Những quản trang hết lòng vì mộ phần đồng đội

Cập nhật: 5 giờ trước

VOV.VN - Trên địa bàn tỉnh Long An cũ, nay là tỉnh Tây Ninh, có những nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng ngày càng khang trang và được các quản trang chăm sóc hàng ngày, tỉ mẩn, kĩ lưỡng. Trong những người quản trang, có cả những thương binh, gắn bó, hết lòng chăm sóc mộ phần đồng đội.

 

Khi được hỏi về công việc, những người quản trang hết lòng vì mộ phần đồng đội ở 2 nghĩa trang lớn của tỉnh Long An (cũ), nay là tỉnh Tây Ninh chia sẻ: "Tôi làm với cái tâm, chăm sóc ở đây giống như cho người thân của mình. Tôi là thương binh 4/4, tôi gắn bó với nghĩa trang này hai mươi mấy năm rồi.  Vinh dự mới vô đây làm được, nhiều người xin cũng đâu làm được đâu, làm không nổi, không được".

Xem liệt sĩ như người thân

Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Hưng- Tân Hưng, tỉnh Long An (cũ), nay là tỉnh Tây Ninh, nơi đang có hơn 3.700 ngôi mộ và hàng năm đều tăng thêm khi Đội K73 tìm kiếm, quy tập và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia.

Tháng 7 năm nay cũng vậy, vừa có thêm phần mộ của 156 liệt sĩ. “Ngôi nhà” này thêm đông hơn nhưng cũng ấm áp hơn khi các anh hùng liệt sĩ được tìm kiếm, cất bốc và hồi hương về Việt Nam.

Vợ chồng ông Hồ Văn Thương và bà Phùng Thị Mỹ đều là quản trang của Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Hưng- Tân Hưng có thêm những ngôi mộ để ngày ngày quét dọn, trồng hoa, thắp nhang.

Gắn bó với Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Hưng - Tân Hưng gần 30 năm, hình ảnh đôi vợ chồng già chu toàn, quán xuyến, chăm sóc từng phần mộ... đã trở nên quen thuộc với cả gia đình các liệt sĩ và những người đến viếng nghĩa trang.

Qua ngần ấy thời gian gắn bó, vợ chồng ông Thương, bà Mỹ thuộc từng vị trí ngôi mộ, tên các liệt sĩ, quê quán, địa chỉ được quy tập. Còn với những ngôi mộ chưa rõ họ tên, ông bà xem các anh như người thân của gia đình, chăm sóc một cách chu đáo để các anh được ấm lòng khi người thân chưa tìm thấy. 

Bà Mỹ tâm sự, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bị thương nên hơn ai hết bà hiểu được sự mất mát hi sinh để có được hòa bình hôm nay. Từ lâu, bà đã coi nghĩa trang này như nhà của mình, bởi những người đang nằm trong nghĩa trang là anh em, đồng đội. Chẳng thế mà, những ngày lễ, tết dù được nghỉ thì bà vẫn làm việc, giữ cho nghĩa trang được ấm cúng.

"Tôi nghĩ là tôi may mắn sống sót, còn đồng chí, đồng đội của tôi thì ngã xuống rồi, nghĩ tới là xót ruột nên tôi về đây xin vô đây làm để chăm sóc đồng chí, đồng đội. Lúc đầu tôi cũng sợ, đi đâu là đi hai người chứ không dám đi một mình. Dần rồi quen, tôi coi đây là người thân của mình, ngày nào không ra là nhớ. Tôi ra làm, mệt thì dựa vào mộ nghỉ, không sợ hãi gì"bà Mỹ kể.

Ở Nghĩa trang Liệt sĩ Châu Thành - Tân Trụ cũng vậy, những người quản trang thực sự gắn bó, hết lòng với việc chăm sóc phần mộ liệt sĩ. Nghĩa trang này rộng gần 4 hecta với trên 3.000 ngôi mộ và chỉ có 3 người chăm sóc, quản lý.

Anh Nguyễn Thành Trọng là 1 trong 3 quản trang ở Nghĩa trang Liệt sĩ Châu Thành- Tân Trụ cho biết, làm việc ở  nghĩa trang liệt sĩ này, quản trang phải có cái tâm, có tình cảm, lòng biết ơn thật sự thì mới gắn bó được. Bởi mỗi người đều phải tự ý thức được các phần việc và tự giác làm, âm thầm, tỉ mỉ, đều đặn, chứ không có ai nhắc việc cả.

"Tôi vinh dự mới được vô đây làm. Ở đây hợp mới làm được, không hợp là không bao giờ làm được. Nhiều người vô làm, buổi chiều mà thấy mộ ngàn ngàn như vậy thì thôi bỏ đi liền, rất nhiều người xin làm mà ở không nổi. Còn mình vô đây mình làm được, thấy có duyên thì mình ráng làm luôn. Đây cũng như doanh trại quân đội của các anh hùng liệt sĩ, mình làm đúng theo nhiệm vụ thì các chú các bác phù hộ mình sức khỏe và làm tốt hơn", anh Trọng cho biết thêm.

Tự thu xếp cuộc sống để gắn bó lâu dài

Ở những nghĩa trang liệt sĩ như Vĩnh Hưng- Tân Hưng, Châu Thành- Tân Trụ và bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ trên đất nước này, có biết bao những người quản trang tận tâm vì công việc như bà Mỹ, anh Trọng, ông Thương.

Cuộc sống có khó khăn, có thiếu thốn thì mỗi người tự thu xếp, còn công việc chung ở nghĩa trang thì tự giác tự nguyện cùng làm, cùng chia sẻ nặng nhọc.

Mỗi người đều tâm niệm, những vất vả, khó khăn này chẳng là gì so với những hi sinh của các liệt sĩ nằm đây.

Ông Hồ Văn Thương- chồng bà Phùng Thị Mỹ, cũng là quản trang của Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Hưng- Tân Hưng kể, mấy chục năm trước, khi ông bà nhận công việc này, con cái nheo nhóc phải lo chăm sóc và đưa đón đi học, trong khi nghĩa trang thì nằm ở vùng biên giới, cỏ lau ngập đầu, đường đi nắng bụi- mưa lầy. Lúc đó, ông bà làm việc bất kể ngày đêm, từ cắt cỏ, trồng cây kiểng cho nghĩa trang đến lau chùi các phần mộ, chuẩn bị các khu đất sạch để đón thêm hài cốt liệt sĩ.

Ông Thương nói: "Hồi đó nghĩa trang có mấy trăm mộ, nên phần chăm sóc dễ hơn. Bây giờ số mộ gấp nhiều lần và mọi thứ đều được nâng cấp hơn, phần công sức chăm sóc cũng phải theo, công việc nhiều nên phải ráng làm. Nếu mà cân đo đong đếm tiền lương với công sức thì không đáp ứng được đâu mà mình làm bằng cái tâm thôi. Tôi không phải là người quê gốc ở đây và chăm sóc ở đây tôi tính như người thân của mình, yên tâm mà làm".

Tiền lương quản trang không thể đủ cho cuộc sống gia đình nên hầu như quản trang nào cũng nhận làm thêm một số công việc ở ngoài nhưng luôn tâm niệm làm ngoài để có thể gắn bó hơn với công việc ở nghĩa trang. Với họ, quản trang là việc thiêng liêng, là cái duyên, là “việc chọn người”.

Ông Đặng Văn Bạc, cùng là quản trang với anh Trọng ở Nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành- Tân Trụ cho biết, anh em quản trang vừa tự giác vừa phân công nhau chu toàn công việc.

"Công việc thì tự giác làm, còn hễ tới ngày lễ, tết thì gom lại cùng làm, dù tối khuya cũng ráng làm xong công việc....", ông Bạc nói.

Có những người quản trang đã tự nhận về mình trách nhiệm chăm sóc cho các anh hùng liệt sĩ và làm việc bằng cả tinh thần, tình cảm, lòng tri ân....

tbt_tang.jpg

“Những người không ai nhớ mặt, đặt tên đã làm nên đất nước”

VOV.VN - Sáng 24/7, tại Hội nghị gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử năm 2025, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dự và tri ân 250 người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu đại diện cho 9,2 triệu người có công toàn quốc có mặt trong hoạt động kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-2025).

Từ khóa: mộ phần, quản trang, nghĩa trang liệt sỹ, vĩnh hưng, tân hưng, châu thành, tân trụ,đồng đội,chăm sóc mộ, mộ phần đồng đội, nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc mộ phần đồng đội,mộ phần

Thể loại: Xã hội

Tác giả: minh hạnh/vov-tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập