Bưởi da xanh mang lại thu nhập ổn định ở miền núi Khánh Hòa

Cập nhật: 5 giờ trước

VOV.VN - Tại miền núi tỉnh Khánh Hòa, cây bưởi da xanh đang dần khẳng định vị thế là cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Tuy nhiên, để sản phẩm vươn xa hơn, nhất là hướng đến xuất khẩu chính ngạch, việc chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ và xây dựng mã số vùng trồng đang là yêu cầu cấp thiết.

Những ngày cuối tháng 7 này, tại các xã Khánh Vĩnh, Trung Khánh Vĩnh, Bắc Khánh Vĩnh, Tây Khánh Vĩnh, Nam Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa (thuộc huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cũ), nhiều vườn bưởi đã trĩu quả. Ông Đặng Thế Luyện, ở thôn Sơn Thành, xã Khánh Vĩnh, là một trong những hộ tiên phong trồng bưởi da xanh tại địa phương. Trên diện tích 8 héc ta, ông trồng hơn 2.000 gốc bưởi, mỗi năm thu được từ 18 đến 20 tấn quả. Với giá bán bình quân từ 20.000 đến 40.000 đồng/kg, vườn bưởi gia đình ông Luyện cho thu nhập khá ổn định. Ông Đặng Thế Luyện cho biết, ông đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, sử dụng phân hữu cơ và áp dụng các biện pháp sinh học để kiểm soát sâu bệnh, từng bước hướng đến sản xuất hữu cơ thực thụ.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm về hương vị cũng như mẫu mã quả bưởi. Sau này, khi có đủ điều kiện và được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng mã số vùng trồng để xuất khẩu. Đó là niềm mơ ước mà chúng tôi rất mong được thực hiện. Bằng mọi chách mở rộng thêm diện tích. Bởi vì cây bưởi ở Khánh Vĩnh rất ngon, đã được chứng nhận là thương hiệu quốc gia”, ông Luyện chia sẻ.

Hiện nay, các xã Khánh Vĩnh, Trung Khánh Vĩnh, Bắc Khánh Vĩnh, Tây Khánh Vĩnh và Nam Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa có khoảng 600 héc ta bưởi da xanh, phân bố rộng khắp. Trong đó, khoảng 330 héc ta đang cho thu hoạch, sản lượng hơn 1.400 tấn/năm, năng suất bình quân gần 4,5 tấn/héc ta.

Bưởi da xanh Khánh Vĩnh nổi bật với đặc điểm vỏ mỏng, tép mọng nước, vị ngọt thanh, dễ bảo quản, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn chưa thể vào được các hệ thống phân phối hiện đại hay xuất khẩu chính ngạch do phần lớn diện tích chưa có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Trước thực tế này, nhiều hộ nông dân tại Khánh Vĩnh đã bắt đầu chuyển mình, hướng đến sản xuất sạch, canh tác hữu cơ. Để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả và lan tỏa rộng, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và doanh nghiệp.

Theo bà Cao Thị Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Trung Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa: Bưởi là cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện tự nhiên và đang được địa phương định hướng phát triển mạnh.

“Sau khi sáp nhập, chúng tôi thấy rõ lợi thế để phát triển cây trồng chủ lực vì diện tích đất rộng, đất sạch còn rất nhiều. Địa phương đang xây dựng phương án sẽ đưa mô hình cây bưởi và phát triển rộng ra trên địa bàn xã Khánh Hiệp cũ để mở rộng cái mô hình cây trồng chủ lực của địa phương là cây bưởi. Tiềm năng từ trước đây phát triển theo mô hình vườn cây ăn trái hữu cơ đang rất là lợi thế. Đây là một trong những thế mạnh mà xã Trung Khánh Vĩnh cũng hướng đến phát triển mô hình vườn cây ăn trái, đặc biệt theo hướng hữu cơ”, bà Thanh cho biết.

Hiện nay, chính quyền các xã miền núi tỉnh Khánh Hòa đang phối hợp với các sở, ngành của tỉnh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân như: tập huấn kỹ thuật trồng bưởi hữu cơ, xây dựng mô hình điểm, hướng dẫn hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, kết nối doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Trong chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, các xã thuộc huyện Khánh Vĩnh (cũ) được tỉnh Khánh Hòa quy hoạch là vùng trồng cây ăn quả tập trung với các loại cây thế mạnh như sầu riêng, mít và bưởi. Trong đó, bưởi da xanh được ưu tiên chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ.

Việc sản xuất theo hướng hữu cơ không chỉ giúp bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nông sản mà còn mở ra cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị cao hơn, tiếp cận các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Đây cũng là điều kiện tiên quyết nếu muốn sản phẩm bưởi Khánh Vĩnh bước ra thế giới.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ vẫn là thách thức lớn đối với người dân do chi phí đầu tư cao. Trước thực tế đó, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ cụ thể hơn về tài chính, kỹ thuật và thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện để nông dân yên tâm sản xuất theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, việc hình thành các chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp - nhà phân phối là yếu tố then chốt để phát triển bền vững. Nhà nước giữ vai trò “bà đỡ” về chính sách và quy hoạch, trong khi doanh nghiệp đóng vai trò chủ lực trong bao tiêu, chế biến và xuất khẩu. Ông Hồ Hữu Đức, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa cho biết, các hợp tác xã trong tỉnh đang kết nối nông dân và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm bưởi. 

“Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thành viên hợp tác xã của tỉnh để liên kết hợp tác xã nhằm giúp cho hợp tác xã giải quyết đầu ra sản phẩm của họ. Một số cuộc họp của các hợp tác xã, Hội đồng Quản trị thì có mời các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã làm việc, tham quan, khảo sát các sân vườn, nơi trồng cây để giúp các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm. Các hợp tác xã người ta góp vùng đất lại nhiều héc ta để sản phẩm nhiều hơn”, ông Đức cho biết.

Với lợi thế về chất lượng sản phẩm, nếu đáp ứng được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn sản xuất và liên kết chuỗi, bưởi da xanh Khánh Vĩnh hoàn toàn có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và từng bước vươn ra quốc tế. Việc phát triển bưởi da xanh theo hướng hữu cơ không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới bền vững ở miền núi Khánh Hòa.

Từ khóa: Khánh Hòa, Bưởi da xanh, miền núi , Khánh Vĩnh,khí hậu, thu nhập

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: thanh thắng/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập