Vụ 40 người trốn khỏi casino ở Campuchia: Có dấu hiệu tội phạm mua bán người
Cập nhật: 23/08/2022
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Theo luật sư, nếu các đối tượng trực tiếp hoặc giúp sức cho việc thực hiện các hành vi khách quan của “Tội mua bán người” nêu trên, thì các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
Chiều 22/8, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh An Giang tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Lệ, 42 tuổi và Lê Văn Danh, 34 tuổi, cùng trú tại thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Việc khởi tố hai đối tượng này vì có liên quan đến vụ việc 40 người trốn khỏi casino bên Campuchia bơi qua sông về Việt Nam, trong đó có 6 người do Lệ và Danh đưa trót lọt xuất cảnh trái phép sang Campuchia từ trước đó.
Theo cơ quan điều tra, ngoài việc đưa 6 người khách trên xuất cảnh trái phép qua Campuchia, Lệ còn thừa nhận cùng Danh đưa trót lọt nhiều lần, nhiều đối tượng xuất cảnh trái phép qua Campuchia với mục đích làm việc tại casino.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, với việc bị khởi tố về “tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” (Điều 348 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì tùy tính chất và mức độ vi phạm, các đối tượng có thể bị phạt tù từ 1 năm cho đến cao nhất là 15 năm. Ngoài ra, những người phạm tội này, còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Luật sư Hùng cũng cho hay, nếu 2 đối tượng Lệ và Thừa, bị kết luận đã nhiều lần tổ chức và đưa nhiều người xuất cảnh trái phép sang Campuchia các đối tượng sẽ phải chịu tình tiết tăng nặng định khung là “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 348 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với khung hình phạt tù là từ 05 năm đến 10 năm. Ngoài ra, số lượng người xuất cảnh trái phép cũng là căn cứ để xác định khung hình phạt cho các đối tượng.
Theo đó, nếu phạm tội đối với từ 5 người đến 10 người thì khung hình phạt từ 05 năm đến 10 năm tù, còn đối với 11 người trở lên thì khung hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm (điểm c Khoản 2 và điểm a Khoản 3 Điều 348 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trong vụ việc này, có ý kiến cho rằng, 2 đối tượng này có bị xem xét để khởi tố tội danh “Mua bán người” hay không, luật sư Hùng thông tin thêm, tại Điều 150 Bộ luật hình sự năm 2015 về “tội mua bán người” quy định hành vi khách quan của tội danh này như sau: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây: “a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.”
Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm mà người phạm tội này có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo đó, nếu các đối tượng trực tiếp hoặc giúp sức cho việc thực hiện các hành vi khách quan của “Tội mua bán người” nêu trên, thì các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
Từ phân tích trên, luật sư Hùng cho hay, nếu bị kết án đối với hai tội danh là “Tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” và “Tội mua bán người” thì việc tổng hợp hình phạt cho các đối tượng sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
“Do hình phạt quy định đối với hai tội danh này đều là hình phạt tù có thời hạn, nên nếu được xét xử cùng 01 lần, thì Tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với từng tội và các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung nhưng không được vượt quá 30 năm tù. Còn đối với hình phạt bổ sung, nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật hình sự quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung; còn nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên” - luật sư Hùng nói.
Hiện nay, các thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động nước ngoài diễn ra rất tinh vi, dưới nhiều hình thức khác nhau, nhiều khi rất khó nhận biết, thậm chí nhiều vụ việc phải có sự vào cuộc điều tra, kiểm tra, xác minh của các cơ quan chức năng thì mới có thể làm rõ được. Do đó, luật sư Hùng cho rằng, người dân cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ lưỡng về doanh nghiệp xuất khẩu lao động, cũng như các quy định của pháp luật có liên quan. Khi có nhu cầu đi lao động, làm việc tại nước ngoài, thì người dân cần liên hệ, sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu lao động đã được cấp phép và có uy tín, thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật.
Người dân tuyệt đối không được lựa chọn các hình thức ra nước ngoài lao động, làm việc trái phép, không thực hiện các thủ tục pháp lý hoặc không được sự cho phép của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (dù dưới bất kỳ hình thức nào). Bởi vì, đó đều là các hành vi trái pháp luật, không chỉ khiến người vi phạm phải đối mặt với các chế tài xử lý nghiêm khắc của pháp luật mà còn có nguy cơ trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo, cưỡng bức, bóc lột lao động hoặc mua bán người, bị xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, thậm chí là tính mạng./.
Từ khóa: Vụ 40 người trốn khỏi casino ở Campuchia, trốn khỏi casino ở Campuchia, Công an tỉnh An Giang, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN