta chạy thẳng luôn, đa phần là biển số tỉnh”
Rõ ràng sự chậm trễ trong việc cập nhật hệ thống biển báo đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và trật tự giao thông. Trước thực trạng này, ông Ngô Hải Đường - Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Sở đã nắm bắt được tình hình và đang khẩn trương triển khai các giải pháp.
Hiện Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành Công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát, cập nhật, điều chỉnh hệ thống biển chỉ dẫn giao thông đường bộ trên địa bàn. Trong giai đoạn đầu, thành phố sẽ ưu tiên điều chỉnh các biển báo liên quan đến địa giới hành chính cũ của TP.HCM và các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để đảm bảo thống nhất.
“Sở Xây dựng đã có văn bản triển khai đến các đơn vị của sở, trong quá trình triển khai thực hiện, qua rà soát thống kê hiện nay trên địa bàn TP.HCM cũ có khoảng 100 nghìn các loại biển báo. Hiện nay đang tập trung cho việc thay đổi địa danh theo địa danh mới, song song đó sẽ có rà soát điều chỉnh cho phù hợp, theo kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành việc thay đổi theo địa danh mới”, ông Ngô Hải Đường cho biết.
Kế hoạch sẽ hoàn thành việc thay thế khoảng 100.000 biển báo trên địa bàn trước cuối năm nay là một khối lượng công việc rất lớn. Từ nay cho đến lúc đó, người dân vẫn phải đối mặt với những khó khăn và nguy cơ mất an toàn giao thông.
Nhiều người dân kỳ vọng, thành phố, ngành giao thông sẽ có sự chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ, sớm trả lại sự rõ ràng, an toàn cho hệ thống biển báo, giúp người dân lưu thông thuận lợi, an toàn.
Từ khóa: biển báo giao thông, biển báo, biển báo giao thông, giao thông, sáp nhập, an toàn giao thông,bất cập biển báo giao thông sau sáp nhập, bất cập biển báo giao thông
Thể loại: Xã hội
Tác giả: trọng nghĩa/vov-giao thông
Nguồn tin: VOVVN