Vụ án Tịnh thất Bồng Lai: “Mạo danh Phật pháp để trục lợi là không thể chấp nhận”

Cập nhật: 06/01/2022

VOV.VN - Người đứng đầu cơ sở được gọi là Tịnh thất Bồng Lai – ông Lê Tùng Vân vi phạm giáo lý nhà Phật, vừa vi phạm luật pháp Việt Nam. Vụ án đã được khởi tố để điều tra về nhiều tội danh.

Giả mạo người tu hành, nuôi trẻ mồ côi để kiếm tiền từ thiện

Ngày 5/11, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Tùng Vân (SN 1932, ngụ phường 10, quận 6, TPHCM) để điều tra về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, bị can này còn bị điều tra về dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân và  loạn luân.

Theo điều tra, năm 2014, bà Cao Thị Cúc (SN 1960, ngụ xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) mua gần 2.000m2 đất tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Sau đó, bà Cúc xây sửa lại khu đất này để làm khu tu tại gia.

Đến năm 2015, ông Lê Tùng Vân chuyển về xã Hòa Khánh Tây sống chung với bà Cúc. Sau đó, ông Vân nhận con nuôi với danh nghĩa làm từ thiện và tự lập thành Tịnh thất Bồng Lai, sau này đổi tên là “Thiền am bên bờ vũ trụ”.

Từ năm 2015 đến nay, tại Tịnh thất Bồng Lai có 18 người cư trú. Trong đó gồm 6 trẻ em và đều có mẹ ruột nuôi dưỡng, không phải trẻ mồ côi. Qua giám định, đa số trẻ em sinh sống tại đây đều có huyết thống với ông Lê Tùng Vân.

Mặc dù vậy, Tịnh thất Bồng Lai do ông Vân đứng đầu vẫn lợi dụng danh nghĩa nuôi dưỡng trẻ mồ côi để kêu gọi sợ giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Ông Vân được gọi là “sư ông nội”, trong khi ông này chưa từng xuất gia. Tịnh thất Bồng Lai cũng không có trong danh sách các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo của tỉnh Long An.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, trụ trì Chùa Giác Ngộ cho biết: “Hiện nay, nhiều quần chúng ngộ nhận rằng, đây là một nhóm Phật tử, chư tăng ni. Đây là những ngộ nhận rất đáng tiếc. Thật ra, cơ sở này đang đánh tráo khái niệm".

"Khi cơ quan Nhà nước kiểm tra hành chính, họ nói là người dân bình thường. Khi lên mạng và truyền thông, họ lại nói rằng đây là chùa. Như vậy là giả mạo Phật giáo. Ông Lê Tùng Vân và các con cháu của ông tại đây chưa được thọ giới, nhưng lại tự nhận đây là chùa, đây là thầy và các sư cô. Đó là hành vi lừa đảo” - Thượng tọa Thích Nhật Từ phân tích.

Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh, việc mạo danh Phật pháp để trục lợi là không thể chấp nhận: “Như vậy vừa vi phạm giáo lý nhà Phật, vừa vi phạm luật pháp Việt Nam. Họ không theo giáo hội, không tuân thủ theo giới luật nhưng lại nhận mình là tăng ni để phục vụ mục đích riêng. Đó là điều không thể chấp nhận được.”

Đối với các chùa Phật giáo tại Việt Nam, Thượng tọa Thích Nhật Từ nêu rõ, được xây dựng theo một hệ thống nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Do đó, người dân khi cúng dường, quyên góp tiền từ thiện cần phải xác định cơ sở thờ tự đó có chính xác là chùa không. Điều này có thể dễ dàng thực hiện thông qua việc liên lạc với các Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại mỗi địa phương, để tránh trường hợp mất tiền cho các cơ sở gian dối như Tịnh thất Bồng Lai. 

Tội Loạn luân bị xử lý như thế nào?

Giả mạo người tu hành, lên mạng rao giảng đạo đức nhưng ông Lê Tùng Vân lại bị điều tra về 3 tội danh, trong đó có dấu hiệu phạm tội loạn luân. 

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng VP Luật sư Trung Hòa, đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, Điều 184 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

"Tội loạn luân được xác định là tội phạm hoàn thành kể từ khi người nam và nữ có cùng dòng máu trực hệ thực hiện hành vi giao cấu. Trong trường hợp này, ông Lê Tùng Vân được xác định quan hệ với người cận huyết, mà chính người con đứng ra làm chứng” - luật sư nói.

Về các hành vi của ông Lê Tùng Vân thuộc tội danh khác, luật sư Hoàng Tùng nhận định: Thông tin ban đầu cho thấy, ông Lê Tùng Vân cùng các cá nhân ở cơ sở này lợi dụng danh nghĩa, mạo nhận nuôi trẻ mồ côi để kêu gọi lòng tốt của người dân trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Đồng thời, họ sử dụng nhiều tài khoản khác nhau, đăng nhiều video với nội dung không đúng sự thật về diễn biến vụ việc xảy ra tại đây.

“Như vậy, tính chất lừa đảo thể hiện bằng việc gian dối, đưa ra thông tin giả, không đúng sự thật làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Về khung hình phạt, phải điều tra cụ thể số tiền mà cơ sở này đã lừa đảo của người khác để có thể đưa ra mức xử phạt cụ thể với tội danh này. Ông Lê Tùng Vân và các cá nhân có liên quan có thể sẽ phải chịu mức hình phạt từ 2 năm tù cho đến mức tù cao nhất là chung thân, tùy theo mức độ hành vi phạm tội của mỗi cá nhân” - luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh./.

Từ khóa: Vụ án Tịnh thất Bồng Lai, Lê Tùng Vân, mạo danh phật giáo để trục lợi

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập